Nhà đầu tư đã không bị hoảng loạn sau khi bị “cú đánh úp” ATC phiên hôm qua khi lực cầu sáng nay vẫn khá tốt và cả hai sàn lấy lại sắc xanh. Đáng chú ý trong phiên sáng nay là sự khởi sắc của cặp đôi HAG – HNG.
Phiên giao dịch hôm qua ghi nhận đợt khớp ATC lịch sử, khi chỉ trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa này đã cuốn phăng hơn 27 điểm của VN-Index, với hàng loạt mã bluechip nằm sàn, và các mã vốn hóa lớn nhất thị trường cũng “gãy cánh”, trừ VNM.
Theo FPTS, mức sụt giảm mạnh và bất ngờ vào cuối phiên đã làm xấu đi diễn biến xu hướng của chỉ số trên khung đồ thị EOD.
Đường giá của VN-Index theo đó đã rơi xuống phía dưới của đường SMA 05 phiên kèm theo dấu hiệu của mẫu hình nến Bearish engulfing báo hiệu rủi ro giảm giá đã quay trở lại.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay (6-3), diễn biến thị trường cho thấy, nhà đầu tư không bị hoảng loạn sau “cú đánh úp” chiều qua. Ngay từ khi mở cửa VN-Index đã nhận được lực cầu khá lớn, kéo chỉ số này vọt lên gần ngưỡng 1.100 điểm, tương đương 18 điểm. Hàng loạt mã hút dòng tiền gần đây như STB, CTG, SSI, MBB, DIG, thậm chí cả HPG cũng đã xanh trở lại. Không những vậy, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cũng bật tăng như GAS, VIC, PLX,…
Nhưng diễn biến này chỉ kéo dài được hơn 15 phút giao dịch, trước khi chỉ số đổ đèo, lao thẳng xuống dưới tham chiếu, xuống sát 1.091 điểm với các trụ đỡ rung lắc và quay đầu giảm nhẹ như PLX, VNM, VCB, SAB…
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không phải chờ đợi lâu, dòng tiền nhập cuộc mạnh trở lại, các mã thanh khoản khớp lệnh dẫn đầu HOSE đều tăng trở lại, độ rộng thị trường dần cân bằng trở lại giữa số mã tăng và giảm, qua đó, kéo VN-Index hồi dần trở lại.
Đáng chú ý trong giờ đầu tiên giao dịch là cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức (HAG và HNG), khi tăng kịch trần từ khá sớm. Trong đó, HAG đang khớp lệnh cao nhất sàn với gần 9 triệu đơn vị, trong khi HNG còn dư mua trần tới hơn 2,3 triệu đơn vị.
Sau 2 nhịp giằng co trong hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index đã ổn định trở lại quanh vùng 1.103 – 1.106 điểm, với sự cân bằng chung trên thị trường về độ rộng thị trường.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 126 mã tăng và 131 mã giảm, VN-Index tăng 13,19 điểm (+1,21%), lên 1.106,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 146,4 triệu đơn vị, giá trị 4.223,44 tỉ đồng, tăng nhẹ về khối lượng, nhưng giảm 16,6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận gần 16 triệu đơn vị, giá trị 487,4 tỉ đồng, trong đó có hơn 9,9 triệu cổ phiếu EIB ở mức giá sàn, tương ứng 134,1 tỉ đồng.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và bluechip cũng có sự đồng thuận khá cao khi cùng nhau tăng điểm mạnh, trong khi các mã màu đỏ thì biên độ giảm cũng không quá lớn, hoặc đà giảm đã bị hãm lại.
Cụ thể, nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chỉ còn VNM giảm 0,7% xuống 201.000 đồng/cổ phiếu và SAB giảm 2,4% xuống 220.600 đồng/cổ phiếu, còn lại đều tăng và tăng khá tốt như VRE tăng 5,3% lên 54.100 đồng/cổ phiếu, khiwps 2,32 triệu đơn vị; GAS tăng 4,3% lên 116.800 đồng/cổ phiếu; BID tăng 3,4% lên 36.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,48 triệu đơn vị; CTG tăng 3% lên 31.400 đồng/cổ phiếu, khớp gần 6 triệu đơn vị; VIC tăng 2,6% lên 96.400 đồng/cổ phiếu; PLX tăng 2% lên 84.800 đồng/cổ phiếu; VCB tăng 1,6% lên 69.100 đồng/cổ phiếu…
Nhóm VN30 có 17 mã tăng và 11 mã giảm, trong đó nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều tăng và chiếm phần lớn trên toàn sàn, qua đó là tác nhân tích cực rất lớn lên chỉ số.
Trong đó, STB khớp cao nhất nhóm với 7,6 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,3% lên 15.150 đồng/cổ phiếu; HPG giảm mạnh khi mở cửa và rung lắc quanh tham chiếu trong hầu hết phiên sáng, nhưng chốt phiên đã bật tăng 0,6% lên 62.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản khớp lệnh chỉ đứng sau CTG với 5,6 triệu đơn vị.
