Đầu tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho nhóm nước đang phát triển tại khu vực Đông Á cho năm nay và năm tới, trong khi tăng trưởng tại Trung Quốc đang có dấu hiệu xấu đi và các quốc gia khác trong khu vực đang đối diện với điều kiện tài chính quốc tế khó khăn. Nhóm nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á – Thái Bình Dương có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, chậm hơn mức 7,1% do WB đưa ra hồi tháng 4-2014. Riêng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt mức gia tăng GDP 7,4% trong năm nay và 7,2% trong năm 2015, so với con số 7,6% và 7,5% được đưa ra trước đây, với nguyên nhân chính là Bắc Kinh có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong thời gian tới khi đối mặt với cuộc đổ dốc của thị trường tài chính và bất động sản. Trong năm 2013, Trung Quốc tăng trưởng 7,7%. Tuy nhiên, theo Suhdir Shetty, trưởng nhóm kinh tế gia châu Á tại WB, tình trạng xuống sắc tại Trung Quốc sẽ xảy ra với tốc độ rất chậm và không đủ sức ảnh hưởng lớn đến các quốc gia khác trong khu vực. Khác với những dự báo trước đây, sự liên kết giữa gã khổng lồ Đông Á này và phần còn lại của toàn bộ châu Á sẽ không mạnh vì suốt những năm gần đây, nhu cầu xuất nhập khẩu giữa các nước với Trung Quốc không còn chặt chẽ và lệ thuộc nhiều như xưa. Trái lại, sự kết nối chủ yếu hiện nay chính là việc đầu tư của giới doanh nhân Trung Hoa khi họ đưa vốn của mình ra khỏi đại lục để tìm đến những thị trường hấp dẫn khác tại các nước láng giềng trong khu vực, từ Việt Nam đến Indonesia và cả Myanmar.
Với những quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, GDP dự báo trong năm 2014 sẽ đạt mức 4,8% và trong năm 2015 sẽ là 5,3%. Đặc biệt, tăng trưởng tại nhóm năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống còn 4,5% trong năm nay trước khi tăng tốc nhẹ trở lại 5% vào năm sau do nhu cầu xuất khẩu tăng. Riêng Việt Nam sẽ đạt mức tăng GDP 5,4% trong năm nay và 5,5% vào năm tới. Nhưng để dấu hiệu lạc quan ấy diễn ra và duy trì tăng trưởng tích cực, ông Shetty kêu gọi các nước này phải tiếp tục tiến hành cải tổ chính sách quốc gia, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất của nhóm nước này là chính sách thắt chặt tiền tệ có thể được các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu hay Nhật đưa ra bất cứ lúc nào và điều ấy sẽ dẫn đến việc lãi suất đồng USD, euro và yen Nhật tăng cao, hạn chế dòng tiền đầu tư ra nước ngoài. Khi ấy, không chỉ xuất khẩu kém, thị trường bất động sản tại các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể bị tổn hại nặng nề.
Lâm Kiên theo AFP