Tình hình lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng thời gian trước tết không có nhiều biến động, cung tiền vẫn dồi dào trong khi cầu tiền không tăng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng huy động (đầu vào) của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn tốt, trong khi “đầu ra” – các khoản cấp tín dụng của ngân hàng cho cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế chưa thực sự được cải thiện. Chính điều này đã giúp thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng ổn định, không có dấu hiệu căng thẳng trong những tháng đầu năm – vốn là thời điểm nhu cầu tiền mặt của xã hội tăng cao. Thanh khoản của tháng đầu năm 2013 như vậy là rất khác so với những năm trước, khi vài tháng trước Tết Nguyên đán, cầu tiền mặt tại các ngân hàng thương mại căng thẳng khiến Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền qua kênh thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho toàn hệ thống.
Lần đầu tiên có “tin mừng” thanh khoản như vậy sau nhiều năm, nên chuyện bỏ trần lãi suất đã được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc việc bỏ trần lãi suất huy động, nhường quyền chủ động quy định lãi suất huy động các kỳ hạn cho từng ngân hàng, tùy vào nhu cầu và thế mạnh của họ. Có chăng, Ngân hàng Nhà nước có thể khống chế trần lãi suất cho vay, nhằm giúp các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung có được nguồn vốn giá rẻ, ổn định.
Những ý kiến phản biện cũng rất đáng lưu tâm.Câu chuyện thanh khoản tốt hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn, trong khi vấn đề dài hạn của hệ thống ngân hàng là nợ xấu sẽ không thể giải quyết một cách nhanh chóng.Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngân hàng kém thanh khoản, chưa thể cạnh tranh được với các ngân hàng mạnh một khi trần lãi suất được bãi bỏ.Lạm phát cũng là một vấn đề cần quan tâm. Chúng ta vẫn chưa thể yên tâm với tình trạng lạm phát, dù năm ngoái tỷ lệ này chỉ là 6,81%. Mức tăng tương đối thấp ấy có nguyên nhân từ sự suy giảm của tổng cầu chứ không phải từ sự ổn định vững chắc của kinh tế vĩ mô. Bởi thế, các tổ chức có uy tín trong nước cũng như quốc tế dự báo lạm phát năm nay của nước ta sẽ cao hơn năm 2012, vào khoảng 8 – 10%. Cũng vì thế mà xu hướng tự do hóa lãi suất, cho các ngân hàng tự quyết định lãi suất huy động và cho vay chưa nên áp dụng trong thời điểm này. Nền kinh tế đã và đang có chiều hướng khả quan, nhưng rủi ro lạm phát có thể quay lại.
Dù vậy, việc sử dụng những biện pháp hành chính như quy định trần lãi suất huy động có những hạn chế nhất định và không thể là một chính sách dài hạn. Trong một môi trường cạnh tranh công bằng, Ngân hàng Nhà nước nên là người tạo lập hành lang pháp lý cho quá trình vận hành và quản lý sự tuân thủ của các tổ chức tín dụng, chứ không nên trực tiếp dẫn dắt các thành viên tham gia thị trường. Việc xóa bỏ trần lãi suất, vì vậy, nên tiến hành khi hệ thống ngân hàng thương mại được tái cơ cấu xong, có thể trong một vài năm tới. Đó cũng là khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới được Chính phủ đưa ra có hiệu lực và hệ thống ngân hàng tái cấu trúc, xử lý nợ xấu xong.
Minh Hằng