Taylor Swift đã đối mặt với những thất bại cay đắng nhất và những lời phỉ báng nặng nề nhất được tái hiện qua bộ phim tài liệu giàu cảm xúc Miss Americana (Quý cô Mỹ điển hình).
Miss Americana là phim tài liệu về Taylor Swift, ra mắt hôm 31-1 trên Netflix và một số rạp chiếu tại Mỹ. Tên phim lấy cảm hứng từ ca khúc Miss Americana & The Heartbreak Prince của nữ ca sĩ.
Âm nhạc của Taylor Swift giàu chất tự sự và văn chương nên Miss Americana cũng là một bộ phim như thế. Bộ phim không chỉ kể về cuộc đời của nữ ca sĩ mà còn là tuyên ngôn sống đanh thép của một “quý cô Mỹ điển hình” trong thời đại này.
Thất bại và mất mát
Miss Americana không thiếu những khoảnh khắc vinh quang, thậm chí hào nhoáng, trong sự nghiệp của Taylor Swift, siêu sao ca nhạc hàng đầu nước Mỹ thập niên 2010. Nhưng, khiến khán giả day dứt hơn cả chính là những suy tư của Swift về thất bại và mất mát.
Ngay đầu phim, nữ ca sĩ nghe điện thoại và được thông báo cô “không nhận được bất cứ một đề cử Grammy lớn nào” trong năm 2018. Cô đáp: “Ổn mà, tôi không sao. Tôi phải làm ra một đĩa nhạc hay hơn thôi”. Nhưng mắt cô trống rỗng, cô gục đầu sau khi cúp máy.
Reputation, album đánh dấu sự lột xác quan trọng về hình tượng và chất nhạc của Swift, đồng thời là album bán chạy nhất năm 2018, chỉ được đề cử hạng mục nhỏ Album pop hay nhất ở Grammy 2018.
Album bị “đá” khỏi mọi hạng mục quan trọng: Album của năm, Ghi âm của năm hay Bài hát của năm. Điều này được truyền thông mô tả như một “cú tát” của Grammy với nữ nghệ sĩ từng được họ vinh danh nhiều năm.
Rồi Miss Americana nhắc lại một khoảnh khắc huy hoàng trước đây của Taylor Swift, khi cô nhận giải Album của năm tại Grammy 2016 cho 1989. Đây là khoảnh khắc được cô coi là “đỉnh điểm” của cuộc đời mình, khi cô giành được mọi thứ mình từng ao ước.
Nhưng suy nghĩ của cô trong khoảnh khắc đó lại là: “Tôi không có ai để nói chuyện và đồng cảm với con người tôi. Đáng ra tôi nên có ai đó để gọi điện trong lúc này chứ?”.
Grammy 2016 và Grammy 2018 như 2 mốc trái ngược trong sự nghiệp của Taylor Swift. Một bên tôn vinh đến tột đỉnh, một bên lãng quên và bỏ rơi. Chúng chỉ cách nhau 2 năm và dường như khái quát được cuộc đời của mọi nghệ sĩ.
Cuộc đời Taylor Swift không vì bị Grammy bỏ rơi mà chạm đáy, nhưng rõ ràng, đó vẫn là tổn thương và mất mát lớn khó bù đắp.
“Con khốn giả tạo” từng bị ghét nhất nước Mỹ
Năm 2016 và 2017, Taylor Swift rơi vào cuộc khủng hoảng danh tiếng nặng nề. Cô bị truyền thông và công chúng Mỹ coi là kẻ phản diện, “thích đóng vai nạn nhân, toan tính và giả tạo”. “Taylor Swift là con khốn giả tạo” là dòng tweet gợi nhớ khoảng thời gian kinh khủng đó.
Chuyện bắt đầu từ lễ trao giải Video Music Awards năm 2009, khi Taylor Swift bị Kanye West giật mic khi đang phát biểu nhận giải và tuyên bố cô không xứng đáng. Dư luận đứng về phía Swift. Nữ ca sĩ được cho là đã tận dụng hết mức sự ủng hộ này để đóng vai nạn nhân của West trong nhiều năm thăng hoa sự nghiệp sau đó.
