New York đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Lá cây trong Công viên Trung tâm (Central Park) đã chuyển sang sắc vàng rực – tựa như màu vàng của lợi nhuận sẽ thu được từ các tác phẩm mỹ thuật sắp đưa ra các sàn đấu giá của nhà Christie’s và Sotheby’s ở New York, mà doanh số được ước tính sẽ lên đến 2 tỉ USD.
Từ ngày 4 đến ngày 12-11, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới sẽ làm một cuộc đối đầu ngoạn mục khi đưa lên sàn hàng trăm tác phẩm hội họa và điêu khắc quý hiếm thuộc các thời kỳ Ấn tượng, hiện đại, hậu Thế chiến II và đương đại. Cách đây sáu tháng, các cuộc đấu giá mùa xuân tại Christie’s và Sotheby’s đã phá hàng loạt kỷ lục về doanh số khi đạt mức 2,6 tỉ USD! Trước yêu cầu cao về tác phẩm mỹ thuật của các nhà sưu tập đến từ châu Á và vùng Vịnh, trong mười ngày đấu giá diễn ra hồi tháng 5-2015 đã có một kỷ lục được lập: đó là bức Các cô nàng ở Alger (bản “O”) được bán với giá 179,4 triệu USD – cao nhất từ trước tới nay đối với một bức tranh được đưa ra đấu giá(*).
Ông Michael Macaulay, phụ trách sàn đấu giá buổi chiều các tác phẩm đương đại của nhà Sotheby’s cho biết: “Chưa bao giờ trên thị trường tác phẩm mỹ thuật người mua lại đa dạng như vậy. Mười năm trước, tranh biểu hiện trừu tượng của các họa sĩ Mỹ hầu như chắc chắn sẽ được các nhà sưu tập người Mỹ mua, song nay theo tôi nghĩ chuyện ấy không bao giờ còn như trước nữa: tác phẩm loại đó có thể đến với bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Nhà Sotheby’s sẽ mở đầu những ngày đấu giá mùa thu 2015 với bộ sưu tập của cố tỉ phú Adolph Alfred Taubman (1924-2015) cũng là một nhà sưu tập có máu mặt ở nước Mỹ. Tuy nhiên, đối thủ của họ là nhà Christie’s mới tạo được sự chú ý đặc biệt khi đưa ra đấu giá hai tác phẩm được trông đợi từ lâu.
Thứ nhất là bức tranh khỏa thân thật gợi cảm của họa sĩ người Ý Amedeo Modigliani có tựa Khỏa thân nằm dựa, vẽ một phụ nữ nằm trên ghế trường kỷ màu đỏ quyến rũ, lưng dựa trên chiếc gối xanh dương. Được Modigliani sáng tác trong hai năm 1917-1918, tác phẩm này đã gây sốc khi lần đầu tiên được triển lãm tại Paris và đây cũng là lần đầu tiên tranh được đưa ra đấu giá. Nhà Christie’s hy vọng nó sẽ đạt mức trên 100 triệu USD để trở thành bức tranh có giá cao nhất mùa thu này. Kế đó là bức Nữ y tá, một tác phẩm pop-art của họa sĩ người Mỹ Roy Lichtenstein, vẽ một nàng y tá tóc vàng với đôi môi đỏ khêu gợi được trông đợi sẽ đem về hơn 100 triệu USD cho chủ nhân của nó, người đã mua bức tranh với giá 1,65 triệu USD vào năm 1995. Nếu đạt mức giá đó thì nó gần gấp đôi kỷ lục giá tranh trước đây của Roy Lichtenstein khi bức Tôi có thể thấy trọn căn phòng! được bán với giá hơn 43 triệu USD tại nhà Sotheby’s ở New York vào tháng 11-2011.
