Tính đến nay, bản Tuyên bố London 25 điểm, kết quả của hội nghị bảo vệ đời sống hoang dã diễn ra tại thủ đô London của nước Anh vào tháng 2-2014 đã được hơn một tuổi. Song thực tế cho thấy những cảnh báo và biện pháp dự liệu trong văn kiện này đã không mang lại những hiệu quả mong muốn. Tần suất những vụ bắt giữ lượng ngà voi mua bán bất hợp pháp với khối lượng trên 500kg/vụ đã gia tăng trong thời gian qua, và điều này chứng tỏ mạng lưới tội phạm có tổ chức đang phát triển mạnh. Năm 2014, số tê giác bị săn trộm lên đến 1.300 con, trong đó chỉ riêng Nam Phi chiếm đến 1.215 con.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong đời sống hoang dã không dừng lại ở châu Phi. Tại châu Á, từ tháng 1-2000 đến tháng 4-2014, đã có tối thiểu 1.590 con cọp được vận chuyển, mua bán bất hợp pháp bị bắt giữ. Danh mục động vật hoang dã bị khai thác trái phép không chỉ có voi, tê giác và cọp, mà còn có cả tê tê. Chỉ trong 12 năm, từ năm 2000 đến 2012, các cơ quan thi hành luật pháp trên thế giới đã bắt giữ 218 ngàn con tê tê. Về phần mình, bọn tội phạm trong lĩnh vực này đã phản ứng với các nỗ lực của quốc tế bằng cách thay đổi lộ trình và phương thức hoạt động, sử dụng công nghệ mới và củng cố tổ chức nhiều hơn nữa. Vì thế, ngày 25-3 vừa qua, một hội nghị đã được tổ chức tại thành phố Kasane của Botswana để xem xét kết quả thực hiện bản Tuyên bố London và đề ra những biện pháp mới phù hợp với tình hình hiện nay. Liên Hiệp Quốc cũng tỏ rõ sự quan tâm đến vấn đề khi Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ mối lo ngại trước những hậu quả về môi trường, kinh tế và xã hội của tội phạm về đời sống hoang dã. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết hỗ trợ về mặt tài chính cho các nước châu Phi để chống lại nạn săn bắt và mua bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã. Một số nước khác cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này, trong đó có Thái Lan, một trong những thị trường ngà voi bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Tuy còn lâu đất nước Đông Nam Á này mới giải quyết dứt điểm được tệ nạn trên, nhưng thế giới lạc quan trước những bước đi đúng hướng của chính quyền Bangkok. Các nước châu Phi đang hợp tác để đưa ra một Chiến lược châu Phi chung vào tháng 4-2015. Vai trò của cộng đồng dân cư địa phương cũng được đề cao trong sự hợp tác thông tin và đề ra những biện pháp đối phó phù hợp với đặc thù của mỗi nơi. Nỗ lực thì nhiều, nhưng kết quả hoạt động còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố không phải lúc nào cũng nằm trong khả năng dự liệu của mọi người.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)