Hôm 6-10, Ủy ban Nobel bắt đầu mùa giải 2014 bằng việc công bố giải thưởng về Y học.
Lần lượt là các giải Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và kết thúc vào ngày 13-10 với Nobel Kinh tế.
Nobel Y học: Giải mã hệ thống định vị của não bộ
Giải Nobel trong lĩnh vực Y học năm nay được trao cho ba nhà khoa học John O’Keefe, May-Britt Moser và Edvard Moser vì có công khám phá ra các tế bào hợp thành hệ thống định vị (GPS) bên trong bộ não. Hệ thống GPS sinh học này giúp chúng ta tự định hướng được trong không gian và là cơ sở tế bào cho chức năng nhận thức cao hơn.
Năm 1971, John O’Keefe (người Anh gốc Mỹ, hiện làm việc tại University College London, Anh), đã phát hiện ra thành phần đầu tiên của hệ thống định vị này: một loại tế bào thần kinh, gọi là “tế bào địa điểm” ở vùng đồi hải mã trong bộ não.
Năm 2005, hai nhà nghiên cứu May-Britt và Edvard Moser thuộc Đại học Khoa học – Công nghệ Na Uy đã khám phá ra thành phần then chốt còn lại của hệ thống GPS trong bộ não cũng như cách những tế bào này với các tế bào địa điểm giúp chúng ta xác định vị trí và tìm hướng.
Theo thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel, khám phá của John O’Keefe, May-Britt Moser và Edvard Moser đã giúp giải đáp một vấn đề từng làm đau đầu các nhà triết học và khoa học suốt nhiều thế kỷ, cụ thể là bộ não đã tạo ra một bản đồ không gian bao quanh chúng ta như thế nào và chúng ta có thể điều hướng trong một môi trường phức tạp ra sao. Việc trở thành đồng chủ nhân của giải Nobel Y học 2014 cũng đồng nghĩa May-Britt và Edvard Moser là cặp vợ chồng thứ năm từng đoạt giải Nobel từ trước tới nay.
Nobel Vật lý: Sáng chế đèn LED cho ánh sáng màu xanh dương
Giải Nobel Vật lý 2014 thuộc về ba nhà khoa học gốc Nhật Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura với sáng chế đèn tiết kiệm LED.
Ông Isamu Akasaki, 85 tuổi, là giáo sư của hai đại học Meijo và Nagoya, Nhật Bản. Từ thập niên 1960, ông đã nghiên cứu cách chế tạo các tia laser và đèn LED xanh dương hiệu suất cao. Nhờ những nỗ lực của mình, ông đã được nhận giải thưởng Kyoto Công nghệ tiên tiến 2009 và huy chương IEEE Edison 2011.
Ông Hiroshi Amano, 54 tuổi, cũng là giáo sư tại Đại học Nagoya. Ông Shuji Nakamura, 60 tuổi, người Mỹ gốc Nhật, là giáo sư tại Đại học California, Mỹ. Là chủ nhân của giải thưởng Công nghệ thiên niên kỷ 2006 và giải thưởng Harvey 2009, ông cũng nghiên cứu về đèn LED xanh lá cây và tạo ra đèn LED màu trắng cũng như các diode laser xanh dương dùng cho các đĩa Blu-ray và HD DVD.
Sau khi ba nhà khoa học trên tạo ra các chùm ánh sáng xanh dương từ thiết bị bán dẫn hồi đầu thập niên 1990, đã có sự chuyển đổi căn bản trong công nghệ chiếu sáng. Các diode màu đỏ và màu xanh lá cây đã ra đời, nhưng vì không có ánh sáng màu xanh dương nên người ta không thể tạo ra đèn chiếu sáng trắng. Suốt ba thập niên qua, ông Akasaki đã hợp tác cùng ông Amano tại Đại học Nagoya (Nhật), trong khi ông Nakamura tự nghiên cứu tại Công ty Nichia, một doanh nghiệp nhỏ về hóa chất ở Tokushima. Sáng chế đèn LED của họ mang tính cách mạng, mở đường cho sự ra đời của các đèn tiết kiệm mới trong những năm gần đây và trong tương lai.
