Đến với hội họa từ thời học sinh trung học, nay khi đã nổi tiếng với nhiếp ảnh nghệ thuật Hoàng Quốc Tuấn mới làm một triển lãm tranh đầu tiên cho riêng mình: phòng tranh “Cảm xúc” được tổ chức tại Nhà triển lãm TP. Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, từ 28-9 đến 4-10-2014).
Năm mươi bảy bức tranh sơn dầu được triển lãm dịp này cũng là số tuổi đời của Hoàng Quốc Tuấn, một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP) phong tước hiệu M.FIAP (nhà nhiếp ảnh nghệ thuật bậc thầy), hiện là ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Hoàng Quốc Tuấn đến với nhiếp ảnh nghệ thuật muộn hơn, đó là vào thập niên 1980 khi anh đang làm chủ một hiệu ảnh và đã có tên tuổi trong nghề chụp ảnh dịch vụ ở Sài Gòn. Năm 1995, được bè bạn rủ rê làm một chuyến rong chơi xứ Huế, nơi anh chưa từng đặt chân đến lúc ấy, Hoàng Quốc Tuấn đã có chuyến đi sáng tác ảnh đầu tiên trong đời. Cũng từ bước khởi đầu đó, anh đã gắn bó đời mình với nhiếp ảnh nghệ thuật. Có tay nghề chụp ảnh đã lâu, lại biết vẽ và từng là giáo viên dạy văn, anh mau chóng tìm được chỗ đứng trong làng ảnh nghệ thuật vốn dĩ rất đông người cầm máy, chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư. Thành công buổi đầu của Hoàng Quốc Tuấn với nhiếp ảnh nghệ thuật là tác phẩm Huyền thoại áo trắng, dù chỉ đoạt giải khuyến khích trong một cuộc thi ảnh của báo Tiền Phong năm 1996 nhưng bức ảnh là cái mốc quan trọng trong sự nghiệp cầm máy của anh. Những năm sau đó, Hoàng Quốc Tuấn đoạt được nhiều giải thưởng khác trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là hai Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại hai cuộc thi tổ chức tại Nhật (năm 1999) và tại châu Âu (năm 2008). Tính tới năm 2010, Hoàng Quốc Tuấn đã có tới trên 300 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Thành danh với nhiếp ảnh nghệ thuật, Hoàng Quốc Tuấn không rời bỏ đam mê đầu đời của mình. Năm 2003, anh đã tham gia triển lãm “Tranh của nhà nhiếp ảnh” cùng với Huỳnh Ngọc Dân, Nguyễn Hồng Nga, Duy Trung và Tôn Thất Bằng. Có thể nói, ở Hoàng Quốc Tuấn hội họa và nhiếp ảnh nghệ thuật song hành với nhau, “tay trái” hội họa bổ khuyết cho “tay phải” nhiếp ảnh và ngược lại. Những căn bản về kỹ thuật hội họa anh học được từ thời học sinh trung học đã hỗ trợ và nâng cao tay nghề nhiếp ảnh nghệ thuật của anh, và ngược lại – thực tế cuộc sống muôn màu mà anh đã trải nghiệm trong những chuyến đi sáng tác ảnh đã cho anh vô số đề tài để đưa lên khung vải.
Xem triển lãm “Cảm xúc”, dễ nhận thấy bóng dáng các nhân vật và phong cảnh nhiều vùng đất đã được Hoàng Quốc Tuấn đưa vào ống kính: những chân dung thiếu nữ duyên dáng, mơ màng và có chút gì mộng mị, liêu trai; những lão bà sống ở vùng sơn cước, gương mặt và đôi tay hằn dấu vết thời gian; những trẻ nhỏ rẻo cao Tây Bắc với chiếc gùi chất nặng củi trên vai; những phận người tảo tần và lênh đênh trong cuộc mưu sinh khó nhọc…; những cánh đồng muối với bao người diêm dân vất vả sớm hôm; những làng nghề truyền thống làm mộc, làm gốm trải dài trên đất nước và biết bao là hoa trái trần gian. Hầu như mọi lĩnh vực của cuộc sống khắp xứ sở chúng ta có mặt trong tranh anh như đã từng có mặt trong tác phẩm nhiếp ảnh của anh. Song cũng dễ nhận thấy trong tranh của anh những điểm chưa mạnh về hình họa cũng như cách xử lý không gian và màu sắc quá gần gụi với ảnh nghệ thuật. Hoàng Quốc Tuấn vẫn cần tìm cho mình một ngôn ngữ hội họa đặc trưng, điều mà anh đã đạt tới trong thế giới ảnh nghệ thuật với thật nhiều cảm xúc.
Được biết, phòng tranh “Cảm xúc” được tổ chức với mục đích từ thiện, tiền bán tranh sẽ được tác giả giúp đỡ cho người có hoàn cảnh sống khó khăn.
- Như Hoa