Từ ngàn xưa đến nay, Tết bao giờ cũng là lễ hội quan trọng nhất trong một năm. Vì thế, mói có tên gọi Tết nhất, Tết cả, Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền. Và thật lạ, chỉ cần nghe tiếng Tết tự dưng trong lòng lại nghe âm vang biết bao nôn nóng, chờ đợi, bồi hồi. Và dù ở dộ tuổi nào đi nữa, hễ vào dịp 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, người ta lại nhẫm tính từng ngày đợi Tết. Cảm giác này yên bình và luôn xao xuyến tâm can.
Ồ những người ta đi hóng Xuân
Cho tôi theo với, kéo tôi gần
Rộn ràng bước nhịp hương vương gót
Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân
(Huy Cận)
Tuy nhiên, với không ít người, đây còn là khoảng thời gian họ phải… lo sốt vó! Tại sao thế? Vì cứ theo như thông lệ, cuối năm cũng là dịp kết toán mọi sổ sách, nợ nần trong phải thanh toán sòng phẳng. Nếu dư dả, năm qua “ăn nên làm ra” thì chẳng sao, bằng không: “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo” là vậy. Dù thế nào người ta cũng lạc quan, tin tưởng mọi việc rồi cũng đâu vào đó đã thể hiện trong câu đối của Phạm Bá Quát:
Suốt buổi Ba Mươi, vay món nọ, trả món kia, long đong xoay ngược xoay xuôi, cắm cổ chạy tràn cong đít vịt.
Sáng này Mồng Một, kẻ chúc con, ngưới chúc của, phè phởn rượu trưa chè sớm, rung đùi ngồi vuốt vểnh râu dê.
Thật đúng như Tú Xương đã quan niệm: “Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà”. Dù giàu dù nghèo thì ai ai cũng có niềm hạnh phúc, sung sướng lúc vui Xuân đón Tết. Hương vị Tết ngày xưa còn lưu dấu rõ nét trong thơ Bàng Bá Lân. Mỗi dịp gần Tết, tôi lại nhớ, bạn lại nhớ một cách bâng khuâng không rõ nét:
Tết về, nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.
Nhớ cành đào thắm đầy hoa,
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành.
Nhớ tam cúc tẹt, nhớ… mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì…
Nỗi nhớ da diết nhất với nhiều người còn là vào đêm cuối năm, cả nhà quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng. Gió rét. Lửa ấm. Mùi khói bếp lá dong, lá chuối thơm thơm tan loãng trong không gian, làm sao có thể quên? Và câu chuyện râm ran của người thân thiết, ruột thịt gia đình luôn gợi lên hương vị yêu thương đầm ấm. Ông thi sĩ Tú Xương đã viết dí dỏm: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt loè trên vách, bức tranh gà”. Những bức tranh Đông Hồ, nét vẽ mộc mạc, lại những câu đối đỏ nữa đã khiến căn nhà ấm áp, tươi sáng hẳn lên. Mỗi bức tranh, tùy theo chủ đề là sự gửi gắm về ước mơ một năm mới luôn gặp may mắn, điềm lành. Có thể đó là các câu Phúc khánh hữu dư, Tảo sinh quý tử, Vạn đại tử tôn… Hoặc tranh du xuân có đề những câu thơ vịnh như:
Thời bình mở hội Xuân
Nô nức quyết xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân
Hoặc dán trong nhà các câu đối đỏ như: “Vào cửa toàn khách kinh luân/ Ngồi chơi toàn người cẩm tú”; “Đất sinh tài, nghiệp đời sáng lạn/ Trời ban phúc, tiếng nhà tốt tươi” v.v. Một trong những thú vui là tất bật trang hoàng lại nhà cửa, những lư hương đèn.. được đánh bóng lại cho sáng loáng. Vào dịp này, ối dào, các bà nội trợ đảm đang đến là khéo. Thì cứ xem trong cái gian nhà bếp thì rõ. Mỗi ngày đi chợ về, họ lại sắm thêm một ít, mua dần dà, chứ sợ cận Tết quá, nhớ trước quên sau sẽ không chu toàn.
Giây phút tạo nên hương vị nồng nàn khó quên nhất còn là sau phút Giao thừa, trẻ con nắm áo mẹ, ông bà lên chùa hái lộc. Nhà văn Hoàng Đạo đã kể lại giây phút ấy, có thể nhiều người cũng đã từng cảm nhận: “Anh có bao giờ đi hái lộc không? Thật là một nhẽ thú không hai. Tiếng pháo nổ ran xa xa. Con đường tối nhấp nhô bóng người. Những cô con gái cười rúc rích. Chung quanh là đêm. Trên đầu, sao lấp lánh trong lá cây lẫn nền trời. Năm mới bắt đầu, và với sự mới mẻ ấy, non như mầm lộc nẩy nở trong lòng người”. Bây giờ, có lẽ đông vui nhất vẫn lúc pháo hoa rực rỡ trên nền trời đêm lung linh ngàn sắc hoa; rồi lại chợ hoa, đường hoa với muôn hoa nghìn tía tươi đẹp làm sao. Ngày nay, tất nhiên mọi nhà không còn đốt pháo nữa. “Thừa tiền mua pháo đốt chơi/ Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống ao”. Chả dại. Phải thế thôi. Quan niệm của mỗi thời mỗi khác.