Từ 2009 đến 2015, West nhiều lần xin lỗi. Hai nghệ sĩ có khoảnh khắc làm lành trên một sân khấu. Nhưng đến năm 2016, West tung ca khúc Famous có đoạn rap: “Tôi và Taylor vẫn có thể làm tình, vì tôi đã giúp con khốn đó nổi tiếng”. Swift lên án ca từ này. Nhưng Kim Kardashian, vợ West, lại tiết lộ nữ ca sĩ nói dối khi từng đồng thuận với ca từ đó.
Hình tượng Taylor Swift bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ việc. Xâu chuỗi với nhiều ứng xử khác của cô, dư luận kết luận cô “giả tạo”. Lời tuyên bố “Taylor Swift là một con rắn” cũng từng là xu hướng thịnh hành trên Twitter trong thời gian dài.
Những hàng tít nặng nề về nữ ca sĩ được Miss Americana tái hiện trên màn hình: “Taylor Swift đóng kịch là nạn nhân trong cả thập kỷ qua và tạo dựng sự nghiệp nhờ đó”, “Vì sao nước Mỹ quay lưng với Taylor Swift?”, “Taylor Swift là điều tồi tệ nhất từng xảy đến với nền âm nhạc Mỹ”…
Nhắc lại điều này, nữ ca sĩ cất giọng nghẹn ngào khi tâm sự với bố mẹ: “Cả cuộc đời con xoay quanh điều đó. Tất cả chúng ta đều tự ti. Chúng ta sống vì những tiếng vỗ tay, sống để được người khác yêu thích. Con sống như vậy suốt 15 năm qua, con đã quá mệt mỏi rồi”. Cô quyết định “biến mất” một năm để hàn gắn lại tinh thần.
Tâm hồn cô gái Mỹ tuổi 30
Với những chia sẻ chân thực như vậy, Miss Americana không chỉ là một phim tài liệu quảng bá bản thân cho một ngôi sao. Bộ phim ngồn ngộn chất liệu và đầy ắp những tuyên ngôn, thông điệp đanh thép về cuộc sống của một phụ nữ trẻ người Mỹ mà Taylor Swift là đại diện điển hình.
Năm 2018, trong một lần tâm sự với người cộng sự, Taylor Swift nói về bản thân: “Tôi sắp 29 tuổi. Có một phần trong tôi đã 57 tuổi, nhưng cũng có phần chưa hề sẵn sàng có con, chưa hề sẵn sàng trưởng thành”.
Đó là lý do những sáng tác của cô luôn phản chiếu tâm hồn của những phụ nữ trẻ Mỹ và ở các châu lục khác nữa: họ là sự trộn lẫn của trẻ thơ và trưởng thành, của mong manh và cứng cỏi. Taylor Swift lồng giai điệu vào mọi ý nghĩ nhỏ nhặt trong tâm trí mình và biến chúng thành những lời ca đầy hoài niệm, văn chương.
“Hồi đó tôi 16 tuổi, bị lạc trong một cảnh phim. Những nữ hoàng vẫy tay chào. Ban nhạc diễu hành. Tôi lạc lối trong ánh đèn. Vinh quang nước Mỹ mờ dần trong ánh mắt” là ca từ Miss Americana & The Heartbreak Prince, bài hát truyền cảm hứng cho bộ phim tài liệu này.
Miss Americana do Lana Wilson, nhà làm phim đoạt giải Emmy, đạo diễn. Phim được giới phê bình đánh giá cao khi mở màn Liên hoan phim Sundance 2020 và là phim tài liệu về nghệ sĩ của Netflix được điểm cao nhất trên IMDB (7,9 điểm).
Số điểm trên Rotten Tomatoes cũng rất cao: 90% điểm giới phê bình và 96% điểm khán giả.
Một số hình ảnh trong Miss Americana: