Nắng thu Hà Giang “ỷ” mình có màu vàng óng ả mà trở nên đỏng đảnh, hết chọc ghẹo đám hoa dại lại nheo mắt đùa quanh mớ ngô treo trên nhà sàn. Nắng nghiêng nghiêng trên đường quanh co, rồi buông mình trên ruộng bậc thang, thầm thì với cọng lúa vàng ươm. Lũ trẻ chân trần chơi trốn tìm, nấp mình dưới những cây hoa dại ven đường chỉ cao đến vai chúng…
Gần 5 giờ rưỡi sáng, tiếng gà xôn xao trong vườn khiến tôi tỉnh giấc. Bên ngoài trời vẫn nhá nhem, đất trời phủ một màn sương dày. Bọn gà vẫn thi nhau gáy, tiếng con nọ xọ tiếng con kia như đang cố gây chú ý trước một em gà mái xinh đẹp nào đó. Sau một lúc, tiếng gà im bặc, để lại sự tĩnh mịch vốn có nơi phố núi Hà Giang. Cọ Home nơi tôi trú chân là một nếp nhà sàn truyền thống xinh xắn của đồng bào Tày với mái lợp lá cọ dày mát rượi, nhìn ra xa là núi Cấm ở thành phố Hà Giang.
“Đi Hà Giang thời điểm này mà không đến Hoàng Su Phì thì thật tiếc, màu lúa rực rỡ nhất là vào tháng 9 đấy ạ”. Theo lời cô bé phục vụ người Mông, tôi chia tay Cọ Home để tiếp tục “chinh chiến” đến Hoàng Su Phì, một huyện miền núi của tỉnh Hà Giang nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Nơi đây đón tôi bằng những thửa ruộng bậc thang xếp khéo lên nhau như tranh vẽ mở ra một khung cảnh đẹp tuyệt. Mấy em bé người Mông đang chăn trâu, nụ cười hồn nhiên và trong trẻo.
- Xem thêm: Lộng lẫy bức tranh mùa vàng Hoàng Su Phì
Người Mông có khá nhiều nét văn hóa đặc trưng và thú vị như hoa văn thêu tay, trang phục truyền thống, các lễ hội trong làng: gầu tào, cúng cơm mới và đặc biệt là tục “kéo vợ”. Tục này thường diễn ra vào dịp Tết, nên tôi không tận mắt chứng kiến. Chỉ nghe kể rằng “kéo vợ” là một tục lệ từ lâu của người Mông, khi hai người yêu nhau thì người chàng trai phải làm thủ tục “kéo tay” người con gái về nhà để nên duyên vợ chồng. Đôi khi, chàng trai Mông cũng có thể “kéo tay” một người con gái xa lạ mà anh yêu thích, nhưng cô gái có thể phản kháng rất mãnh liệt nếu cô ấy không thích.
Khi đi qua Nậm Ty, Nậm Dịch, Tả Sứ Choóng rồi lên bản Phùng, đây là những địa danh nổi tiếng với những thửa ruộng như nấc thang lên thiên thiên đường. Bản Phùng được xem là điểm cao nhất và có thể ngắm ruộng bậc thang mãn nhãn nhất với những thửa ruộng được gieo cấy gối nhau như những mảng màu chuyển gam trên pallet người họa sỹ. Tôi may mắn được hướng dẫn nghỉ lại nhà một người La Chí ở bản Phùng. Một số người La Chí đã cải tạo phần nhà ở của mình để làm chỗ lưu trú cho du khách, khách quen thường giới thiệu cho nhau trên các group hay diễn đàn du lịch. Du khách chỉ mất khoảng 300 ngàn đồng/người để vừa nghỉ đêm vừa ăn tối ở đây.
Người dân tộc La Chí có nhiều nét đặc trưng rất thú vị, trang phục của họ rất đơn giản hoàn toàn màu đen, chỉ có áo yếm của phụ nữ là thuê các đường nét rất tinh tế và sắc sảo. Phụ nữ La Chí uống rượu rất giỏi, họ uống bằng bát, không thua kém gì đàn ông cả. Sáng hôm sau, tôi đi xem cây đa 300 tuổi ở bản Phùng rồi lượn qua Xín Mần đi chợ phiên.
- Xem thêm: Những cung đường vui
Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần người ta lại họp chợ và buôn bán những món đồ thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Chợ phiên ở đây người ta chủ yếu bán đồ thổ cẩm, dao rựa (đồ rèn) và trâu bò… Người bán ở đây thường không nói tiếng Kinh nhưng rất thân thiện và mến khách nên du khách có thể mua hàng chỉ bằng cách… chỉ tay.
Từ chợ Xín Mần lên Suôi Thầu chỉ chưa đầy 10km nhưng ở đây là một khung cảnh thảo nguyên bình yên đến lạ lùng. Ta có cảm giác đang ở đâu đó miền tây nước Mỹ phía bên kia quả địa cầu chứ không phải miền Tây Hà Giang nữa. Dăm ba con bò nhởn nhơ gặm cỏ, phía xa xa là mây núi vờn nhau như yêu thương cả ngàn năm vẫn chưa hết ngượng ngùng.
Nếu có thời gian và sức khỏe bạn có thể trải nghiệm trekking chinh phục 2 đỉnh núi là Chiêu Lầu Thi và Tây Côn Lĩnh cao gần 2.500m và đón bình minh trên đỉnh núi. Bạn có thể nhờ chủ homestay tìm cho mình một người hướng dẫn bản địa để dẫn bạn đi leo núi, chi phí khoảng 600 ngàn một ngày cho một người hướng dẫn. Họ không những thông thạo địa hình mà còn am hiểu văn hóa bản địa và giới thiệu cho bạn nhiều nét đặc sắc của vùng cao. Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, nổi tiếng với loại chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Sau khi vượt qua cổng trời Hoàng Su Phì, bạn sẽ thấy nhiều cây chè cổ thụ cao quá đầu người. Chiêu Lầu Thi có nghĩa là “Chín tầng thang”, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh nằm trên cánh cung Tây Bắc, với những cánh rừng già nguyên sinh với một quần thể thực vật đa dạng, trong đó có nhiều loài cây quý hiếm như cây Tống Quán Sủ, cây kim tuyến… Khi bình minh vừa lên, ánh nắng mặt trời len lỏi như rót mật trên từng vạt núi, thì “Chín tầng thang” như một bức tranh thủy mặc, vẽ núi non trùng điệp ẩn hiện trong tầng mây bềnh bồng.
Nhưng có lẽ, Hoàng Su Phì làm du khách say lòng nhất vẫn là những con đèo xiên nắng chiều, du khách phóng tầm mắt xa hơn chiêm ngưỡng những thung lũng ruộng bậc thang bạt ngàn trong sắc vàng óng của một mùa bội thu. Ở đó, lũ trẻ chân trần chạy nhảy, ánh mắt trong veo và tiếng cười rộn cả núi rừng…