Những ngày này, mùa nước nổi đang về ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Long An…, đem đến niềm vui cho nhiều người dân sống nhờ nguồn lợi thủy sản dồi dào do nước lũ mang đến, trong số đó phải kể đến rắn. Các loại rắn phần lớn là không độc, cũng không thuộc động vật quý hiếm như rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn trun… sinh sôi nẩy nở tràn lan vào mùa nước nổi, được bà con đánh bắt làm thực phẩm. Ngoài ra, còn có một lượng không nhỏ rắn được đưa từ Campuchia qua bán tại các chợ của người Việt ở vùng biên giới hai nước.
Người dân miền sông nước thường bắt và dùng làm nguyên liệu chế biến các món ngon từ rắn vừa ngon miệng lại “nên thuốc” như các món phổ biến sau đây:
Rắn hầm sả
Để làm món ăn này, phải chọn rắn lớn cỡ ngón chân cái đến cườm tay mà ngon nhất hạng là rắn ri voi, con nào con nấy mập tròn, nhiều thịt, đem hầm sả hay hầm măng tươi vừa ngon lại bổ. Rắn làm sạch, để ráo rồi chặt thành những khúc vừa ăn, cỡ non lóng tay. Củ cải trắng gọt bỏ vỏ, cắt khúc, có thể chẻ hai, chẻ ba. Vài tép sả hái ngoài vườn, đập dập gốc, lá quấn lại. Bắc nồi nước lên bếp, cho sả và củ cải trắng vào nấu sôi thì thả rắn vào hầm. Trước khi nhắc khỏi bếp vài ba phút thì nêm nếm vừa ăn. Khi ăn, người dân vùng quê thường hay nhúng thêm chột năn non.
- Xem thêm: Vọp cù lao Dung
Rắn xào sả ớt
Món rắn xào sả ớt chuộng những con rắn nhỏ, thịt mềm mới ngon. Rắn làm sạch cắt khúc nhỏ. Sả, ớt bằm thật nhuyễn. Ướp rắn cùng với nước mắm ngon, bột ngọt, tiêu xay. Bắc chảo lên bếp phi mỡ hành cho thơm rồi trút rắn vào xào. Để món ăn có thêm vị ngọt, có thể thêm chút nước dừa xiêm. Khi nước gần cạn, nêm lại cho vừa ăn rồi trút sả, ớt đã chuẩn bị vô đảo đều, canh nhỏ lửa. Sả vàng, ớt thấm thì nhắc xuống múc ra dĩa. Ngoài ra, rắn còn được xào rau ngổ, xào lá cách, xào sa tế… mỗi thứ có một hương vị đặc trưng.
Rắn xào sả ớt nấu nướng đơn giản vậy mà cơm hết nồi, rượu hết chai hồi nào không hay!
- Xem thêm: Độc, lạ với đặc sản sỏi mầm Hậu Giang
Rắn chiên nước mắm
Món ăn này không kén loại rắn. Rắn làm sạch, để ráo rồi cắt khúc cỡ hai lóng tay, đem ướp với nước mắm ngon một lúc cho thấm rồi bắc chảo mỡ (hoặc dầu) lên bếp. Lượng mỡ hay dầu phải ngập số rắn định chiên. Khi chảo mỡ sôi mới thả rắn vào chiên đến khi chín vàng, giòn rồi gắp ra để ráo. Xếp rắn chiên ra dĩa, khi ăn chấm nước mắm pha chanh, ớt, tỏi và ăn kèm với những thứ rau rừng hái quanh vườn nhà.
Rắn trun nướng lá nhàu, làm dồi rắn
Rắn trun (thuộc họ Rắn nước) làm món gì ăn cũng nên thuốc. Nhưng đã nhất vẫn là nướng với lá nhàu. Sơ chế rắn trun phải biết cách. Làm sạch, để ráo nước rồi dùng chai thủy tinh dần mạnh, xương rắn sẽ nhừ hết, sau đó dùng dao bén bằm cho xương thịt đều nhuyễn nhừ. Khi bằm nêm luôn ít tiêu xay, hành lá, muối hột, bột ngọt… Thịt rắn quết nhuyễn thành khối để trong tô cho thấm gia vị. Hái lá nhàu trong vườn, chọn lá vừa ăn rửa sạch để gói thịt rắn bằm. Xong xếp lên vỉ và nướng bếp than. Khi lá nhàu sạm màu, khô lại, thịt rắn gói bên trong tươm nước, chín dần.
