Cô bạn rủ “Đi Tây Bắc chơi đi, lúc này còn mùa xuân cảnh sắc đẹp lắm”. Ừ thì đi! Mấy ngày Tết luẩn quẩn trong nhà lo cúng bái, thù tạc cũng sắp cuồng chân rồi.
Vậy là đăng kí tua du lịch rồi vác ba lô lên thành phố, ba giờ khuya lên Tân Sơn Nhất bay ra Hà Nội. Hướng dẫn viên cùng tài xế đón ở sân bay Nội Bài, cười tươi rói.
Hóa ra đoàn đi đến 25 người nhưng mình và mấy bạn là khách VIP (có thẻ bạc) do đi nhiều chuyến trước đây nên được ưu ái xếp 8 người vào xe 16 chỗ, mấy khách còn lại đi xe lớn 35 chỗ bên kia.
Đi đường đèo dốc của vùng này mà được đi xe nhỏ là sướng tuyệt rồi! Bởi trên tuyến đường đi qua đến 3 trong “Tứ đại đèo” (Đèo Khau Phạ, Ô Quy Hồ, Pha Đin) của vùng Đông Tây Bắc này, xe nhỏ gọn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
- Xem thêm: Một chuyến đi
Vừa bước vào cung đường, cảnh sắc đã phong phú, đẹp đẽ cực kì. Qua khỏi Phú Thọ, nhìn ra phía trước, sự uốn lượn của cung đường lên Tây Bắc như hút mắt khách trên xe.
Đồi núi chập chùng, lũng cao lũng thấp, xa xa trên đồi hình ảnh những bậc thang thẳng tấp, lốm đốm những cây hoa ban điểm xuyết chút màu trắng tinh trên nền xanh chung…
Với kẻ lần đầu đến với Tây Băc như tôi, đúng là mọi thứ đều mới mẻ, thú vị. Nhắm mắt lại, từng cung đường vừa đi qua cứ ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo ngút mắt với bao sắc màu, bao cảm xúc tràn đầy. Lắng lòng lại, chỉ nhớ về những ấn tượng sâu lắng đã khắc sâu vào kí ức mà thôi.
Trước hết là đêm giao lưu với dân tộc Thái ở một bản của Nghĩa Lộ. Những món thịt nướng đặc sản, rượu táo Mèo rót đầy chung, mấy cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng trong bài ca điệu vũ.
Bàn ăn ngồi bệch trên đất cùng mấy bạn đồng hành mới quen hai ngày mà sao thân thiết như gia đình… Tiếng cười vui vang vang một góc núi, làm sao quên!
Tiếp đến là Mù Cang Chải, nơi được vinh danh bởi những thửa ruộng bậc thang tuyệt vời. Đứng trên cao nhìn xuống, từng thửa, từng thửa ruộng bậc thang vẫn hiện rõ tầng tầng lớp lớp, chỉ tiếc chưa đến mùa lúa chín vàng cho các tay săn ảnh khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ trung niên người dân tộc đang ngồi trên căn nhà treo đầu đầy sản phẩm bằng thổ cẩm đạp từng vòng máy may như điểm xuyết một nét vẽ sinh động vào bức tranh của huyện Mù Cang Chải với lời “Hẹn gặp lại” này.
- Xem thêm: Ai về Hóa Châu xưa
Niềm vui trên đường không dứt khi cả đoàn ghé vào Tú Lệ, nơi nổi tiếng với nếp xôi ngon. Một dĩa xôi nóng hổi mang ra kèm một chén muối mè nhỏ. Ai cũng vắt một nắm xôi chấm muối mè gật gù khen ngon rồi tú ra sau mua nếp mang về.
Một bạn trong đoàn nói nhà mình có gấc, về nấu xôi gấc là ngon cực kì! Ừ, mới nghe đã thấy ngon rồi nha!
Ấn tượng nhất là đi qua Ô Quy Hồ! Cái tên này xưa giờ mình nghe hoài, lại rất thích âm hưởng của nó giờ mới được “Sở thị”. Đúng là cực kì hùng tráng nghe.
Chẳng uổng danh là “Cổng trời Lai Châu”, dù có một cầu thang cao vút bắc lên trên núi trên 2000m nhưng chiều nay, gió thổi dữ dội không ai dám leo lên hết. Đứng ở dưới chụp hình mà gió còn thổi bay áo, tốc váy luôn, ghê thiệt!
Đường về Thác Bạc vào Sapa cũng rất vui. Xe chỉ ghé vào Thác Bạc tham quan một chút nhưng mấy vị khách đã đi rồi chỉ ngồi ngoài quán uống cà phê, ăn thịt nướng, tiện thể ngắm khu chợ nhóm của đồng bào dân tộc bên kia đường.
Chợ bán đủ cả, từ hàng thổ cẩm đến đồ bếp như dao, dĩa, muỗng, nỉa và các loại thịt cá, rau củ. Đứng ngoài nhìn vô đủ thứ sắc màu, tươi tắn, vui nhộn..
Dĩ nhiên trên những cung đường Tây Bắc cũng có lúc lòng man mác ngậm ngùi. Đó là khi chúng tôi đi vào thị trấn Chăm Nưa của Lai Châu đến cầu Hang Tôm. Hình như đây là nơi mà hướng dẫn viên tua bao giờ cũng ghé lại cho khách tham quan, chụp hình.
Cây cầu có chiều dài trên 362m, chiều rộng 9m, dưới cầu một hồ nước mênh mông, êm ả, xanh trong, thấp thoáng có chiếc xuồng câu nhỏ trôi êm trên mặt nước.
Có ai còn nhớ dưới hồ này còn cả một “thị trấn chìm”, thị trấn Mường Lay trước đây đã bị nhấn chìm cho thủy điện đi qua và người dân Mường Lay đang được tái định cư bên kia với bao nội mất mát, bơ vơ… Hiện nay cầu Hang Tôm được xem là ranh giới giữa Lai Châu và Điện Biên.
Khi qua đèo Pha Đin cứ hồi họp bởi nghe đây là đèo hiểm trơ nhưng với đường đi tốt như hiện nay qua đèo cũng rất nhẹ nhàng, chỉ có chút cảm giác lâng lâng khi đường dưới cột di tích đèo Pha Din chụp hình lưu niệm.
- Xem thêm: Mướt xanh làng bưởi Tân Triều
Ôi những cung đường Tây Bắc với hoa ban trắng, hoa gạo đỏ bung cánh rực rỡ trên khắp núi đồi và dọc đường đi, những gốc đào ven đường mới qua mùa xuân vẫn còn rải rác hồng thắm trên cành níu bước chân khách đi đường.
Mà đâu chỉ cảnh vật níu chân người! Nắm níu lòng chúng tôi còn là những quán bên đường. Cứ đi khỏng hai tiếng, bác tài rất quen với cung đường thường đổ lại một quán ven đường cho khách nghỉ chân, vệ sinh.
Thường là quán nhỏ, bày bán vài thứ bánh kẹo lặt vặt, khách không cần phải mua thứ gì chủ cũng mang ra một bình trà nóng, mấy cái tách nhỏ. Trà Bắc pha đậm, rất ngon, uống vào tĩnh cả người.
Tôi cảm nhận được trên mọi con đường vùng này, mọi quán vn đường đều nồng ấm, thơm ngát hương trà để lòng ta cứ khắc sâu như vậy. Chưa kể có nơi vị chủ quán từng trải còn kể cho chúng tôi nghe từng mẩu chuyện vui cười hoài không dứt… Đúng là vui trên đường, vui miên man, tràn đầy!
Hơn tháng rồi xa Tây Bắc, xa những cung đường đẹp đẽ, những quác xá ấm tình người… Mở ra những khuôn hình, niềm vui, nỗi nhớ lại dâng trào… Tây Bắc, cảnh sắc, con người, mong có ngày tái ngộ!