Đầu tuần qua, tổng thống Liên bang Nga V. Putin thông báo rằng những mảnh nhỏ cuối cùng của chương trình Liên minh Kinh tế hậu Xô viết đang được lắp ghép để hình thành về mặt nguyên tắc và có thể đi vào thực tế từ năm 2015, khi đó Nga sẽ bắt tay với một số quốc gia, gồm Belarus, Kazakhstan, Ukraina, Armenia và thậm chí là cả Thổ Nhĩ Kỳ vốn do dự trong mối quan hệ hợp tác cùng Liên minh châu Âu (EU).
Trong buổi hội kiến với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko hôm 24-12, ông Putin cam kết thúc đẩy Liên minh Kinh tế Âu – Á (EAEU) trở thành một nguồn lực mới để phát triển kinh tế tại các quốc gia thành viên vì nới lỏng được các chính sách hải quan và tăng cường mậu dịch tự do giữa các nền kinh tế hậu Xô viết, từ đó trở thành một đối trọng tương xứng với khối liên minh kinh tế 28 nước của EU. Theo Tổng thống Nga, Moscow đang tập trung thiết kế một hệ thống luật pháp quốc tế trong khu vực với mục đích rõ ràng cùng một cơ chế liên minh có khả năng sẽ bắt đầu khởi động từ ngày 1-1-2015. Đặc biệt, Nga tìm mọi biện pháp thuyết phục Ukraina tham gia liên minh và mới đây đã bỏ ra số tiền tương đương 15 tỉ USD để mua nợ của nước này, không để Ukraina tiến đến việc ký kết hiệp ước liên minh kinh tế và chính trị với EU.
Tuy nhiên, ngay sau khi Kiev quyết định từ bỏ việc ký thỏa thuận với EU, một làn sóng biểu tình mạnh mẽ nhất kể từ cuộc “cách mạng Cam năm 2004” đã bùng phát và tạo nên một sự rạn nứt to lớn giữa những người theo chủ nghĩa thân phương Tây ở Tây Ukraina và phía ủng hộ Nga ở Đông Ukraina. Tình trạng bạo động đã nguôi dần sau khi Moscow dành cho Kiev sẽ hỗ trợ khác là cắt giảm 1/3 giá nhập khẩu khí đốt. Ngoài ra, phía Ukraina cũng kỳ vọng Nga sẽ giúp họ trở thành một thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong thời gian tới. Trong tuần qua, ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan đã thỏa thuận về việc lập kế hoạch đưa Armenia vào liên minh kinh tế mới này vì mới đây (tháng 11-2013), quốc gia từng thuộc khối Xô viết này cũng đã từ chối ký hiệp ước kinh tế sơ khởi tại Brussels. Nhằm khích lệ Armenia, Nga đã cắt giảm giá xuất khẩu khí đốt cho họ từ 270 xuống còn 189 USD/m3. Phó chủ tịch Liên bang Nga Igor Shuvalov cho hay sẽ mất khoảng nửa năm để Armenia chính thức tham gia vào hiệp ước kinh tế do Moscow khởi xướng. Một quốc gia Trung Á là Kyrgyzstan cũng đang được vận động để sớm gia nhập EAEU. Khi Kyrgyzstan trở thành thành viên EAEU thì sức mạnh của liên minh kinh tế mới sẽ giúp giải quyết dễ dàng hơn những mâu thuẫn trong vấn đề đường biên giới giữa họ với Trung Quốc vốn đã căng thẳng nhiều năm qua.
Lâm Kiên theo AFP