Cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu những tháng gần đây đã có tác động sâu sắc tới giới hoạt động mỹ thuật ở nhiều nước và nhiều nghệ sĩ tạo hình đã bày tỏ tình cảm, suy tư của mình qua các tác phẩm, trong đó có cả một số nghệ sĩ Việt Nam đã học tập, sống và sáng tác tại châu Âu.
Với các nghệ sĩ đường phố như MTO, nghệ danh của một họa sĩ Pháp chuyên vẽ tranh tường đường phố với các chủ đề xã hội thì cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu đã cho anh cơ hội để thể hiện những bức tranh tường đặc sắc trong loạt tranh mà anh đặt tên là “Đường hầm Địa Trung Hải” (The Mediterranean Tunnel), qua đó MTO đã bằng ngôn ngữ hội họa cực thực mô tả cảnh những người nhập cư chui qua các cao ốc trên đảo Malta để tìm đường vào nước Ý. Tranh được vẽ trong Liên hoan mỹ thuật Sliema ở Malta và trong dự án nghệ thuật Incipit Project ở Sapri (Ý). Còn trong tác phẩm Nhập cư, nghệ sĩ đường phố Tây Ban Nha Daniel Garcia mô tả những cánh tay tuyệt vọng của người nhập cư vươn tới cõi sống châu Âu đang dần khép lại, như anh bày tỏ: “Hàng ngàn người đã chết, và hàng ngàn người đang trốn chạy khỏi cái chết. Chẳng phải là lỗi của chúng ta, nếu như chúng ta giả vờ như không hay biết rằng: chúng ta đã không bao giờ khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của họ; chúng ta không bao giờ đồng lõa và cho phép bọn cầm quyền độc tài khiến họ trở thành nghèo đói; chúng ta đã không bao giờ bán vũ khí để kéo dài mãi những cái chết; và chúng ta không bao giờ ngăn cản họ thoát khỏi tất cả những điều kể trên…”.
Còn ở Anh, nơi có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là người nhập cư từ thế kỷ XX và những thập niên gần đây, thường xuyên có các cuộc triển lãm lớn được tổ chức tại Bảo tàng Ben Uri ở London với chủ đề chung “Nghệ thuật, Bản sắc và Nhập cư”, giới thiệu tác phẩm của nhiều tên tuổi từng là người nhập cư tới châu Âu trong các thập niên đầu tiên của thế kỷ XX như Chagall, Auerbach, Bomberg, Epstein, Gertler, Grosz, Liebermann, Kossoff, Wolmark… Bảo tàng được thành lập vào năm 1915 bởi họa sĩ nhập cư người Nga gốc Do Thái Lazar Berson.
Vào ngày 26-2, triển lãm có tên gọi “Nhập cư và Bản sắc” được tổ chức tại Viện Goethe ở Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học) và sẽ kéo dài đến ngày 13-3-2016, trưng bày tác phẩm của hai họa sĩ Việt Nam Đỗ Tuấn Anh, Dương Thùy Dương đều sinh ra, lớn lên tại Việt Nam và đã sống nhiều năm ở nước Đức, nơi đón nhận nhiều người nhập cư nhất trong thời gian qua. Theo giới thiệu của Viện Goethe Hà Nội thì: “Năm 2014, khoảng 20% dân số Đức có nguồn gốc nhập cư; 16,4 triệu người này đang phải làm quen dần với những truyền thống xa lạ ở quê hương mới. Nhiều người trong số họ đang sống giữa hai nền văn hóa, luôn phải đối mặt với những vấn đề nhận thức cá nhân và nhận thức về sự xa lạ: Ta đến từ đâu? Ta thuộc về nơi nào? Những người khác nhìn mình ra sao? Tác phẩm của các nghệ sĩ Đỗ Tuấn Anh, Dương Thùy Dương ẩn chứa những câu hỏi về cuộc sống giữa hai nền văn hóa, về nhập cư và bản sắc”.
Họa sĩ Đỗ Tuấn Anh sinh năm 1979 tại Thanh Hóa, học thiết kế đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2013 sang Đức sống, làm việc và sáng tác nghệ thuật tại thành phố Solingen. Còn Dương Thùy Dương sinh năm 1979, học Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau đó tốt nghiệp ngành Hội họa Đại học Nghệ thuật Burg Giebichenstein tại Halle, Đức, hiện đang sống tại Berlin. Hai nghệ sĩ lấy ý tưởng từ chính dòng người tỵ nạn ồạt tràn vào Đức ở thời điểm hiện tại khiến sức nóng của đề tài nhập cư ngày một gia tăng. Trong khi đó, quá trình di dân và nhập cư của người Việt tới Đức đã diễn ra từ rất nhiều năm nay và vẫn được coi là điển hình của một quá trình hòa nhập thành công: người Việt Nam được mô tả là cộng đồng nhập cư tích cực nhất tại Đức. Vậy, nên hiểu về sự thích nghi nhưng vẫn giữ được tính bản sắc của những người nhập cư như thế nào? Vì vậy, tác phẩm của hai họa sĩ tại triển lãm “thay lời tự bạch của mỗi cá nhân người nghệ sĩ về tính bản sắc”.
- Phạm Đán Bình