Nông nghiệp sạch đang là một đề tài nóng bỏng, người trẻ khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch cũng không hiếm. Nhưng gặp chị Lê Thị Thanh Hồng, người khởi nghiệp nông nghiệp sạch với cái tâm đóng góp cho xã hội thì thật là hiếm.
Đam mê nông nghiệp sạch, quản lý cấp cao bỏ việc nghìn đô
Thanh Hồng từng làm việc cho Công ty Unilever tại Anh, trong thời gian này, cô gái 8X có cơ hội tìm hiểu ngành thực phẩm, cách quản lý và quảng bá các sản phẩm đến người tiêu dùng…
Sau đó, chị đến Thái Lan với vị trí Quản lý cấp cao nhãn hàng cho vùng Đông Nam Á của Reckitt Benckiser. Tại đây, chị cũng có cơ hội tìm hiểu nền nông nghiệp của Thái Lan.
May mắn có cơ hội được đi làm nhiều nơi trên thế giới, chị Hồng nhận thấy mô hình sản xuất ở các nước tiên tiến và ngay cả những nước lân cận như Thái Lan vượt bậc hơn hẳn Việt Nam về cách nông sản được đưa ra thị trường cũng như kiến thức của người dùng về thực phẩm.
Trở về Việt Nam, chị nhận thấy nông nghiệp hữu cơ là một mô hình nông nghiệp còn khá mới mẻ. Trong khi đó, trên thị trường tại các nước trên thế giới thì nông nghiệp hữu cơ rất được chú trọng đầu tư phát triển.
Chị Hồng cũng nhận thấy thông tin thị trường cũng như kiến thức thực phẩm sạch thực phẩm bẩn vẫn còn lẫn lộn. Người tiêu dùng đôi khi còn bán tính bán nghi với những thực phẩm mà họ lựa chọn. Bên cạnh đó, người sản xuất thì không có nhiều cơ hội cũng như kiến thức về việc phân phối các sản phẩm mình làm ra, cứ đến mỗi mùa tình trạng nhiều nông dân bị các thương lái ép giá dẫn đến thua lỗ. Sản phẩm đầu ra hầu hết là hàng thô, chưa có thương hiệu và cách làm bài bản để phát triển lâu dài.
Chị nghĩ mình có thể góp vai trò tích cực trong việc kết nối người nông dân tới người tiêu dùng, với kiến thức về phát triển sản phẩm và thị trường, chị tin rằng mình có thể giúp đỡ người nông dân nhiều hơn nữa. Đồng thời, chị cũng mong người tiêu dùng có một nơi tin tưởng để mua thực phẩm sạch từ gốc một cách chính thống hơn.
Với cái nhìn như vậy, chị Thanh Hồng quyết tâm từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để theo đuổi đam mê của mình. Trở về Việt Nam, chị xây dựng Happy Trade, một dự án không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, mà trên hết là để phát triển cộng đồng thực phẩm hữu cơ.
Đây là dự án kết nối giữa: Người tiêu dùng – Happy Trade – Nhà sản xuất. Tất cả cùng nhau nỗ lực để hướng đến một cộng đồng thực phẩm tốt đẹp hơn.
Đối với người tiêu dùng, Happy Trade không chỉ đơn thuần là website cho mọi người có nhu cầu chọn mua những thực phẩm hữu cơ sạch cho gia đình một cách nhanh, tiện ích, mà còn là nơi giúp mọi người có thể tiếp cận thông tin, nguồn thực phẩm sạch chân chính một cách dễ dàng. Người dùng có thể truy xuất hàng hóa đến tận nguồn sản xuất của những nơi cung cấp và đưa ra những đánh giá để cùng hỗ trợ cộng đồng sản xuất và tiêu dùng phát triển một cách minh bạch.
Đối với nhà sản xuất, Happy Trade là nơi tập hợp các đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ uy tín. Tại đây, Happy Trade hỗ trợ đầu ra, phát triển cộng đồng.
Người bạn đồng hành của nhà nông
Là một người kỹ tính, chị Hồng chọn bước đi chậm mà chắc, đảm bảo chất lượng hơn số lượng. Để cho ra đời được đứa con tinh thần Happy Trade, chị đã mất hơn nửa năm để tìm hiểu thị trường và làm việc với nông dân để tạo niềm tin cho họ.
Khi chị nói ý tưởng của mình về việc là cầu nối của nông dân tới người tiêu dùng và minh bạch thông tin nhà sản xuất, cùng giúp đỡ họ thúc đẩy thương hiệu, nhiều nông dân ban đầu còn hoài nghi vì đó chưa phải là thực trạng phân phối ở Việt Nam.
Chị Hồng đã chứng minh bằng hành động và tính kiên quyết của mình. “Mọi người chỉ tin mình khi mình thực sự: Nói là làm! Nếu mình không đứng ở vai trò là bạn, là người đồng hành cùng với họ, thấu hiểu chia sẻ cùng họ và giúp đỡ họ cùng phát triển thị trường thì mình sẽ không đi lâu dài với nhau được”- chị Hồng chia sẻ.
Có lẽ công việc khó khăn nhất với chị là tìm và hợp tác với người nông dân. “Hiện nay, trên thị trường nhà cung cấp trong ngành nông nghiệp rất nhiều nhưng để tìm người chung chí hướng theo phát triển nông nghiệp hữu cơ thì còn rất khó khăn, mình cần những người bạn cùng chung chí hướng để phát triển đường dài, lựa chọn những nhà cung cấp phải phù hợp với quan điểm sống kèm theo uy tín trong công việc là trên hết” – chị Hồng bộc bạch.
Hướng đến xây dựng cộng đồng
Nông nghiệp hữu cơ không còn là một khái niệm mới so với các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam đây vẫn là giai đoạn sơ khai, mở đầu. Vì vậy, không chỉ người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi những thói quen canh tác truyền thống mà còn cần sự tiếp nhận của người tiêu dùng.
Có ai nghĩ làm nông là dễ, làm nông nghiệp hữu cơ lại càng không. Ngoài việc phải kiểm soát sâu bệnh, cải tạo chăm sóc cây tại vườn, còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu. Một lần bão vào hay nắng mưa thất thường là có thể trắng tay. Vì vậy nếu bạn không đủ yêu, đam mê và kiên trì không đủ lớn thì chắc là không làm nổi.
Sau một năm thành lập, website happytrade.org đã có gần 40 đối tác là các đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ đến từ khắp nơi cả nước. Trong thời gian này, chị chia sẻ rằng mình có nhiều cơ hội hơn để đi về các vườn, nông trại, cũng gặp được rất nhiều bạn nông dân có tâm, được nghe và hiểu hơn những câu chuyện của các bạn. Đây là những câu chuyện làm chị cảm thấy rất xúc động, truyền cho chị nhiều động lực hơn để tiếp tục con đường này và mong muốn được chia sẻ những câu chuyện này tới nhiều người hơn nữa. “Dù còn nhiều khó khăn nhưng mình đã xác định duy trì con đường của mình gắn liền với làm nông nghiệp sạch, phát triển nông sản hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng” – chị Hồng khẳng định.
Có thể thấy, sự xuất hiện của dự án chị mang lại đã đem lại những bước đi mới trong nông nghiệp, người tiêu dùng cũng dần hiểu và chia sẻ nhiều hơn những giá trị Happy Trade mang lại, nhà sản xuất cũng được lợi ích khi liên kết với Happy Trade. Chặng đường khởi đầu còn nhiều gian nan nhưng thấy rõ nhiệt huyết của chị khi chị chia sẻ về dự án cộng đồng này.