Đó là lời nhận định của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc còn sinh tiền, khi nói về bác sĩ Dương Cẩm Chương, một người thầy thuốc kiêm họa sĩ, vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 93 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ, họa sĩ Dương Cẩm Chương là con của nhà yêu nước Dương Bá Trạc, cháu gọi giáo sư Dương Quảng Hàm bằng chú ruột, người đã có ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời nghệ thuật của ông, như ông vẫn thường nói.
Lên tám, lên chín, khi đầu còn để chỏm, học chữ nho với ông nội, vốn có “hoa tay” nên được ông nội chọn cho viết chữ mẫu để các bạn nằm lê bò càng đồ theo. Vẽ giỏi, toán giỏi, nên khi đỗ Bậc II (Tú tài toàn phần) xong, ông đã tính học ngành kiến trúc, tiếc thay thời đó chưa có Đại học Kiến trúc nên ông… đành phải vào trường Thuốc, học Y. Bạn văn chương cùng thời trường Bưởi với ông là Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh… của nhóm Xuân Thu Nhã Tập, còn bạn ở trường Thuốc là Trần Văn Bảng, Trần Duy Hưng, Đào Huy Hách…
Mê hội họa nên ngay lúc đang học Y, ông đã học dự thính thêm ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; thích văn thơ nên ông cũng đã làm ký giả cho tờ Trung Bắc Tân Văn và đã từng phỏng vấn Charlot, Fujita khi họ đến Việt Nam. Mơ thành họa sĩ, mơ thành kiến trúc sư, nhà văn, nhà báo… thế rồi, ông trở thành một người thầy thuốc. Tốt nghiệp Y khoa năm 1938, ông là bác sĩ phẫu thuật làm việc ở bệnh viện Lalung Bonnaire Saigon, nay là Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 1960, ông tu nghiệp về Y tế công cộng tại Hoa Kỳ, rồi về phụ trách Nha Y tế Công cộng.
Về hưu năm 1968, ông sang sinh sống ở Pháp, vẫn tiếp tục theo học hai năm để lấy bằng Thạc sĩ Y tế công cộng (MPH) tại Hoa Kỳ, cùng lúc học thêm về hội họa ở một trường mỹ thuật danh tiếng. Đối với ông, nghệ thuật không thể là chuyện ngẫu hứng, tình cờ. Ông tâm sự: “Có tuổi rồi học mới hay! Lúc đó mới biết mình cần học cái gì. Và tại sao phải học!”.
Trong mấy chục năm trời hành nghề Y, vừa cầm dao mổ xẻ, vừa làm y tế công cộng, ông vẫn không lúc nào quên hội họa. Đã là cái nghiệp, mà ông gọi là “Họa nghiệp”, cũng như “Y nghiệp”. Một cái trời cho, một cái ông chọn. Nhưng thực ra, cái ông chọn cũng đã tiềm ẩn cái trời cho. Bởi y học không đơn thuần là một khoa học, y học còn là một nghệ thuật.
Bác sĩ Dương Cẩm Chương là hội viên hội họa sĩ Pháp, với trên 20 lần triển lãm tại Pháp, được nhiều giải thưởng hội họa, thế nhưng trong một bức thư nhỏ gởi tôi, viết từ Đà Lạt ngày 29-11-2002, ông vẫn khẳng định: “Tôi xuất thân là một thầy thuốc, hội họa với tôi là nghiệp dư”. Nhưng ông lại nói thêm: “…Có khi là một tu thân”. “Tu thân”, theo cách nói của ông, chính là cách để người ta “nên người”.
Tôi nghĩ ông vẫn luôn là một người thầy thuốc, chữa bệnh cứu người nhưng khi để tự cứu mình thì ông hẳn đã phải nhờ đến hội họa! Bỏ con dao mổ, quay đầu là… nghệ thuật! Không chỉ vẽ, ông còn đi. Đi và vẽ, đi và sống. Cầm tinh “thiên mã”, ông nói, nên ông không thể dừng gót giang hồ được! Ông phải đi, đi mãi trên con đường dài, không mệt mỏi, không tháng năm.