SSI cũng có thanh khoản xấp xỉ HPG, chốt phiên tăng 5,9% lên 37.450 đồng/cổ phiếu; FPT tăng 1,3% lên 62.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,58 triệu đơn vị; HSG tăng 3,2% lên 14.150 đồng/cổ phiếu, khớp 1,5 triệu đơn vị…Các mã tăng khác còn có CTD, REE, GMD, MSN, nhưng thanh khoản chỉ dưới 600.000 đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên HOSE hôm nay cũng quay trở lại, với tất cả các mã đều tăng nêu trên chỉ trừ HDB giảm nhẹ 0,5% xuống 42.800 đồng/cổ phiếu, và EIB đứng tham chiếu, thì còn có VPB tăng 3,6% lên 60.600 đồng/cổ phiếu, khớp 2,67 triệu đơn vị.
Các mã giảm ngoài VNM, SAB còn có MWG mất 2,1% xuống 117.000 đồng/cổ phiếu; ROS giảm 1,7% xuống 136.600 đồng/cổ phiếu; NVL giảm 1,6% xuống 79.700 đồng/cổ phiếu; BMP giảm 1,2% xuống 87.000 đồng/cổ phiếu; NT2 giảm 2,5% xuống 30.700 đồng/cổ phiếu…
Nhóm cổ phiếu thị trường với điểm nhấn vẫn là cặp đôi HAG và HNG khi duy trì sắc tím cho đến hết phiên, trong đó HAG khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 10,33 triệu đơn vị, tăng 7% lên 6.760 đồng/cổ phiếu; HNG tăng lên 6.970 đồng/cổ phiếu, khớp 2,62 triệu đơn vị.
Hai mã khác cũng có màu tím là VHG và VND, lần lượt có 3,2 triệu và 1,4 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng tương ứng lên 1.090 đồng và 26.350 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu đáng chú ý khác như DXG, HBC, SCR, DIG cũng đều tăng, thanh khoản từ 2,1 đến 4,6 triệu đươn vị, với HBC ấn tượng nhất khi tăng 5% lên 43.450 đồng/cổ phiếu, khớp 3,3 triệu đơn vị.
Tương tự, trên HNX, sau khi bị đẩy ngược xuống dưới tham chiếu, HNX-Index cũng nhanh chóng lấy lại sắc xanh nhờ sự hồi phục của ACB. Tuy nhiên, đà tăng khiêm tốn hơn VN-Index do nhiều mã lớn khác còn gặp khó.
Cụ thể, chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 1,02 điểm (+0,81%), lên 126,53 điểm với 60 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng khớp đạt 30,78 triệu đơn vị, giá trị 571,54 tỉ đồng, giảm 7,8% về khối lượng và 3,7% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận sáng nay gần như không có.
Sau khi giảm mạnh trong phiên chiều qua, ACB có chút khó khăn khi mở cửa phiên sáng nay, nhưng sau đó đã nhanh chóng đảo chiều tăng mạnh, hỗ trợ cho HNX-Index.
Chốt phiên, ACB tăng 3,18%, lên 45.400 đồng với 3 triệu đơn vị được khớp. PVS cũng có sắc xanh khi tăng 0,81%, lên 24.800 đồng với 3,35 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, mã có thanh khoản tốt nhất là SHB vẫn ở mức tham chiếu 12.600 đồng với 8,5 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, VCG tiếp tục giảm 1,98%, xuống 24.700 đồng với 2,94 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, sắc đỏ còn xuất hiện tại PVI (-3,44%), NTP (-1,6%)…
Tương tự, UPCoM-Index cũng có được sắc xanh trong phiên sáng nay dù gặp nhiều khó khăn. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,23%), lên 60,58 điểm với 65 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng khớp đạt 15,97 triệu đơn vị, giá trị 349 tỉ đồng.
Giống như BSR, POW cũng gây ấn tượng mạnh trong phiên chào sàn sáng nay khi đóng cửa tăng mạnh 17,45%, lên 17.500 đồng với 8,83 triệu đơn vị được chuyển nhượng, lớn nhất sàn. Tuy nhiên, khác với BSR ngay khi lên sàn đã bị khối ngoại chốt lời ồ ạt, POW lại được khối ngoại mua vào mạnh trong phiên sáng nay với tổng khối lượng mua ròng hơn 1,55 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, BSR tiếp tục có phiên điều chỉnh khi giảm 2,87%, xuống 30.500 đồng với 1,77 triệu đơn vị được khớp, đứng sau POW. Tiếp đến là LPB với 1,04 triệu đơn vị được khớp và cũng đóng cửa giảm 0,68%, xuống 14.700 đồng.
- Theo ĐTCK