Tính từ ngày 28-3 đến 30-8-2013, NHNN đã tung ra thị trường hơn 1,6 triệu lượng vàng SJC, tương đương 56 tấn, trong đó các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã mua tổng khối lượng hơn 1,5 triệu lượng.
Do giá vàng trong nước luôn ở mức cao hơn giá thế giới vài triệu đồng/lượng, nên NHNN đã thu về một khoản tiền lớn như vậy.
Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, trước bối cảnh ngân sách nhà nước có nguy cơ bị hụt thu gần 60.000 tỉ đồng so với dự toán trong năm nay, Bộ này đã hai lần làm việc với NHNN và thống nhất sớm điều tiết nguồn thu này vào ngân sách.
Để có được nguồn lợi khá lớn này, thời gian qua ngoài độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền sản xuất, nhập khẩu, NHNN còn nhận được khá nhiều cơ chế ưu ái khác từ chính sách.
Đáng kể trong số này là Chính phủ đồng ý việc miễn kiểm tra thủ tục hải quan đối với vàng nhập khẩu của NHNN trong thời gian nhất định; miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của NHNN (không phân biệt hàm lượng vàng của vàng nguyên liệu khi xuất khẩu, nhập khẩu).
Tuy vậy, đã có ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên dừng đấu thầu vàng vì đến thời điểm hiện nay là đã đủ và cần phải thay đổi cách điều hành, nếu không NHNN sẽ gánh chịu rủi ro, nhất là khi giá vàng thế giới tăng đột biến thì NHNN lãnh đủ và một ngân hàng trung ương không nên chịu rủi ro như vậy. Việc thay đổi chính sách là cần thiết vì đến nay NHNN đã làm tròn sứ mạng là trục xuất vàng ra khỏi ngân hàng và phục hồi dự trữ ngoại tệ.
Nếu NHNN cứ tiếp tục đấu thầu vàng thì liệu bao giờ sẽ dừng lại. Thị trường vàng như cái thùng không đáy, cứ cung bao nhiêu vàng là hút hết và cuối cùng hút luôn cả dự trữ quốc gia sẽ rất nguy hiểm.
Gia Minh tổng hợp