Những năm qua, xu hướng ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính với sự phát triển nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp fintech đã đem lại cho người dùng một số tiện ích đáng kể. Tại Việt Nam, dù mới có 10 công ty fintech được cấp phép hoạt động nhưng xu hướng công nghệ này được nhận định là sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Từ những hoạt động đơn thuần ban đầu như cung cấp các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, đến nay, nhiều công ty fintech đã lấn sân sang cả mảng huy động/cho vay của ngân hàng truyền thống. Với thế mạnh thu hút được đông đảo người trẻ sử dụng, các công ty fintech sẽ là đối thủ hay là cơ hội cho ngân hàng? Tại hội thảo Ngân hàng và fintech: Cơ hội và thách thức dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 10-11 vừa qua, ông Howard Lau – đại diện Ngân hàng Bank of Asian cho rằng trong tương lai, các ngân hàng sẽ không thể hoạt động độc lập với fintech.
Ông Võ Tấn Long, Giám đốc khối dịch vụ Ngân hàng số VPBank chia sẻ: khi ngân hàng hợp tác với các công ty fintech, người dùng sẽ có thêm những dịch vụ hỗ trợ tối đa việc quản lý tài chính cá nhân. Như việc NAPAS (thương hiệu thẻ quốc gia do Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam) hợp tác phát triển với Alipay cũng mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng thương mại, giúp các ngân hàng tiếp cận được lượng khách hàng lớn đang sử dụng Alipay.
Còn theo ông Phùng Duy Khương – Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, dù ngân hàng có lớn đến đâu cũng không thể một lúc giải quyết hết được nhiều vấn đề mới. Do đó, ông Duy Khương cho rằng sự hợp tác giữa fintech và ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng triển khai được nhiều sản phẩm – dịch vụ, nhiều giá trị đến với khách hàng cùng một lúc.
Hiện nay, thị trường Việt Nam có đặc điểm là tỷ lệ phổ cập dịch vụ tài chính bình quân của người dân còn rất thấp so với các nước Đông Nam Á, cho nên phổ cập dịch vụ tài chính sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, người dùng Việt Nam đa số vẫn chỉ coi fintech như công cụ thanh toán và còn e dè về tính bảo mật. Từ khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đến nay đã có 16 doanh nghiệp được cấp phép và hàng chục doanh nghiệp khác đang chờ cấp phép. Dù vậy, chỉ một số ít các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận xét rằng các công ty fintech mặc dù có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo nhưng ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ chưa đầy đủ, mạng lưới tiếp cận khách hàng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực, nhiều kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin và thanh toán được đầu tư lớn. Do đó, sự kết hợp giữa hai chủ thể trên sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển kinh tế.
Tại hội thảo, Phó thống đốc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập ban chỉ đạo fintech để hoàn thiện hệ sinh thái, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên đây là lĩnh vực mới, đổi mới với tốc độ nhanh chóng nên hành lang pháp lý hiện hành tại Việt Nam cho các công ty fintech chưa đầy đủ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã xác định ưu tiên trong thời gian tới là xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty fintech trong lĩnh vực ngân hàng, bổ sung, sửa đổi quy định của ngành ngân hàng để phù hợp hơn với sự phát triển của fintech.
- Xuân Thu