Kết thúc đêm tái diễn Gương mặt kẻ khác, Mỹ Uyên đã không kìm chế được sự xúc động, cô bật khóc ngon lành. Tôi hiểu những giọt nước mắt của Mỹ Uyên, đó là niềm cảm xúc vỡ òa sau bao tháng ngày lặn lội ngược xuôi cùng sự thăng trầm của Nhà hát sân khấu nhỏ 5B, nơi cô đã dành cả thanh xuân rực rỡ của mình gắn bó như một tình yêu bất tận với nơi này.
Gương mặt kẻ khác đã ra đời 5 năm rồi còn gì, việc một vở diễn cũ tái diễn lại là chuyện rất đỗi bình thường trên sân khấu kịch, có gì đâu mà Mỹ Uyên phải ngóc ngon lành như vậy ? Thực ra, đó không chỉ là sự xúc động đơn thuần khi kịch cũ tái diễn vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, còn là cả một quá trình kiên trì của những người dày công lắm tâm với sân khấu này, mà kẻ cầm trịch không ai khác là Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ Mỹ Uyên.
Không kể lể ra, nhưng tôi hiểu qua bao nhiêu vất vả, mệt mỏi để sân khấu 5B có thể sáng đèn trở lại. Một sự nỗ lực mà lắm khi Uyên thấy mình cô đơn, lắm khi thấy cô muốn stress khi vẫn phải xuôi ngược Bắc Nam đóng phim, lại phải lo tìm mọi cách để sân khấu kịch kịp hoạt động trở lại vào tháng 4 này đúng như quyết tâm.
Những hôm phải đầu bù tóc rối bay ra Hà Nội quay phim chỉ vài ngày, đề nghị đạo diễn cho cô tranh thủ quay một lượt cho hết các phân cảnh của mình, có khi hôm nay ra mai lại bay vào Sài Gòn để giải quyết nốt các công việc ở sân khấu. Mà đâu phải việc nào cũng suôn sẻ, hàng trăm việc có tên và không tên đều phải đến tay cô. Buông bàn phấn, chưa kịp xóa lớp hóa trang ở trường quay, Uyên phải điều động từ xa. Công tác quản lý, liên hệ, đặt lịch diễn viên đã đành, đến ngay cả những chuyện như phông màn chưa đúng hẹn, bàn ghế chưa đúng ý, nước sơn, chiếu nghỉ giữa các lối đi lên cầu thang vô khán phòng chưa hợp, panô treo mặt tiền nhà hát… cũng phải một tay cô điều hành lo toan.
Có lần ngồi trò chuyện với nghệ sĩ Ái Như về sân khấu kịch thời gian qua, chị nói sân khấu kịch TP.HCM lại có một năm vất vả lao đao. Tuy nhiên, bên cạnh đó ghi nhận sự bám trụ với nghề của nhiều nghệ sĩ tâm huyết, mà ngay cả sân khấu kịch 5B, vốn không có điểm diễn mấy năm qua mà vẫn cố gắng ngược xuôi tìm cách sáng đèn, thì quả là đáng quý và đáng để những người đồng nghiệp như Ái Như thêm động lực chèo chống.
Mà thật, trong khi mòn mỏi chờ chuyện Nhà hát sân khấu nhỏ 5B được duyệt để xây mới, rồi đợi, rồi chờ điều chỉnh, rồi lại đợi trong vô vọng, Uyên không đành lòng nhìn sân khấu im lìm cửa đóng then cài. Tiếng là nhà hát tạm ngưng, không có điểm diễn, nhưng Uyên và ê-kíp của mình cũng ráng xoay xở để hoạt động cho đỡ nhớ nghề.
Cả năm qua các diễn viên chủ lực của nhà hát đi lưu diễn vở Dấu xưa, một vở kịch học tập làm theo đạo đức phong cách Bác Hồ. Đây là vở kinh phí do Thành phố cấp để đi diễn quảng bá tác phẩm qua 24 quận huyện, trường học, khu công nghiệp và bộ đội trên địa bàn TPHCM.
Không ai biết là chỉ vài ngày trước khi Nhà hát sân khấu nhỏ 5B hoạt động trở lại, Mỹ Uyên đã kiệt sức đến mức phải đi bệnh viện. Nhưng có nằm viện thì cô cũng phải cố mà khỏe để về lại ngôi nhà nhỏ ấy đúng hẹn, cho sân khấu được mở màn. Để lại sửa soạn các kịch mục mới, để sân khấu sáng đèn được đều đặn hơn. Vở diễn sáng đèn xong là Uyên ốm thêm một trận ra trò nữa. Nhưng ốm gì thì ốm, cô cũng phải chuẩn bị lo cho việc tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 đã bắt đầu từ 11 đến 25-4-2018, cũng là lúc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B tham dự với Gương mặt kẻ khác.
Uyên đã có danh hiệu NSƯT từ lâu, cô cũng không màng chuyện huy chương giải thưởng nhiều ít. Nhưng vở diễn là dịp để anh chị em cộng tác thân thiết với nhà hát được dịp thi thố cùng các sân khấu kịch cả nước, khẳng định mình và nếu may mắn được công nhận qua giải thưởng, thì đó là sự động viên khích lệ mà chính bản thân Uyên cũng mong mỏi cho đồng nghiệp của mình.
Lần nào nói chuyện về 5B, Uyên cũng cười với tôi: Bạn thấy Uyên như mắc nợ sân khấu không. Nghệ sĩ nghèo làm gì có tiền, nhất là nghệ sĩ kịch nói. Kiếm nhà tài trợ càng khó vì không mấy ai mặn mòi đầu tư, chi tiền cho khu vực này. Uyên toàn vay mượn để làm cả đó. Và với lần sáng đèn trở lại của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ, Uyên đi vay bạn bè để có 600 triệu đồng lo toan sửa chữa cho khán phòng, ghế, nội thất, cầu thang nhà hát được tươm tất hơn. Làm tôi nhớ hồi cuối năm 2016, cô cũng chạy vạy khắp nơi mượn số tiền gần như thế để dựng vở Giấc mơ tham dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội.
Hình như với sân khấu, Uyên luôn không chỉ nghĩ cho mình. Vì cái tình cô dành cho 5B lớn quá. Cả thanh xuân còn gì.