Rắn trun nướng lá nhàu chấm nước tương dầm ớt hoặc nước mắm chua cay. Bà con tin rằng thịt rắn trun gói lá nhàu nướng vừa ngon miệng lại có tác dụng chữa đau lưng, còn giúp tăng cường sinh lực cho quý ông.
Còn một món ngon thú vị nữa với rắn trun là làm dồi rắn nhưng khá tốn công. Rắn làm sạch, phải khéo léo dùng dao bén tách phần da ra khỏi thịt xương sao cho bộ da còn nguyên vẹn. Thịt, xương rắn lóc ra bằm thật nhuyễn, có thể thêm ít nấm mèo, thịt ba rọi, nêm các loại gia vị muối, bột ngọt, tiêu, hành… rồi dồn tất cả vào bộ da rắn. Dùng chỉ buộc phần đầu lại, đem luộc dồi rắn với nước dừa xiêm. Khi nước sôi, lấy tăm tre xăm vào những khúc dồi đang luộc cho hơi thoát ra ngoài, nếu không dồi rắn sẽ bể, món ăn sẽ mất ngon.
Dồi rắn luộc chín chưa là thành phẩm cuối cùng mà phải xếp lên vỉ nướng trên bếp than hồng cho khúc dồi vàng, thơm lừng. Xắt dồi thành từng miếng, ăn kèm với rau sống hái trong vườn nhà. Khó có món ăn dân dã nào so sánh được với món dồi rắn “bá chấy” này.
- Xem thêm: Ăn cá bống sao ở xứ cù lao
Cháo rắn hổ hành
Rắn hổ hành (thuộc họ Rắn mống), con trưởng thành có thể dài tới 1,3m; gọi là rắn hổ nhưng đây là rắn không độc, không cắn người, ban ngày rất chậm chạp, chỉ hoạt động kiếm mồi vào ban đêm. Giống như nhiều loài rắn khác, hổ hành bắt ếch, nhái, chuột để ăn, gặp nó tay không cũng bắt được.
Nấu món cháo rắn hổ hành tốn nhiều công sức. Rắn được sơ chế bằng cách đem hơ lửa cho cháy sém bên ngoài da hoặc trụng nước sôi rồi cạo bỏ lớp vảy, nhưng không được lột da. Mổ bụng rắn theo chiều dọc suốt từ đầu xuống đến chót đuôi, lấy gan, mỡ, nếu có trứng thì lấy trứng để riêng. Không xắt khúc mà để nguyên con, khoanh lại, bỏ vô nồi nước bắc lên bếp nấu. Nước sôi hớt sạch bọt, trút gạo và đậu xanh đã vo sạch vô nấu tiếp cho đến khi cháo nhừ, thịt rắn mềm. Món rau ăn kèm đúng điệu là thân chuối non xắt ghém, có thể thêm củ cải trắng bóp sơ qua nước muối, vắt khô rồi trộn gỏi. Rắn được vớt ra cắt khúc rồi xé phay, trộn với gỏi đã chuẩn bị, thêm ít lá quế, ớt xắt lát lên. Phần xương rắn đem chiên cho thật giòn. Rắn xé phay chan nước mắm pha chua ngọt, thêm hành tím xắt lát cho nồng nàn.
Bỏ thêm nấm rơm, hành, nêm gia vị vừa ăn vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Khi ăn múc cháo ra tô, rắc ngò rí, hành lá xắt nhỏ, gừng xắt chỉ, tiêu xay hay ớt bằm. Có người còn chan thêm nước cốt dừa cho béo. Cháo rắn hổ hành nhiều vị ngọt ngào, thơm phức, mà phải ăn thật nóng và đậm vị cay mới ngon, cháo nguội sẽ có mùi tanh. Thịt rắn xé phay trộn gỏi vừa ngọt vừa mềm, thêm da rắn dai sần sật, xương rắn chiên giòn nhai rôm rốp…, thật là một thứ đặc sản ngon thấu trời!