Antonio Casilli, nhà nghiên cứu và giảng dạy thuộc Viện nghiên cứu khoa học xã hội Pháp (EHESS) cho rằng “nền kinh tế nhấp chuột” hiện nay là do những dịch vụ miễn phí như Facebook, Google, Amazon… tạo ra.
Chẳng mấy ai coi việc nhấp chuột vào Facebook, coi video trên YouTube, tra cứu ảnh trên Google… là làm việc nghiêm túc, vì không thấy mệt nhọc vất vả gì, chỉ thấy thoải mái, thỏa mãn giải trí.
Các nền tảng lớn số hóa này nắm bắt sự chú ý, thời gian của mọi người mà cung ứng ngày một tinh tế, hào phóng những mối giao tiếp, đi lại, thông tin và… tiêu thụ. Ẩn sau sự giải trí số hóa ấy là một sự đảo lộn lớn lao, phương thức tạo giá trị toàn cầu. Thung lũng Silicon ngấm ngầm tạo ra mọi thứ thuận tiện để mọi người miệt mài làm việc – lao động số.
Giới khoa học gọi công việc nhấp chuột là lao động số, gồm một loạt công việc nhỏ được tiến hành, thực hiện mà không đòi hỏi trình độ, mục đích chính là tạo ra các dữ liệu.
Lên mạng xã hội luôn luôn là một sự hợp tác hữu ích – chia sẻ ý tưởng, dữ liệu… Các dữ liệu đó được khai thác, nghĩa là làm việc – tạo giá trị. Hiện có bốn loại nền tảng số hóa. Một là theo yêu cầu, như Uber, Airbnb… thông thường dưới dạng một hoạt động khác – giao thông, thuê mướn. Thứ hai là vi lao động, như Upwork, ứng dụng mCent… trên các trang mạng hàng triệu người trên thế giới tiến hành những công việc hết sức giản đơn – tìm kiếm trên mạng địa chỉ một cửa hàng, thông tin một sự kiện. Thứ ba là quản lý mạng, như điện thoại thông minh, kết nối với truyền hình… Sau hết là mạng xã hội.
Làm sao để quản lý nền sản xuất vượt khuôn khổ thông thường này? Vấn đề tổ chức quy mô toàn cầu trở nên khẩn thiết, nhưng vẫn chưa có được một lời giải thỏa đáng. Đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Anders Samuelsen tuyên bố lập “đại sứ kỹ thuật số” ở thung lũng Silicon. Phạm vi ngoại giao này chưa được minh định, nhưng rõ ràng nó bảo vệ quyền lợi của đất nước nhỏ Bắc Âu này trước các gã khổng lồ hùng mạnh Google, Amazon, Facebook, Apple…
- Lê Lành theo Bloomberg