Trong một bức thư gởi tôi cách đây mấy năm, ông Khai Trí, nay đã 78 tuổi – chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước kia – nói đại ý: Ông đã đọc nhiều lần cuốn Gió heo may đã về của tôi, ông rất thích, lần đọc sau thấy thích hơn lần trước, nhưng cuốn sách đó đã làm hại ông vì nó làm cho ông nhớ tới tuổi của mình, mà lâu nay ông đã quên, nhờ sống với một triết lý khác: không có cái gọi là tuổi già! Bởi vì hồi 20-30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30-40 thì đang trẻ, 40-50 hãy còn trẻ, 50-60 trẻ không ngờ, 60-70 trẻ lạ lùng và trên 70 thì trẻ vĩnh viễn!
Lần trước, trong một “Thư gởi người bận rộn”, tôi đã viết về bác sĩ – họa sĩ Dương Cẩm Chương, “người lữ hành không mệt mỏi của đường dài”, một người trẻ vĩnh viễn, nay 94 tuổi, vẫn còn đi và vẽ như thuở nào thì nay tôi muốn giới thiệu thêm giáo sư – bác sĩ Ngô Gia Hy, chuyên gia Niệu học, người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc chúng tôi, đã ở vào tuổi 93, mới đây vẫn còn đủ sức chủ trì Hội thảo bàn về một vấn đề thời đại: Rối loạn dương cương!
Cách đây vài tuần, ông “phone” gọi tôi đến nhà họp mặt cùng một số thân hữu – mà ông gọi là những “văn nghệ sĩ gia đình” – đến thăm ông khi ông đang bị ốm khá nặng, phải truyền nước biển. Cứ tưởng ông nằm “liệt giường liệt chiếu” nhưng không, ông vẫn ngồi đó say sưa nghe các bạn đàn hát, ngâm thơ. Nào “Em đến thăm anh một chiều mưa”, nào “Người ơi người ở đừng về…” và đặc biệt là bài “Một chút long lanh” do một nữ nghệ sĩ sáng tác, hình như là để dành tặng riêng ông thì phải! Mấy năm trước, có lần ông nhờ tôi chọn giúp một số bài thơ – chừng 50 bài – trong tập bản thảo của ông để in một tập kỷ niệm tuổi 90.
Tôi vừa định tìm lời thoái thác thì ông đã biết ý bảo không được từ chối, rồi ngay lập tức đã thấy người nhà mang tập bản thảo đến. Thật là bất ngờ! Tưởng ông thầy thuốc Niệu khoa chỉ biết mổ xẻ, giảng dạy, không ngờ làm thơ cũng rất dễ thương. Những bài thơ chân chất, thấm đượm tình người về gia đình, về bè bạn, về những cảnh sống của người dân quê… cảnh hạn hán, lụt lội… và những bài viết về y nghiệp:
Khó thay giữ được lời nguyền
Làm người thầy thuốc mẹ hiền quanh năm
Thương người như thể thương thân
Lấy câu nhân đức phương châm suốt đời.
Tôi đặc biệt chú ý những bài thơ tình của ông. Trong một bài thơ, ông viết:
Thân nhau chung chiếu chung giường
Rượu cần cùng hút cùng chung một vò
Rừng khuya gió thổi phất phơ
Không say men rượu ngẩn ngơ men tình
làm tôi nhớ đến chuyện “Cuôi ba dùm”, một chuyện đường rừng rất thú vị của nhà văn Vũ Hạnh, kể về tập quán của một bộ lạc dân tộc ít người nọ là khi có khách đến nhà, cô con gái rượu của chủ nhà sẽ cùng ăn, cùng ngủ với khách, cùng “chung chiếu chung giường” với khách, nhưng khách đừng vội tưởng bở, đừng tính chuyện tò te sẽ bị ăn đòn ngay! Không biết thầy tôi hồi còn trẻ, lên hành nghề trên vùng rừng núi Tây Bắc có bị… gì không!
Thế nhưng, “chuyện bây giờ mới kể” còn đáng kinh ngạc hơn. Ai ngờ cụ già 90 tuổi, một bậc trưởng lão trong ngành y, đạo mạo nghiêm cẩn vậy mà có lúc cũng mềm như miếng bánh đúc riêu cua:
Bánh mềm như nụ hôn môi
Canh ngọt như tiếng yêu tôi thì thầm
Cà chua má đỏ môi hồng
Mặn mà đến thế nỗi lòng biết không…
Dĩ nhiên là biết quá, cho nên trong tập thơ của nữ sĩ TD tình cờ tôi đọc được một bài thơ có lời đề “Tặng Giáo sư NGH” (mà tôi đã xin phép tác giả ghi lại):
Gặp nhau ở tuổi muộn màng
Mà sao lòng dạ xốn xang thế này
Già rồi tay vẫn trong tay
Rưng rưng xúc cảm dày dày tương tư…
Chị TD cười: “Anh biết không, giáo sư mặc veston trắng chỉnh tề, tóc thưa chải mượt, đứng bên cạnh xe hơi đợi tôi… Khi tôi đến, giáo sư liền đưa bó hoa giấu sau lưng ra trao tặng làm tôi rất xúc động, như sống lại cảnh… 60 năm về trước ở đất Hà thành ngàn năm văn vật, nên tôi đã viết tặng giáo sư mấy câu thơ đó”. Rồi chị lại cười: “Không có gì đâu nghen!”.
- Xem thêm: … Thì hãy cứ vui!
Tôi cũng biết là không có gì đâu rồi, vì thật ra thầy tôi là môt người rất mực thủy chung. Khi cô mất, mấy năm trước đây, thầy viết:
Em đi đâu có đi luôn
Vẫn còn tồn tại như thường trong tôi
Trong khóe mắt những con côi
Nụ cười cháu gái, dáng ngồi cháu trai
… những câu thơ mộc mạc, chân tình mà cảm động.
Trong buổi họp mặt tại nhà ông lần này, trông ông có vẻ yếu mệt, nhưng vẫn linh hoạt, lúc đang chuyện trò rôm rả, bỗng ông cao hứng nhắc lại mối tình đầu thuở lên 14 với cô hàng xóm cùng quê Kinh Bắc. Một mối tình câm.
Mỗi ngày ông cứ đứng ngẩn ngơ lén nhìn cô gái đi học qua nhà đến nỗi cô… phát hiện được, một hôm dừng chân lại… chọc quê ông bằng cách đọc mấy câu thơ của Arvers: Hélas! J’aurais passé près d’elle inapercu, toujours à ses côté mais pourtant solitaire (Hỡi ôi người đó ta đây / Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân – Khái Hưng dịch).
Mối tình câm đó, mãi đến năm 1989, nghĩa là 62 năm sau, ông mới thổ lộ được khi gặp lại bà ở Canada. Bà lại cười, già rồi, thôi đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa! Phan Khôi viết “Tình già” khi hai người mới xa nhau có 24 năm, vậy mà “…Tình cờ đất khách gặp nhau. Hai mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được…”, còn ở đây hai người “trẻ vĩnh viễn” này đã 62 năm mới gặp lại, nên nếu chẳng quen lung…!
Hẹn thư sau. Thân mến.