Đà Nẵng hiện đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch trong nước. Để có được điều ấy, bên cạnh cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt thì yếu tố con người góp phần không nhỏ. Là một trong những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực khách sạn tại thành phố Đà Nẵng, ông Trương Thanh Sơn – Giám đốc Khách sạn VIAN đã có những chia sẻ thú vị về nguồn nhân lực của du lịch Đà Nẵng nói chung, tại doanh nghiệp của mình nói riêng.
Có thể thấy cơ sở du lịch ở Đà Nẵng khá nhiều, người học về du lịch xong ra đi làm cũng không ít, vậy mà tại sao doanh nghiệp vẫn than không đủ người, còn người học ngành du lịch lại lo thất nghiệp. Ông có thể lý giải về nghịch lý đó?
Theo tôi, không phải hiện nay chúng ta không đủ người làm việc, mà là không đủ người có tâm với nghề. Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng mình có cái bằng là chắc chắn sẽ có một chỗ làm, nhưng không biết giữa lý thuyết và thực tế có rất nhiều khác biệt.
Sinh viên mới ra trường nói chung thiếu kỹ năng, chưa hiểu rõ về công việc, chưa thật sự biết mình cần gì, mình có gì và mình phải làm gì. Quan trọng hơn nữa là ở họ thiếu đam mê và nhiệt huyết. Trong cuộc sống, nhiều khi chỉ cần đam mê và dấn thân là có thể đạt được nhiều điều thú vị.
Là người từng trải qua nhiều môi trường làm việc ở nhiều tỉnh thành khác nhau, từ Hạ Long, Huế đến Hội An, ông có đánh giá gì về nguồn nhân lực trong lĩnh vực khách sạn ở Đà Nẵng so với những nơi ấy?
Điều dễ dàng nhận thấy là người Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung kém năng động, hoạt bát hơn người miền Bắc hay người miền Nam. Tôi nghĩ đó là điểm hạn chế lớn nhất của nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch Đà Nẵng. Nhưng bù lại, họ chân thành, nhiệt tình, thật thà. Mà những yếu tố đó lại vô cùng cần thiết cho những người làm việc trong dịch vụ du lịch.
Theo ông, điều gì cốt lõi nhất để một người có thể thành công trong lĩnh vực khách sạn?
Đó là đam mê, hoài bão, nỗ lực hết mình để vượt qua mọi thách thức. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải đánh đổi, bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Vì thế, tôi xem điều cốt lõi ấy cũng là đạo đức làm việc.
Chẳng hạn trong khi tuyển dụng nhân viên, nếu gặp một người có trình độ cao nhưng ngạo mạn, không có chí tiến thủ và người khác bộc lộ niềm đam mê, có hoài bão lớn, có tiềm năng phát triển thì tôi sẽ chọn người thứ hai.
Trong quá trình làm việc, những người có cái tâm thật sự luôn là những người đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường. Tôi nghĩ không chỉ lĩnh vực khách sạn, mà ở bất cứ lĩnh vực nào khác, điều cốt lõi chính là đạo đức làm việc và nó giúp chúng ta hướng tới thành công.
Xin được quay ngược lại thời gian, trở về hơn 15 năm trước, lúc ông còn là một chàng trai mới chập chững bước vào đời. Khi đó, có bao giờ ông nghĩ mình sẽ theo đuổi lĩnh vực du lịch và trở thành doanh nhân có tiếng tăm trong ngành như hôm nay?
Phải nói thật là 15 năm trước tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm việc trong lĩnh vực này. Khi ấy, tôi chỉ là thằng nhóc nhà quê, đen đúa, chập chững học chuyên ngành tiếng Anh chỉ với một ước mong được trở lại quê và làm thầy giáo.
Nhưng rồi, chẳng biết như thế nào tôi lại bước chân vào lĩnh vực du lịch, được làm việc tại nhiều cơ sở du lịch lớn như Furama, Palm Garden Hội An, Hoàng Cung Huế, Tuần Châu Hạ Long… Tôi nghĩ chắc đó là cái “duyên tiền định” của đời mình để rồi tôi đã yêu công việc này từ lúc nào không hay. Càng làm việc, tôi càng muốn dấn thân, cống hiến mọi nỗ lực để hiện thực hóa những dự định và ước mơ của mình.
Nghe ông nói thì mọi thứ đều có vẻ suôn sẻ và con đường đi của ông ít chông gai, nhiều hoa hồng?