Một nhà sưu tập người Mỹ khác là ông Bill Koch được tin là sẽ “trúng” lớn vào mùa thu này khi bức tranh được Picasso vẽ hai mặt có tên là Cô ả lố lăng được đưa ra đấu giá. Tỉ phú Bill Koch, người gây quỹ tranh cử cho đảng Cộng hòa mua bức tranh này với giá 3 triệu USD vào năm 1984 nhưng ông không ngờ mình mua một mà được hai. Năm 2000, ông mới phát hiện ở mặt sau bức tranh Picasso còn vẽ giễu nhại chân dung một nhà buôn tranh lúc bấy giờ (ông vẽ bức Cô ả lố lăng năm 1901 lúc mới 19 tuổi khi đang đau buồn vì một người bạn thân tự tử). Bức tranh ở mặt sau đã bị giấu kín hơn một thế kỷ và nhà Sotheby’s tin rằng tác phẩm “2 trong 1” hy hữu này sẽ đạt mức giá khoảng 60 triệu USD. Chưa hết, tỉ phú Koch còn đưa ra đấu giá một bức vẽ hồ hoa súng của Claude Monet mà theo ước tính có thể mang lại cho ông 30-50 triệu USD. Trong tác phẩm có tựa Phong cảnh dưới trời bão tố được Vincent van Gogh vẽ năm 1989, một năm trước ngày ông qua đời, họa sĩ thiên tài thể hiện cảnh đồng lúa mì ở Arles dưới bầu trời cuồn cuộn mây bão. Bức tranh này được nhà Sotheby’s đưa ra đấu giá ngày 5-11 và trông đợi sẽ thu về khoảng 50-70 triệu USD. Các nhà sưu tập đến với sàn đấu giá của Sotheby’s mùa này còn nhăm nhe bức chân dung Picasso vẽ nàng Dora Maar, người tình của họa sĩ. Từng thuộc sở hữu của nhà thiết kế thời trang danh tiếng người Ý Gianni Versace, người bị sát hại vào năm 2012 bởi một tên giết người hàng loạt, bức tranh có thể đạt mức giá 25-35 triệu USD nhưước tính.
Ở lĩnh vực tranh đương đại, nhà Sotheby’s còn đặt trọng tâm vào một tác phẩm của họa sĩ Mỹ Cy Twombly, nằm trong xê-ri Bảng đen được ông vẽ năm 1968. Bà Audrey Irmas, một nhà sưu tập đồng thời là nhà hảo tâm người Mỹ đã sở hữu bức Bảng đen này từ năm 1990 và nay đưa ra bán để sẽ dùng 30 triệu USD từ tiền bán tranh – có thể đạt kỷ lục 60 triệu USD – xây dựng một trung tâm tổ chức sự kiện cho người Do Thái giáo trên đường Wilshire ở Los Angleles với bản thiết kế do công ty thiết kế của kiến trúc sư lừng danh Rem Koolhaas thực hiện. Cũng ở mảng tác phẩm đương đại còn có một bức chân dung Mao Trạch Đông do Andy Warhol vẽ mà nhà Sotheby’s hy vọng sẽ bán được với giá hơn 40 triệu USD.
Trở lại với nhà Christie’s, trong mùa đấu giá này sẽ có bức chân dung vẽ ông Andrew Parker Bowles, chồng trước của nữ công tước xứ Cornwall – tước hiệu của bà Camilla Bowles khi trở thành vợ thái tử Charles của nước Anh. Trước đó, thái tử Charles và công nương Diana đã ly dị vào năm 1996 và một năm sau thì Diana qua đời sau một tai nạn xe hơi ở Paris. Bức chân dung Andrew Parker Bowles trong quân phục một vị tướng nước Anh được họa sĩ Lucian Freud vẽ khoảng năm 2003-2004 hy vọng sẽ bán được với giá 30 triệu USD.
Trong lĩnh vực điêu khắc, nhà Chritie’s đưa ra đấu giá một tác phẩm cỡ lớn của Louise Bourgeois: bức tượng con nhện cái khổng lồ với cái bụng chứa 26 quả trứng bằng đá cẩm thạch và các chân bằng đồng. Nữ nghệ sĩ tài năng mang hai dòng máu Pháp – Mỹ đã làm nhiều bản tác phẩm này, sáu trong số đó đang được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên thế giới. Tác phẩm này được cho là sẽ đạt mức giá 25-35 triệu USD và sẽ là kỷ lục về giá tác phẩm của một nữ nghệ sĩ.
(*) Bức Khi nào em lấy chồng của Paul Gauguin là tác phẩm đắt nhất thế giới khi được bán với giá 300 triệu USD, kế đó là bức Những người đánh bài của Paul Cézanne được bán với giá 250 triệu USD, nhưng cả hai đều không thông qua đấu giá
- Đông Hà