Điều khoản này quy định nếu một thành viên của USMCA vi phạm, thì các đối tác còn lại có thể rút khỏi USMCA trong vòng sáu tháng và thiết lập thỏa thuận song phương của riêng mình. Theo giới chuyên gia thương mại, điều khoản này rõ ràng là phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Trump đang cố cô lập TQ về kinh tế và muốn ngăn các tập đoàn TQ sử dụng Canada hay Mexico như cửa sau để đưa hàng miễn thuế vào Mỹ.
Chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington nhận định thỏa thuận này cho chính quyền Trump quyền phủ quyết trên thực tế mọi cuộc đàm phán thương mại của TQ với Canada hay Mexico. Nếu nội dung điều khoản này được lặp lại trong các cuộc đàm phán tương tự của Mỹ với châu Âu hay Nhật Bản, điều đó sẽ có thể khiến TQ gặp khó khăn trong hệ thống thương mại toàn cầu, vì đây là hai thị trường quan trọng trên thế giới hiện nay. Theo chuyên gia này, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Canada hay Mexico với TQ hoàn toàn có thể xảy ra.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã yêu cầu tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận TQ là một nền kinh tế thị trường sau khi nước này gia nhập WTO. Quy chế kinh tế thị trường có thể hạn chế rất nhiều đòn chống trả của phương Tây trước hàng hóa giá rẻ của TQ. Nhưng yêu cầu của TQ đã không được Mỹ và châu Âu chấp nhận với lý do là các khoản trợ cấp của nhà nước cho doanh nghiệp đã tạo ra điều kiện cho hàng hóa dư thừa cũng như loại trừ cạnh tranh của nước ngoài.
Nhật báo Mỹ Washington Examiner đã không ngần ngại cho rằng với hiệp định NAFTA mới này, chính quyền Trump đã tìm thêm được một công cụ trong cuộc chiến thương mại với TQ. Đó là sử dụng các thỏa thuận tương tự như USMCA để hạn chế TQ thương lượng hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác. Theo báo này, Mỹ muốn chặn trước khả năng Mexico và Canada ký bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào với TQ. Nếu hai nước này vẫn cứ xúc tiến, Nhà Trắng có thể phá vỡ USMCA, điều nằm trong chủ trương trước đây của ông Trump. Giới chuyên gia thương mại nhấn mạnh họ chưa từng thấy một điều khoản nào như vậy trước đây, ngay cả dưới dạng khái niệm. Có thể nói đây là đòn chiến tranh lạnh mới nhất mà chính quyền Mỹ tung ra với TQ.
- Xem thêm: Trung Quốc ngừng nhập khẩu dầu thô Mỹ
Theo giới phân tích quốc tế, TQ rõ ràng là đối tượng bị tấn công vì cụm từ “nền kinh tế phi thị trường” được sử dụng trong Luật phá giá của Mỹ thường dùng để ám chỉ TQ. Ông Dan Griswold, Giám đốc Trung tâm Mercatus, thuộc Đại học Mason nhận định rằng ông Trump đã tranh thủ việc Canada và Mexico cần duy trì quan hệ với Mỹ để ngăn chặn hai nước này liên minh thương mại với TQ. Tuy chưa rõ điều khoản này có lợi như thế nào đối với người tiêu dùng Mỹ, nhưng có thể có lợi cho chính quyền Mỹ nếu có nhiều nước khác đi theo và có thể gây sức ép buộc TQ thay đổi chính sách. Chính quyền Mỹ đang cố đưa những điều khoản tương tự vào các hiệp định đang đàm phán với các nước có giao dịch với TQ, chẳng hạn như Nhật Bản. Nếu Mỹ thành công thì TQ sẽ khó có khả năng né tránh các biện pháp thuế mà Mỹ áp đặt.
– Theo Reuters