Không hẳn thế đâu! Kể ra trên con đường tôi đi cũng có hoa hồng, nhưng đầy gai. Những ngày đầu chập chững đi làm, tôi chỉ là bồi bàn, bưng bê đồ ăn, chưa được phục vụ khách. Nhiều đêm thức đến 2, 3 giờ sáng, rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn phải gồng mình để bưng thật nhanh các khay đồ ăn mà để không xảy ra sơ suất nào.
Khi ở một vị trí cao hơn thì tôi lại phải đi làm xa, chịu những áp lực từ cấp trên xuống, cấp dưới lên và luôn phải làm sao cho trọn vẹn cả đôi đường. Nhưng mệt nhất là sự hồ nghi của người khác về năng lực của mình. Nhiều người đã từng cá cược tôi sẽ trụ được bao lâu ở vị trí quản lý cấp trung, song chính những mũi gai nhọn ấy đã tiếp thêm cho tôi nhiều động lực để phấn đấu, hoàn thiện bản thân và có được vị trí như ngày hôm nay.
Với vị trí hôm nay, hẳn là ông tự tin mình làm được nhiều điều có giá trị cho ngành du lịch?
Tôi không dám nói vậy nhưng muốn vậy. Đơn giản, tôi muốn tôi như là một cục đá ném xuống mặt hồ và lan tỏa. Nghe có vẻ hơi hoa lá cành, nhưng thật sự là vậy. Tôi vẫn đang áp dụng phương châm này vào cuộc sống của mình.
Tôi muốn khi làm việc, tôi là một người đồng nghiệp chia sẻ, gắn kết được với các cộng sự. Khi quản lý, tôi là một người sếp luôn truyền cảm hứng cho nhân viên của mình, giúp nhân viên thỏa sức sáng tạo, phát huy hết khả năng. Trong môi trường du lịch, tôi là người đi trước định hướng cho những người trẻ đi sau.
Như bạn biết, môi trường dịch vụ du lịch là môi trường của tập thể. Bạn không thể làm việc môt mình, mà cần phải có sự gắn kết, hỗ trợ của nhiều người. Vì thế, sự lan tỏa của bất kỳ ai lôi kéo được mọi người cùng hòa nhịp là vô cùng cần thiết.
Có vẻ như sự lan tỏa ông nói trên có gì đó giống với biểu tượng của Khách sạn VIAN. Với ông, sự lan tỏa của VIAN nằm ở chỗ nào?
Đó là sự khác biệt từ những điều bình dị. Trong gần ba năm hoạt động, VIAN luôn cho ra đời những dịch vụ thú vị, chẳng hạn loại hình lưu trú dormitory của chúng tôi là điều lạ đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng.
Thường thì mọi người cứ nghĩ loại hình này chỉ dành cho đối tượng khách du lịch bụi, ít tiền nên chất lượng dịch vụ không cao. Chúng tôi muốn vẫn giữ nét đặc trưng của loại hình lưu trú này nhưng phải cho du khách thấy được sự trân trọng trong phục vụ đến từng chi tiết.
Nhờ đó, chỉ với mức giá phải chăng, phù hợp với túi tiền, nhưng khách hàng lại được “nâng tầm” lên khi ở trong khu khách sạn ba sao, được thưởng thức miễn phí bữa ăn sáng buffet. VIAN cũng là nơi đầu tiên tại Đà Nẵng có dịch vụ xe đạp, được nhiều du khách ưa thích bởi với họ, đạp xe tham quan vừa thân thiện với môi trường, vừa khỏe, vừa vui.
Khi mọi người đang hướng đến sự sang trọng, đẳng cấp thì ông lại hướng đến sự bình dị. Duyên cớ nào đưa ông đến suy nghĩ đó?
Có vài lý do. Thứ nhất, người dân miền Trung vốn nổi tiếng ở sự chân thành, bình dị. Đó là một nét văn hóa hay, tại sao mình lại không hướng đến? Thứ hai, tôi đã đọc ở đâu đó lời châm ngôn “Bình dị, mộc mạc là đỉnh cao của cuộc sống”. Hiện nay, khi mà giá trị giữa cái ảo và cái thực lẫn lộn thì sự bình dị, chân thành là điều đáng trân trọng và giữ gìn.
Khách sạn VIAN có thể đơn thuần chỉ là một trong những điểm đón du khách tứ phương đến với Đà Nẵng, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cho mọi quý khách tiêu chuẩn 5C. Đó là Comfort (thoải mái), Convenience (tiện nghi), Clearliness (sạch sẽ), Customer service (dịch vụ khách hàng) và Culture (văn hóa).
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!