Với những gì đang diễn ra, việc VN-Index bắt kịp và vượt đỉnh cũ 1.170,67 điểm đạt được cách nay gần 11 năm (ngày 12-3-2007) có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Thậm chí, có thể ngay trong tuần giao dịch tới (từ 29-1 đến 2-2) , VN-Index sẽ làm được điều này, nếu đà tăng 10-20 điểm/phiên của những ngày qua tiếp tục được duy trì.
Thực vậy, sau khi kết thúc ngày giao dịch 26-1, VN-Index chỉ còn cách đỉnh cũ hơn 55 điểm, một khoảng cách hoàn toàn có thể vượt qua sau khoảng 3-5 phiên giao dịch “đều đặn tăng” nữa. Dù vậy, đỉnh cao gió lớn, càng trên vùng đỉnh VN-Index càng rung lắc mạnh. Thanh khoản cao kỷ lục một mặt có thể giúp chỉ số tăng lên rất nhanh, mặt khác cũng có thể kéo VN-Index lùi vài chục điểm trong ít phút. Chính vì điều này, nhiều công ty chứng khoán đã cảnh báo nhà đầu tư rằng độ rủi ro của thị trường trong ngắn hạn đang khá lớn. Chỉ cần một đợt bán ra liên tục chốt lời trên diện rộng, VN-Index có thể nhanh chóng “chuyển màu” (từ xanh thành đỏ) và lao dốc.
Trở lại với ngày giao dịch 26-1, dòng tiền không còn dồn dập như ngày 25-1, mà đã trở về mức bình thường những ngày trước đó. Số cổ phiếu được giao dịch là 292.969.503 với trị giá “chỉ” 9.302,487 tỉ đồng. Dù số cổ phiếu tăng/giảm trên HOSE là khá cân bằng (153/150) nhưng do có nhiều mã lớn tăng mạnh hơn, nên VN-Index tăng thêm 11,07 điểm (+1%), lên 1.115,64 điểm.
Sự nhỉnh hơn trong số mã tăng giá của nhóm VN-30 (18 mã tăng và 12 mã giảm) cộng với dòng ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường chính là động lực duy trì sự tăng điểm cho VN-Index. Cụ thể, BID có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, MBB tăng 1.800 đồng/cổ phiếu (6,06%), NT2 tăng 1.700 đồng/cổ phiếu (5,18%), DPM tăng 1.100 đồng/cổ phiếu (4,49%), BVH tăng 3.500 đồng/cổ phiếu (4,37%), HPG tăng 2.400 đồng/cổ phiếu (3,9%),…