Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, Minh Mạng được biết đến là vị vua tài giỏi, quyết đoán. Ngoài những lúc thiết triều lo việc chính sự, vua còn dành thời gian tiêu khiển, giải trí những việc mình ưa thích, đó chính là thú đi săn bắn vào mùa xuân. Qua Di sản Mộc bản, độc giả sẽ hiểu hơn về thú vui đặc biệt này của Thế tổ Nhân hoàng đế.
Lâu nay, vua Bảo Đại được nhiều người biết đến là có sở thích săn bắn. Tuy nhiên, ngược lại ít ai biết rằng vị vua thứ 2 của triều Nguyễn cũng có sở thích này. Năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng lên nối ngôi. 2 năm sau, vào mùa xuân năm Nhâm Ngọ (1822), vua quyết định đi săn lần đầu tiên.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 14, mặt khắc 1, cho biết: “Mùa xuân, tháng 3, vua đi săn ở núi Thế Giới. Vua bảo Bộ Hộ rằng: “Trẫm đi lần này, sớm đi tối về, người trên không có mối lo liên miên hằng tuần, người dưới thì có lòng trông hoan nghênh giúp đỡ, trẫm rất vui lòng. Những dân xã trẫm đi qua đều cho miễn 2 phần 10 thuế điền năm nay. Một đoạn điền thổ giáp đường quan La Chử mới bị nước lụt xói lở thì cho miễn thuế, sai dân bồi đắp và cho 1.500 quan tiền”.
Sau đó, vua Minh Mạng còn tiến hành nhiều cuộc đi săn ở nhiều địa điểm khác nhau. Theo ghi chép của Mộc bản triều Nguyễn có thể kể đến là năm 1825, vua đi săn ở núi Lương Điền. Mùa xuân, năm Đinh Hợi (1827), vua săn thú ở cánh đồng Hưng Bình. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 43, mặt khắc 12, cho biết: “Vua đi chơi phía đồng Giao. Trước định đầu xuân đi tuần thăm, gặp trời mưa lại thôi. Gọi Kinh doãn là Ngô Phúc Hội hỏi về công việc làm ruộng. Dụ rằng: “Mưa xuân đường lầy, xa giá chưa thể đi được, đợi trời tạnh cũng chưa muộn, can gì phải làm trái tình để cầu khen, như Ngụy Văn hầu đi săn giữa lúc mưa, Tần Hiến công thương người dời cây gỗ, chỉ là giữ điều tin nhỏ mọn”. Đến bấy giờ mới đi chơi phía đồng Giao, thưởng cho 2.000 quan tiền cho xã dân dọc đường. Đi săn ở đồng Hưng Bình. Vua bảo Bộ Binh rằng: “Người xưa nhân việc đi săn bắn để học việc võ. Ngày nay, mùa xuân đi săn cũng là ý ấy”. Năm Tân Mão (1831): “Mở một cuộc săn bắn lớn ở vùng gò núi xã Lưu Bảo (thuộc huyện Hương Trà)”. Hay mùa xuân, năm Giáp Ngọ (1834): “Vua đi đường thủy, đến sông Lợi Nông, thăm lúa, nhân lên núi săn bắn. Bầy tôi không quản nắng đi theo vua, không ai chậm lại chút nào. Vua thưởng ngân tiền Phi long cho họ, có từng bậc khác nhau”…
Theo vua Minh Mạng, việc đi săn là để học võ, học sự nhanh nhạy trong việc quan sát, luyện tập võ binh. Trong lời tâu của Bộ Lễ dịp tế cờ đầu xuân có đoạn ghi: “Duy buổi thái bình việc võ bị không nên quên, cho nên đời xưa cứ mùa xuân đi săn để sửa sang binh khí mà phòng việc không ngờ, thực là ngụ ý lúc yên phải nhớ lúc nguy”. Ngoài ra, vua đi săn còn có mục đích khác nữa là để trừ giống thú dữ cho dân được yên. Sau này, vua Minh Mạng băng hà, Thiệu Trị lên nối ngôi thay cha, đã kể lại những ngày vua cha đi săn.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 39, mặt khắc 9, ghi chép rằng: “Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, mùa xuân đi săn, giết được con hổ, để cứu người trong lúc nguy khốn, nhân đặt tên súng ấy là súng “sát hổ”. Ta, lúc còn nhỏ, theo đi hầu, khi giảng võ ở đình Cát Vân, hoàng khảo ta chỉ bảo cho phương pháp dùng súng, trao cho súng Bảo sang ngự dụng, liền ra lệnh cho ra trường vây tập võ, để khuyên răn cho đến ngày nay, bèn đặt tên súng ấy là súng “Toản vũ”.
Có lẽ, vì sở thích săn bắn nên vua Minh Mạng cũng rất khuyến khích binh lính săn bắt thú dữ để mang lại bình yên cho muôn dân. Đó là vào năm Bính Thân (1836), khi Bố chính Khánh Hòa là Nguyễn Văn Điển tâu lên tình hình dân sở tại hạt mình. Vua Minh Mạng đã nói: “Tỉnh hạt Khánh Hòa, đất nhiều rừng rú, người ở còn thưa, dụ sai thuê mộ dân phu, trước hết phát bỏ cỏ cây ở hai bên đường cái quan cho quang đãng, rồi ngươi thân hành đi khuyên bảo nhân dân sở tại, tuỳ tiện gắng sức khai khẩn trồng trọt ở rừng và chằm. Lại vì ở rừng có nhiều thú dữ, dân trong hạt có ai muốn lĩnh súng và thuốc đạn để săn bắn thì liệu cấp cho”. Hay như vào mùa xuân, năm Canh Tý (1840), khi thấy thành Trấn Tây nhiều thú dữ, vua Minh Mạng đã sai lính thú đi săn bắt.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 211, mặt khắc 13, ghi chép sự việc như sau: “Sai lính thú thành Trấn Tây săn bắt thú dữ. Vua bảo Bộ Binh rằng thành Trấn Tây đất nhiều rừng rú, thú dữ rất nhiều. Biền binh đến thủ ở đấy nhân đi săn bắn mà tập bắn súng lớn súng nhỏ, thì kỹ thuật đã tinh, lại có thể trừ được ác thú, cho dân yên ở làm một việc mà được hai điều lợi. Vậy nên truyền dụ cho các viên Tướng quân, Đề đốc: những quan binh đến đóng thú, từ quản vệ trở xuống, có ai tình nguyện đi bắt thú dữ, thì cấp cho súng đạn…”.
Ngoài ra, cũng vào năm Canh Tý (1840), vua Minh Mạng cho đặt một đội quân gọi là đội “Lâm xạ”, chuyên đi săn bắn những ác thú gây hại cho dân.
Có thể nói, thú đi săn vào mùa xuân của vua Minh Mạng cho thấy ông đã rất quyết liệt trong việc trừ diệt thú dữ nhằm chính sách an dân, đó cũng là một trong những biện pháp củng cố nền móng của triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.