Đã nhiều lần tập thưởng thức những bài tân nhạc cho đồng điệu với bạn bè, vậy nhưng tôi vẫn bị hút hồn bởi vọng cổ, cải lương, phải chăng bởi vì tôi được sinh ra và lớn lên ở miền Tây?
Hồi đó, tối thứ Bảy nào cả xóm cũng rộn rịp đi coi cải lương trên vô tuyến. Cả xóm chỉ có một nhà sắm được cái tivi trắng đen, con nít từ chiều đã tụ tập đầy sân, chơi trốn kiếm tơi bời xung quanh vườn nhà đó. Có mấy tuồng Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt,… chiếu đi chiếu lại hoài mà mấy bà già lần nào coi lại cũng lấy khăn lau nước mắt.
Thời hoàng kim của cải lương đã đi qua. Bây giờ không còn cảnh lũ lượt chèo xuồng đi coi hát tới nửa đêm mới về tới nhà như hồi đó nữa. Hồi đó, ở quê người ta vừa chằm lá vừa đan rổ, hay đi làm vườn mang theo cái radio, vừa nghe vọng cổ vừa làm việc, thấy cuộc đời thật đáng yêu như bà mẹ vừa vót nan vừa ru con ngủ. Cuộc sống thật yên bình.
Đám tiệc nhất định phải thuê dàn cổ nhạc về để thi nhau hát, xem ai hát mùi nhất. Nhiều người mê nhau qua giọng hát mà thành tri kỷ, có người khăn gói theo đoàn cải lương vì mê cô đào anh kép. Vọng cổ trở thành môn nghệ thuật dân gian đẹp đẽ, gần gũi và có ý nghĩa nhất trong đời sống của người miền Tây, nơi nó được sinh ra. Có biết bao đào kép đã lên đỉnh vinh quang và để lại cho đời nhiều bài hát, vở diễn kinh điển cho nhiều thế hệ thưởng thức và học hỏi.
Không hay sao được khi người ta bày tỏ nỗi lòng với nhau bằng thứ ngôn ngữ thơ ca và bằng giọng nói của nghệ thuật với những cuộc chia ly, đợi chờ, hội ngộ đầy cảm xúc: Em đứng, đứng kế bên anh / không nói một lời, rưng rưng nước mắt / hoàng hôn, ngơ ngác cánh chim / khô héo môi cười, đôi mắt quầng đen / lặng chết trong tâm hồn, anh vong phụ tình em…
Có những nỗi niềm ẩn chứa đau thương, đợi chờ thời gian được tính bằng nhiều năm nhiều tháng. Bên cạnh lời lẽ trữ tình, là làn hơi của người đào hát, kép hát và diễn xuất của họ thể hiện sự nhớ thương, chờ đợi, đắng cay, hạnh phúc. Và tiếng đàn của những nhạc cụ riêng biệt nâng giọng hát lên cao, lột tả những cung bậc cảm xúc. Tất cả hòa quyện thành một môn nghệ thuật tuyệt vời khi người nghệ sĩ thăng hoa. Người ta gọi là “nhập vai” để khóc, để cười trong từng hoàn cảnh.
Bây giờ sân khấu nhà hát đã mai một. Nhưng làm sao mai một được trong lòng người đã từng thưởng thức những tuồng cải lương đúng phong cách cũ? Một Chủ nhật nọ, tôi rủ bạn về Tiền Giang. Mải chơi với bạn bè, chiều tối mới qua được cù lao, nhóm đờn ca đã về nhà, vậy mà nghe nói có người muốn nghe, họ lại gọi điện thoại cho nhau và tụ tập đầy đủ ban nhạc gần chục người chỉ để phục vụ cho ba người khách. Ái ngại quá, chúng tôi gửi thêm chút thù lao, lòng thật sự cảm động trước sự hiếu khách của những người nghệ sĩ miệt vườn này. Bạn ở Hải Phòng, nghe đờn ca tài tử cứ xuýt xoa khen. Họ mời chúng tôi hát giao lưu, tôi mê đứt ruột nhưng hồi nào giờ hát đâu có ăn dây đờn đâu mà dám, dù mấy bài đó thuộc nằm lòng, ai hát trật một chữ là biết liền. Vậy là họ hỏi thích bài nào họ sẽ hát theo yêu cầu. Tôi thích bài Chợ Mới. “Ơi dòng sông, mang nước đi nơi nào, có về quê em, ghé thăm đôi điều rằng anh nhớ thương em nhiều…”. Trong ban đờn ca tài tử có một người con gái giống hệt người xưa ở xứ An Hữu, nhìn mà lòng nhói đau nhớ kỷ niệm xưa. “Có ai biết được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy?”…
Mỗi lần tình cờ nghe một bài vọng cổ hay một vở cải lương, tôi luôn dừng lại tất cả mọi công việc, để lắng lòng, thả hồn vào không gian dạt dào tình cảm yêu thương, hờn giận, rồi thấy yêu hơn cuộc sống xung quanh. Mong sao môn nghệ thuật mình yêu dấu rồi sẽ lại phục hưng và tiến những bước cao xa hơn, chinh phục thêm nhiều trái tim mộ điệu hơn nữa.