Nobel Hóa học: Vén màn bí mật tế bào
Giải thưởng Nobel Hóa học năm nay được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ Eric Betzig (làm việc tại Viện Y dược Howard Hughes), William E. Moerner (Đại học Stanford, Mỹ) và khoa học gia người Đức Stefan W. Hell (Viện Max Planck) với công trình chế tạo kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải.
Ông Eric Betzig sinh năm 1960, năm 1988 nhận bằng tiến sĩ của Đại học Cornell (Mỹ). Ông William E. Moerner sinh năm 1953, cũng nhận bằng tiến sĩ của Đại học Cornell, còn ông Stefan W. Hell là công dân Đức, sinh năm 1962 tại Romania và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Heidelberg (Đức) năm 1990. Ủy ban Nobel nhận định: “Nhờ vào thành tựu của họ, các nhà khoa học đã hình dung ra đường đi của các phân tử đơn lẻ bên trong các tế bào sống, có thể thấy cách các phân tử tạo ra các khớp thần kinh giữa các tế bào thần kinh trong bộ não, có thể lần ra các protein liên quan đến chứng bệnh Parkinson, Alzheimer và Huntington khi chúng kết hợp lại, có thể theo dõi các protein đơn lẻ trong trứng đã được thụ tinh khi chúng phân thành các phôi”.
Nobel Văn học thuộc về nhà văn Pháp Patrick Modiano
Patrick Modiano (sinh năm 1945) đã trở thành nhà văn thứ 11 của Pháp giành được giải thưởng Nobel. Ông cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên La Place de l’Étoile (Quảng trường ngôi sao) vào năm 1968. Mười năm sau, ông nhận giải thưởng Goncourt với Rue des Boutiques Obscures (cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt với tiêu đềPhố của những cửa hiệu u tối). Mới đây, ông đã trình làng tiểu thuyết mới Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier (tạm dịch: Để em không lạc giữa phố).
Hai tác phẩm khác của ông cũng đã được dịch sang tiếng Việt là Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối và Những đại lộ ngoại vi.
Nobel Hòa bình 2014 tôn vinh nữ sinh 17 tuổi
Giải Nobel Hòa bình 2014 đã được trao cho ông Kailash Satyarthi – nhà hoạt động vì quyền lợi trẻ em người Ấn Độ và Malala Yousafzay – cô gái 17 tuổi người Pakistan nỗ lực đấu tranh vì nữ quyền.
Ủy ban Nobel 2014 ghi nhận những nỗ lực của họ vì đã đấu tranh chống lại nạn đàn áp thanh thiếu niên và đấu tranh cho quyền được thụ hưởng giáo dục của trẻ em.
Ông Satyarthi sinh 1954, đã hoạt động tích cực cho phong trào chống sử dụng lao động trẻ em của Ấn Độ từ thập niên 1990. Đến nay, tổ chức Bachpan Bachao Andolan của ông đã giải thoát hơn 80 ngàn trẻ em khỏi cảnh lao động cực khổ và giúp chúng tái hòa nhập với xã hội và được đi học.
Yousafzai sinh năm 1997, dù là nữ sinh nhưng tích cực lên tiếng đòi quyền được đi học cho phụ nữở những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Hồi giáo Taliban. Cách đây hai năm, quân Taliban đã từng bắn vào đầu Yousafzay nhưng cô may mắn thoát chết. Yousafzai là người trẻ tuổi nhất được trao giải Nobel Hòa bình kể từ trước đến nay.
Nhà kinh tế học người Pháp đoạt giải Nobel Kinh tế 2014
Giải thưởng Sveriges Riksbank về khoa học kinh tế, giải thưởng xem như Nobel Kinh tế trong hệ thống trao giải Nobel được trao cho nhà kinh tế học người Pháp – Jean Tirole, giáo sư kinh tế của Trường Đại học Toulouse. Nghiên cứu đạt giải của ông đề cập về quyền lực và khả năng điều tiết của thị trường. Nghiên cứu của Tirole đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, phân tích để ngăn chặn các hành vi độc quyền của các công ty lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tirole là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Jean-Jacques Laffont Foundation tại Trường Kinh tế Toulouse, ông còn là Giám đốc khoa học của Viện Kinh tế công nghiệp (IDEI) tại Toulouse và thành viên sáng lập của Viện nghiên cứu cao cấp tại Toulouse (IAST).