Ông đã đi khắp các châu lục, từ Á sang Âu, từ Phi qua Mỹ, ở đâu ông cũng có những bức tranh đầy thiên nhiên và tình người. Thế nhưng với ông, nơi đẹp nhất vẫn là đất nước quê hương. Một góc phố ở Hà Nội, một mái tranh ở miền Trung, một bờ tường, ao làng, rừng thông, bãi biển…
Họa sĩ Dương Viên, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã viết về tranh ông nhân một lần triển lãm ở Hà Nội, năm 1993: “Điều kỳ diệu là tất cả trào lên khát vọng vươn tới cái đẹp thanh cao và vĩnh tồn. Tiềm ẩn trong mỗi tác phẩm chất men nồng say của đời và thiên nhiên dù anh vẽ ở phương trời nào…”.
Năm 1999, ông nhận Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Ông có khá nhiều tranh vẽ trên khắp các nẻo đường nhưng có lẽ đọng lại trong ông là bức tranh “Bàn cờ”, vẽ về một xóm nghèo ở Sài Gòn năm 1960. Ông ưng ý bức tranh đó và lần triển lãm nào cũng treo và mặc dù lần nào cũng có người đòi mua, ông vẫn giữ như là một kỷ niệm.
Một bức tranh khác, ông nói, ông đã vẽ trong nhiều năm liền, mà lúc nào cũng ở trong một tâm trạng “như chìm đắm, như chưa tan một giấc mơ”… Đó là bức “Đường Dương Bá Trạc”, một con đường nhỏ, bên kia cầu chữ Y, quận 8, nối liền nội thành và ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh. Tâm trạng đó cũng đã được chia sẻ bởi nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế, vợ ông, khi bà viết:
Nâng theo cánh hạc thiên trường
Mà tình nước đã ngàn phương đất trời…
Ông nói ông không thích viết hồi ký. Ông chỉ viết những bức “thư gia đình” gởi cho người thân, đến nay đã có hơn 200 bức như thế. Với thư gia đình, ông có thể bày tỏ cảm xúc, những hoài niệm, những nghĩ suy, những tình cảm riêng tư không gò bó, không xếp đặt.
Trong một bức “thư gia đình” mới đây viết từ Đà Lạt, nơi mà ông dự định mỗi năm sẽ về sống vài ba tháng để vẽ: “…Đây là một thành phố tình cảm, có một tâm lý riêng, một sắc thái riêng, có lẽ chỉ vì gần gũi như mặt thấy mặt, tay cầm tay. Cái thành phố Đà Lạt này như biết săn sóc gìn giữ tình cảm cho con người biết tìm nó… Thì giờ nhanh chóng nhưng lúc nào cũng nhàn rỗi, mỗi một hoạt động trong ngày gần như là một giải trí, có lẽ ở đây hơn ở Paris, mới thấy một thứ nhàn rỗi, thanh thản, không vướng víu… Sinh hoạt ở đây đầy tình người…” (Thư gia đình số VN 5, ngày 12-6-2002).
Hiện nay, ở tuổi 93, ông vẫn miệt mài vẽ, thỉnh thoảng qua lại Paris – Sài Gòn – Hà Nội- Đà Lạt, vẫn viết những bức thư gia đình… Sức khỏe vẫn dẻo dai. Trí nhớ tuyệt vời. Như không hề có tuổi tác. Không hề có thời gian. Gặp ông gần đây, ông nói mỗi ngày vẫn tập thể dục đều đặn 45 phút, vẫn ăn uống đạm bạc nhưng lúc này hơi bị đau nhức cái chân một chút. Rồi ông cười: “Phải kiếm một cái bệnh gì đó để mà sống chứ!”. Ở ông luôn toát ra một sức sống lạc quan, một sảng khoái đầy minh triết như thế.
Hẹn thư sau. Thân mến.