- Xem thêm: Mùa chim én bay
Tuy nhiên đã nói về hương vị ngày Tết không thể không nhắc đến món ăn. Dù cũng là các món ấy, nhưng ăn vào dịp Tết nhất, ta mới cảm được hết sự ngọt bùi, “ngon lành cành đào” vì đó là lúc ăn rồi chơi, chứ không phải ăn rồi lại tất bật theo công việc thường ngày. Ở ngoài Bắc, có thể kể đến xôi gấc, dưa hành, giò, thịt gà luộc, nem rán; ở miền Trung có thể là bánh tét, nem chua, dưa món, tôm chua, chả bò, thịt heo ngâm mắm; ở miền Nam là sao thiếu thịt kho nước dừa, củ kiệu tôm khô, canh khổ qua nhồi thịt, dưa giá, lạp xưởng v.v. Mà gì thì gì cũng không thể thiếu các loại bánh đặc trung của ba miền như bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh tổ… Nếu thiếu, làm sao mà thiếu, thì còn gì là Tết?
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Nay, ta thấy cái Tết trong tâm thức từ ngày xưa đã khác. Có những hương vị đã nhạt dần theo năm tháng. Đúng là thế vì ngày Tết hiện đại đã thay đổi về ý nghĩa của ăn. Trước kia, “Một năm là mấy tháng xuân/ Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi”; “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Chẳng hạn, không còn nhiều nơi, nhiều người trồng cây nêu, xem giờ tốt xuất hành, dán tranh tết, câu đối lên tường nhà, khai bút, khai ấn đầu Xuân… Ngay cả hái lộc tại đền, chùa cũng hạn chế nhiều. Ai cũng tranh nhau hái lộc thì cây cối xác xơ thảm hại biết chừng nào? Hạn chế là phải rồi. Còn chuyện đốt pháo thì đã cấm tiệt v.v. Hương vị Tết cổ truyền còn lại chăng là dưa hành, bánh chưng xanh. Nay, đâu cần phải đợi đến Tết mới có mâm cao cỗ đầy. Thịt mỡ không còn là sự khoái khẩu nữa, không tin cứ hỏi… phụ nữ đang ăn kiêng giữ eo thì rõ ngay!
Lại nữa, trước kia, bao giờ chúng ta cũng nhắc đến cụm từ “Tết sum họp”. Năm hết Tết đến, nếu vì lý do gì đó vẫn còn phiêu bạt chân trời góc bể, không thể quay về đoàn tụ ắt nhiều người cảm thấy lạnh lẽo, buồn nhớ không cùng.
“Mặt sầu với mái tóc cằn
Ngày mai ta lại gặp xuân quê người”
(Bản dịch Nhất Anh).
Đó là tâm sự Đêm ba mươi Tết ở quán Thạch Đầu của nhà thơ Đới Thúc Luân (732-789). Chi tiết nhỏ này cho thấy lúc ai ai cũng đoàn tụ, riêng mình lại lẻ loi thì tủi phận lắm. Nay, suy nghĩ ấy đã khác. Đã có nhiều gia đình, nhất là những công chức, làm việc bàn giấy, suốt năm bận rộn lại nghĩ đến “Tết thư giản”. Tết là dịp nghỉ ngơi. Defragmenter lại cơ thể sau 365 ngày lao động mệt mỏi. Thế là, trong khoảng thời gian đó, thay vì về quê sum họp cùng anh em, họ hàng; hoặc ở nhà trang trí, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, đón khách… thì họ lại làm một chuyến viễn du. Có thể trong hoặc ngoài nước, tắt điện thoại để gia đình toàn tâm toàn ý cùng sum vầy trong một không gian mới.
Sự lựa chọn này, là bình thường. Trước kia, giá trị của Tết truyền thống gợi mở từ đại gia đình, gắn kết các thành viên nhiều thế hệ và mở rộng ra đến tình làng nghĩa xóm; nay, nó đã thu hẹp lại, có thể chỉ trong mỗi gia đình nhỏ của mình. Nói như thế, không phải con người ta cắt đứt với các mối quan hệ ruột thịt khác, nó vẫn còn đấy thôi. Vẫn còn thể hiện qua các ngày trong năm, đơn giản là phương tiện thông tin liên lạc, đi lại đã dễ dàng hơn rất nhiều. Họ có thể chia sẻ tình cảm, an ủi, bảo ban hằng ngày chứ nào phải chờ đến dịp Tết nhất. Nói cách khác, hương vị Tết xưa vẫn còn đó nhưng đã ít nhiều linh động, uyển chuyển qua hình thức khác nhưng vẫn mang ý nghĩa vui Xuân đón Tết.
- Xem thêm: Màu tết, mùi tết