Hai mẹ con giận nhau đúng mười lăm năm, không nhìn mặt. Nguyên nhân khá tế nhị và phức tạp xuất phát từ tiền bạc.
Hai mươi năm trước, mẹ bán nhà lớn, cho mỗi đứa con một ít. Mẹ hùn tiền với con gái lớn mua chung một ngôi nhà. Hai tầng trên, gia đình con gái ở, tầng trệt con trai út kinh doanh. Mẹ và con trai út ở một ngôi nhà khác cách đó không xa.
Năm năm sau, công ty cô con gái giải thể, biết là khó xin việc nơi nào, cô đề nghị mẹ nhượng cho cô căn nhà, cô lấy mặt bằng em trai đang kinh doanh để cô làm ăn. Em trai còn một ngôi nhà khác có thể kinh doanh được tuy vị trí hơi bất tiện hơn.
Người mẹ không chịu, vì mặt bằng ấy con trai đang buôn bán khá tốt, vả lại bà đang sống cùng con trai, mọi chi dụng sinh hoạt đều nhờ vào cửa hàng. Khi con gái lớn đưa ra phương án cô sẽ trả lại phần tiền mẹ hùn với cô ngày trước và cô sử dụng toàn bộ căn nhà, bà mẹ phản đối.
- Xem thêm: Biết mình…
Sau nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng bà mẹ nhượng bộ, chỉ cần cô con gái phải trả thêm phần tiền trượt giá nhà. Cô con gái cho là mẹ mình xử ép. Cô đã mất việc làm, lại vừa chia tay chồng, mình cô nặng gánh nuôi hai con…
Căng thẳng tột đỉnh, mẹ con phải đưa ra nhờ tòa án phân xử. Phán quyết của tòa là cô con gái được sử dụng toàn bộ căn nhà bởi do cô sở hữu trên giấy tờ. Bà mẹ nói con gái lừa mình. Cô còn chịu điều tiếng xỉ vả của ba đứa em trong gia đình. Giai đoạn đó, dù nhà lấy được nhưng cô bị stress chẳng làm ăn được gì.
Thời gian từ từ trôi, tuy mẹ con không nhìn mặt nhưng hai cháu ngoại vẫn được các dì thỉnh thoảng đón sang nhà ngoại chơi mỗi khi có dịp. Qua đó, bà ngoại cũng nắm được tình hình “mẹ con nhà nó”, vì thật ra cha mẹ nào lại không thương con, thời gian cũng dần nguôi đi nỗi giận.
Thế nhưng cô con gái thì vẫn… hận! Tâm lý này còn xuất phát từ việc cô là mẹ đơn thân, mang tâm trạng oán trách người, oán trách đời bội bạc. Hai con của cô lớn dần, các cháu luôn cảm thấy qua bên nhà ngoại hay nhà các dì thú vị hơn ở nhà mình lúc nào mẹ cũng khó đăm đăm và hay than thở.
Mẹ của cô ngày già đi và mối bận tâm về cô ngày càng nhiều. Bà ân hận ngày ấy hai mẹ con đã đẩy sự việc đi quá xa. Nỗi niềm ray rứt ngày càng tăng khi con trai út và hai con gái giữa làm ăn được, trong khi đó con gái lớn khá chật vật, lại phải nuôi con một mình. May là các chị em trong nhà cũng hiểu biết và luôn tìm cách hàn gắn mối rạn nứt giữa mẹ và chị lớn, chỉ chờ có dịp.
Trong một ngày sinh nhật mình, một cô em quyết định mời chị lớn qua dự tiệc. Nể tình cậu em rể hay qua lại giúp đỡ, cô chị nhận lời. Vào nhà, cô chị nghĩ chắc không có mẹ, thế nhưng khi nhìn mẹ mình đứng dưới bếp với cái dáng quen thuộc ngày cô còn bé, bỗng dưng cô thấy lòng rưng rưng, nghẹn ngào.
Mười lăm năm quá dài cho một quan hệ rạn nứt cần được hàn gắn. Bà mẹ lên nhà, đến bên cô và nói: “Con cho mẹ ôm con một cái được không?” thì mọi thứ vỡ òa. Cái kết thật có hậu.
- Xem thêm: Kiềm chế cơn giận
Chắc chắn, trong cuộc đời mỗi người, dù rộng lượng, vị tha cách mấy cũng không thể đếm hết số lần mình giận, hờn trách người khác. Một câu nói vô tình, một hành động nóng vội, có khi chẳng có lý do gì cũng… giận. Chơi trên mạng ảo, bất đồng từ một câu bình luận hay vì người kia bấm “like” cái đứa mình chẳng ưa, thế là giận, hủy kết bạn, thậm chí block luôn mà người bị hủy, bị block còn không hiểu lý do…
Vậy nên, dù biết rằng khó, nhưng ai cũng cần biết kiềm chế, kiểm soát hành vi, phân tích,… trong thời buổi thông tin rùng rùng ngày nào cũng đổ xuống bao la trên màn hình máy tính, điện thoại di động này.
Trở lại câu chuyện, mười lăm năm là quá dài cho một mối quan hệ mẹ con được hàn gắn, nếu trong chừng ấy năm mà không có chuyện gì xảy ra, mọi người đã vui vẻ biết bao!