Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thời đại mới, nhiều trường đại học ngoài công lập đã tuyển thêm một số ngành học mới trong năm 2018. Đáng chú ý là việc tuyển thêm ba ngành Tâm lý học và Điều dưỡng tại Trường Đại học Văn Lang; ngành Khai thác dữ liệu (Big Data) và Thiết kế tại Trường Đại học Duy Tân; ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô tại Trường Đại học Lạc Hồng.
Ngành công nghệ kỹ thuật ôtô
Theo Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô ngày càng nhiều. Theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, Việt Nam đánh giá công nghiệp ôtô là ngành quan trọng, cần ưu tiên phát triển để góp phần công nghiệp hóa đất nước. Mặt khác, việc đầu tư của các hãng ôtô nước ngoài vào nước ta ngày càng nhiều, do đó nhu cầu lao động của ngành này trong những năm gần đây đều được đưa vào danh mục các ngành “nóng” và cũng nhanh chóng trở thành xu thế lựa chọn cho các bạn trẻ.
Ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ôtô như điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng. Học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ôtô – máy động lực, hệ thống truyền động – truyền lực, cơ cấu khí, hệ thống điều khiển… để có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng liên quan đến ôtô. Sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí như: kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ôtô, máy động lực tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ôtô; kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ôtô; nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, máy động lực, phụ tùng ôtô…
Sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô tại các trường như Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM… sẽ được chú trọng cung cấp các kỹ năng chuyên môn như khai thác, sử dụng và dịch vụ kỹ thuật ôtô cũng như hoạt động điều khiển và lắp ráp, góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện và phương thức kinh doanh ôtô trên thị trường. Đặc biệt sinh viên còn được chú trọng đào tạo kỹ năng tiếng Anh để có thể dễ dàng tiếp xúc với những tài liệu tham khảo của nước ngoài, từ đó tăng thêm cơ hội và năng lực của bản thân để đảm đương công việc của người kỹ sư công nghệ ôtô, nhà quản lý, nhà kinh doanh, những chuyên gia giỏi về dịch vụ ôtô, cơ khí, chế tạo ôtô với mức thu nhập hấp dẫn, nhiều cơ hội thăng tiến và khẳng định bản thân trong nền kinh tế hiện đại.
Ngành Công nghệ thông tin
Theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, trường đang xin phép xét tuyển thêm ngành Khai thác dữ liệu (Big Data) với mong muốn những ngành mới sẽ đáp ứng được sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
Khai thác dữ liệu nói riêng hay Công nghệ thông tin nói chung tuy không phải là ngành học mới tại Việt Nam nhưng sẽ là một ngành “hot” trong tương lai, nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ lên ngôi. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường HUTECH, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ toàn cầu đòi hỏi nguồn nhân lực về công nghệ thông tin chất lượng cao. Mặt khác, chúng ta có thể thấy từ sản xuất, thương mại, giáo dục, y tế đến truyền thông, quảng cáo… hầu như mọi lĩnh vực đều cần đến công nghệ thông tin với khả năng ứng dụng ngày càng tăng.
Phần lớn các trường có ngành CNTT tại TP. Hồ Chí Minh đều có sự đầu tư hệ thống trung tâm máy tính hiện đại với những phần mềm tiên tiến, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực hành mà còn tạo không gian tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Để nắm bắt kịp thời những xu hướng phát triển liên tục đổi mới, các trường còn đào tạo những ngành mới liên quan đến lĩnh vực này như Hệ thống thông tin quản lý (tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành doanh nghiệp) hay An toàn thông tin (tập trung vào quản trị, bảo mật thông tin). Một số trường như HUTECH, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM còn có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, thường xuyên đưa sinh viên đi tham quan, học tập, kiến tập tại các doanh nghiệp đối tác để các bạn làm quen với môi trường làm việc, giao lưu học hỏi từ các chuyên gia.
Các ngành khối sức khỏe
Theo Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, trường quyết định tuyển thêm ngành Điều dưỡng dựa trên nhu cầu ngày càng cao của người dân. Riêng ngành Tâm lý học là ngành rất cần thiết trong xã hội có nhiều vấn đề phức tạp ngày nay.
Chúng ta nhận thấy rằng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, nhu cầu về những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ đạt chất lượng cao ngày càng được quan tâm. Vì vậy, nhu cầu nhân lực đối với ngành nghề này cũng đặc biệt tăng lên và đòi hỏi nhiều nguồn cung đảm bảo chất lượng. Theo điều tra của các ngành chức năng, hiện nay ở Việt Nam, điều dưỡng viên trong các cơ sở y tế chiếm khoảng 45% tổng số nhân lực của ngành y. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của điều dưỡng viên là một trong các ngành quan trọng của ngành y.
Điều dưỡng là một nghề nghiệp độc lập trong hệ thống y tế thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Các điều dưỡng viên phụ trách chăm sóc sức khỏe, kiểm tra tình trạng bệnh nhân và các công việc khác để phục vụ cho quá trình từ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến phục hồi, trị liệu cho bệnh nhân. Sinh viên tốt nghiệp ngành Điều dưỡng cũng có thể làm việc ở các vị trí như giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị y tế hoặc tự mở các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn sức khỏe.
Trong khi đó, nhu cầu tư vấn tâm lý của xã hội hiện nay rất lớn nhưng người được đào tạo bài bản còn quá ít. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố thì nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học trong thời gian tới rất lớn, riêng TP. Hồ Chí Minh cần đến hàng ngàn người làm tâm lý mỗi năm, đặc biệt là những công việc kết hợp giữa ngành Tâm lý học với khoa học xã hội, pháp luật, giáo dục như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý…
Nói về vấn đề đào tạo, Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng sinh viên ngành Tâm lý hiện nay đã có nhiều điều kiện cọ xát với thực tế cuộc sống, nhưng ngành này vẫn còn thiếu những công trình khoa học hoặc thực nghiệm tâm lý mang tính ứng dụng cho thực tế cuộc sống. “Với sự phát triển còn khá non trẻ, thì việc học tập và trau dồi thêm tri thức từ những quốc gia có bề dày kinh nghiệm là rất quan trọng. Việc này đòi hỏi chương trình đào tạo cần được nâng tầm và chính người học cần chủ động tiếp cận với những nguồn tài liệu khoa học của các nước phát triển, nhất là phải giỏi tiếng Anh”, ông nói. Còn Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thì cho rằng người học ngành này cần có tâm hồn phóng khoáng, không toan tính và có tấm lòng vị tha. Khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hoạt bát và trí tuệ cảm xúc là những yếu tố cần thiết để có được thành công trong ngành tâm lý.