Khi tập luyện, cách hít – thở có vẻ phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Cho dù là tập chạy, nâng tạ hay tập yoga, thì những kỹ thuật hít thở cần đạt mức tối ưu để tăng hiệu quả của tập luyện. Việc hít thở nhẹ nhàng, đúng cách luôn quan trọng để cung cấp khí oxy cho cơ thể, nhằm bảo đảm thực hiện đúng các chức năng trong cơ thể. Hơn nữa, hít thở đúng cách có thể giúp chúng ta tập luyện lâu, ít gắng sức hơn và nhất là làm dịu tinh thần.
Hít thở trong lúc chạy
Chuyên gia về hít thở, tác giả cuốn sách “Breathe Strong Perform Better”, Alison McConnell, chia sẻ: “Không có nguyên tắc vàng nào về hít thở khi chạy. Nhưng nhiều người tập chạy có xu hướng cảm thấy thoải mái nhất khi hít thở mỗi hai nhịp chạy, tức là chạy hai bước trong khi hít vào và hai bước trong khi thở ra, hay còn gọi là theo nhịp 2:2. Bởi vì cơ hoành và các cơ quan xung quanh đều là những phần chịu sức ép của trọng lực. Trong khi đó, hơi thở đồng bộ với nhịp chạy giúp cho các cơ quan không gây áp lực lên cơ hoành, gây khó thở và tạo cảm giác không thoải mái”.
Khi tập luyện, bạn nên hít thở bằng mũi hay bằng miệng? Theo tiến sĩ chuyên khoa Thần kinh học, Roy Sugarman: “Hít thở bằng mũi tăng cường sự bão hòa khí CO2 trong máu, tạo ra hiệu ứng bình tĩnh, giữ ấm không khí trong phổi khi thời tiết lạnh và giảm tiếp xúc các chất gây dị ứng”.
Khi tập luyện cường độ cao
Khi lường trước một vật nặng hay một tác động, cách tốt nhất là hít một hơi thở sâu, sau đó siết chặt phần cốt lõi cơ thể. Bởi vì cách này không chỉ khiến bạn khó bị ngã quỵ mà còn giúp bảo vệ cột xương sống. Theo chia sẻ của chuyên gia Anna Hartman: “Hơi thở nên xuất phát từ cơ hoành, thay vì từ ngực. Tức là, lồng ngực phải giãn ra, từ trên xuống dưới, từ sau ra trước và sang hai bên”.
Vì sao thở hổn hển làm giảm hiệu quả tập luyện? “Hít thở sâu, bình tĩnh và hiệu quả đem lại lợi thế về tâm lý cho các vận động viên trước đối phương. Ngoài ra, không thể hiện những dấu hiệu mệt mỏi còn làm nhụt chí của đối phương”, McConnell giải thích.
Khi tập nâng tạ
Tập aerobic không phải là cách tập luyện duy nhất có thể đạt hiệu quả cao từ việc hít thở đúng cách. Bất cứ ai thường xuyên tập nâng vật nặng đã biết thở ra gắng sức (hay giai đoạn nỗ lực) là cách tập luôn được khuyến khích. Bởi vì co rút các cơ hô hấp trong khi nâng vật nặng không chỉ giúp chống đỡ trọng lượng mà còn giữ cân bằng cho thắt lưng.
Chẳng hạn, khi sử dụng ghế tập tạ, hãy từ từ thở ra và liên tục trong lúc ép tạ lên thanh xà, sau đó hít vào khi nâng tạ lên vị trí cao nhất hay lúc quay trở lại lúc ban đầu. Một khi tạ đòn bị ép, trọng lượng sẽ không triệt tiêu, vì thế cần bảo đảm giữ vững phần giữa cơ thể để bảo vệ cột xương sống, giống như chuẩn bị đối phó với tác động trong lúc tập luyện các môn thể thao tương tác. Hãy nhớ hít thở, vì giữ hơi thở làm tăng áp lực bên trong ngực rất tốt cho cân bằng, nhưng tránh giữ hơi thở quá lâu có thể cản trở máu chảy đến tim, làm tăng huyết áp.
Khi tập yoga
Theo chuyên gia yoga Rebecca Pacheco: “Với tư thế yoga Sama Vritti hay “hít thở bằng nhau”, thì độ dài của một hơi hít vào và một hơi thở ra dài bằng nhau, giúp làm dịu hệ thần kinh, giảm áp lực máu và stress. Để cung cấp năng lượng cho các bài tập yoga khó hơn, như Ashtanga, Vinyasa và yoga sức mạnh, người tập thường dựa vào kỹ thuật hít thở Ujjayi. Chủ yếu là hít vào và thở ra bằng mũi, hơi co rút phía sau của cuống họng. Tuy nhiên, cần chú ý dấu hiệu quá sức. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi để tái tập trung, hít thở và sau đó, trở lại tư thế ban đầu khi đã sẵn sàng”.
- Theo Greatist