Nhiều người đúc kết từ những kinh nghiệm thành bại của đời mình khẳng định một câu: “Sống là cố gắng”. Ngẫm lại mới thấy, chuỗi đời dài, không cần biết anh giàu nghèo thế nào, tôi và chúng ta đều có một mẫu số chung là ai cũng phải cố gắng, tùy theo hoàn cảnh – môi trường và mục đích, cách thực hiện của mỗi người.
Khởi đầu từ tập lẫy. Cho dù con vua cháu chúa hay con dân cày, ba tháng tuổi đã phải cố gắng ngóc đầu lên, nhắc mông qua rồi lật úp lại. Đó là cả một quá trình. Lật không được thì khóc, lật rồi, lật lại không được cũng khóc. Khóc xong rồi lật tiếp. Trườn, bò và cố gắng tập đứng lên, ngồi xuống. Khi chồm hỗm được rồi tức là sẽ bước đi nhanh thôi.
Suy ngẫm, với người bình thường cố gắng một thì với người khuyết tật cố gắng mười. Ngang bằng nhau về tiêu chí đặt ra để cố gắng mỗi ngày. Rồi lớn lên, cố gắng học hành, thi cử. Học được hay không cũng phải cố gắng kiếm cái nghề/việc làm nuôi thân. Bước vào đời là chuỗi cố gắng khác với sự tranh đua quyết liệt hơn. Cố gắng kiếm tiền, làm giàu hay thực hiện ước mơ chu du năm châu, bốn bể. Rồi lập gia đình, cố gắng nuôi dạy con cái tốt. Giữ gìn mái ấm vượt qua sóng gió.
- Xem thêm: Vượt qua hay bỏ cuộc?
Nhiều người đúc kết, việc gì cũng làm tốt, nhưng lại không giữ được một mái ấm gia đình cho dù đã cố gắng rất nhiều. Để thấy, khi còn độc lập, việc cố gắng chỉ một mình, một con đường. Nhưng khi thêm một, rồi hai, ba thì đó là sự cố gắng chung. Bản hợp ca phải đồng điệu. Mọi người trước hết phải thuộc lời bài hát là căn bản đầu tiên. Sau đó cùng nhau luyện tập sao cho lời ca, điệu nhạc hợp nhất. Mỗi người hát mỗi phách sao thành bài đồng ca?
Đứa con ngỏ ý bỏ đại học. Bà mẹ sau khi khuyên bảo không được buông một câu, đời người là chuỗi cố gắng đến khi nhắm mắt xuôi tay. Hãy gắng mà học cho xong rồi sau đó muốn làm gì thì làm. Nhưng đứa con đã quyết rồi, ngồi lại giảng đường chỉ phí thời gian vì ngành học không thích hợp.
Học trong tâm thế luôn gắng (cho vui lòng người khác) là điều rất chán. Nó sẽ cố gắng khi quyết đi con đường của riêng mình. Bà mẹ đành ngậm ngùi nhìn đứa con bà đã gửi vào đó bao kỳ vọng.
Chấp nhận hiện tại bà chuyển sang một sự cố gắng khác, động viên mình đừng buồn, hãy gắng vui lên và không nói ngược xuôi làm con nản chí trên con đường nó chọn. Bi quan không có ích gì lúc này.
Đến thăm người bệnh, nhẹ hay nặng, người thăm cũng động viên câu cố gắng. Bệnh nhẹ thì gắng uống thuốc cho mau khỏi. Bệnh nặng gắng vượt qua sao cho tâm được an, chấp nhận số phận an bài… Bản thân người bệnh cũng là chuỗi cố gắng liên tục rồi. Một chị kể chuyện, đêm trước ngày lên bàn mổ chị không nghĩ gì đến ngày mai, gia đình mà chỉ làm sao cho mình không suy nghĩ.
Nhiêu đó thôi đã là sự cố gắng rất nhiều rồi. Tương lai mù mịt nỗi sợ, biết ca mổ sẽ thành công hay thất bại? Tai biến trong phẫu thuật hoàn toàn có thể xảy ra, chẳng ai lường trước điều gì. Tự động viên đừng suy nghĩ gì hết là một sự cố gắng rất khó khăn. Giai đoạn sau phẫu thuật, tập đi, đứng, cố gắng chiến thắng cơn đau và mong muốn khỏi bệnh.
Ngẫm lại để thấy, không phải tự an ủi khi mình không được như người mà là cố gắng điều chỉnh suy nghĩ. Ai cũng cần cố gắng. Để rồi cuối cùng là gì? Phải chăng thành quả của sự cố gắng là ai cũng được trả công xứng đáng. Nó như một tài khoản trong ngân hàng dành cho những ai biết chắt chiu giữ gìn cho mình và để lại trái ngọt cho đời sau. Ngay từ mẫu giáo đã hát bài: “Bé hứa cố gắng chăm ngoan. Ngày nào cũng luôn cố gắng” kia mà.