Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Kono phát biểu trong cuộc họp của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế ở Abu Dhabi rằng Nhật Bản mong muốn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 22 – 24% hỗn hợp năng lượng vào năm 2030, trong khi mức trung bình trên thế giới hiện nay là 24%. Như vậy, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Nhật đang tụt hậu so với thế giới, vì quốc gia này “ưu tiên giữ nguyên hiện trạng vì sợ thay đổi”.
Vào tháng 11-2017, Nhật Bản đã tổ chức cuộc đấu giá năng lượng mặt trời lần đầu tiên với mục đích giảm chi phí để sản xuất điện từ mặt trời. Tuy nhiên, theo Bloomberg New Energy Finance, kết quả cho thấy nhu cầu của người dùng còn chưa cao và “lúng túng” trong thói quen chuyển đổi sử dụng.
Sau trận động đất, sóng thần Sendai và thảm họa hạt nhân ở Fukushima, chương trình hỗ trợ feed-in-tariff (FiT: biểu giá điện hỗ trợ) của chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã giảm kể từ năm 2012. Cụ thể, khi người dân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, họ có thể bán lại lượng điện mặt trời dùng không hết cho lưới điện theo giá FiT (cao hơn) và mua điện với mức giá điện lưới (thấp hơn) để sử dụng. Như vậy, FiT giúp các hộ gia đình tiết kiệm đáng kể tiền điện và góp phần giảm tải lưới điện quốc gia, bảo vệ môi trường. Điều này khiến công chúng Nhật phải chi 24 tỉ USD vào năm ngoái và dự kiến chi phí tiếp tục tăng lên.
Trước bất cập hiện tại, ông Kono nhấn mạnh: “Chúng ta cần những đầu tư táo bạo và cải cách thể chế trong việc tăng cường mạng lưới truyền tải và trao đổi điện năng giữa các công ty trong khu vực. Điều này giúp triển khai rộng rãi hơn các nguồn năng lượng tái tạo”.
Tuy chậm hơn so với thế giới nhưng Nhật Bản có một số tiến bộ đáng ghi nhận trong năm qua như: Nhật đang dẫn đầu nghiên cứu và phát triển một loại pin mặt trời quang điện “có thể in” ra, điều này sẽ giúp cắt giảm chi phí trong thị trường điện trong tương lai. Một trường đại học Nhật Bản cũng đã phát triển công nghệ pin trạng thái rắn cho ngành công nghiệp ôtô… Tương lai gần nhất, tại Olympic Tokyo năm 2020, Nhật Bản dự định đưa vào sử dụng những phương tiện vận chuyển bằng pin nhiên liệu hydro được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.