Mùa lũ, xứ sở của người Rục – một trong mười tộc người bí ẩn nhất thế giới – ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) bị cô lập. Trong cái dữ dằn của thiên tai vẫn tiềm ẩn vẻ đẹp, và vì thế, xứ sở này mở ra một lời mời khám phá hấp dẫn.
Một vùng rừng rộng lớn bên dưới những ngọn núi đá vôi bao gồm cả con đường độc đạo dẫn vào xứ sở này bị nước lũ dâng ngập suốt gần một tháng.
Bơi trên những tán cây
Nguyễn Viết Tuấn, một kiến trúc sư đang làm việc tại TP.HCM, và các bạn bè anh đọc được ít nhiều thông tin về cộng đồng người Rục ở Quảng Bình. Lúc mùa lũ bắt đầu, Tuấn biết tin xứ sở của người Rục đang bị nước dâng gây ngập đường và bị chia cắt dài ngày.
Anh ngắm những bức ảnh đẹp mê hồn về vùng ngập nước ấy, và cùng các bạn lên đường ngay sau khi đợt mưa bão tạm ngưng. “Mình từng đến Quảng Bình trước đây vào mùa hạ với nắng, gió và nước biển trong xanh. Nay muốn thử xem Quảng Bình vào mùa mưa lũ khác như thế nào”, Tuấn nói.
Nhóm của Tuấn được sắp xếp để đi vào vùng đất của người Rục mùa nước lũ trọn vẹn trong một ngày, với lời dặn “nhớ mang theo đồ bơi”. Nhưng không ai trong số họ hình dung được mình sẽ bơi trong một không gian như thế.
- Xem thêm: Rưng rưng mùa lũ quê nhà…
Nước lũ dâng, Hung Trâu, thung lũng lọt thỏm giữa những ngọn núi đá vôi bị ngập sâu gần chục mét. “Nước lũ ở đây có màu xanh ngọc, đứng từ trên ngọn núi đá vôi nhìn xuống, cả vùng ngập lũ như một bức tranh thủy mặc tĩnh lặng và đẹp mê hồn”, Tuấn tả lại.
Cả nhóm mặc đồ bơi và xuống nước. Vùng Hung Trâu, nơi bình thường vẫn phủ một màu xanh ngắt của rừng già, nay như một bể bơi tự nhiên khổng lồ. Những tán cây bị ngập đến ngọn, họ bơi thỏa thích ngay trên những tán cây.
Sau hơn một tiếng đồng hồ vùng vẫy dưới làn nước, là hành trình chèo thuyền kayak trên vùng ngập mênh mông. Lướt êm trên mặt nước tĩnh lặng, họ được ngắm nhìn cảnh trí đẹp như tranh trải rộng bốn phía.
Gần trưa, họ tiến sát vào nơi người Rục sinh sống. Những mùa lũ trước, khi Hung Trâu ngập, mấy bản của người Rục bên trong bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài gần cả tháng. Chỉ có những chiếc canô của bộ đội biên phòng mới vào được đây.
Dưới làn nước lũ trong vắt, họ nhìn thấy con đường bêtông đổ từ trên núi xuống dẫn vào bản hiện lên mờ ảo và bơi theo con đường. Một vài người lặn xuống, đi bộ trên con đường này, tận hưởng cảm giác kỳ thú lần đầu tiên biết đến trong đời.
Thử cuộc sống của người Rục trong hang đá
Sau nửa ngày nếm trải những cảm xúc tuyệt vời trong làn nước xanh ngọc ở Hung Trâu, họ tiến vào bản Ón, một bản làng của tộc người Rục.
Già làng Đinh Viết Đoàn, 64 tuổi, là người dẫn đường cho họ – những người khách từ miền Nam tới đây lần đầu. Già Đoàn đưa cả nhóm vào một hang đá phía sau vách núi đá vôi dựng đứng ở cuối bản.
Đây chính là nơi 60 năm trước, một nhóm người Rục từng sinh sống và được bộ đội biên phòng tìm thấy, kết thúc một giai đoạn sống săn bắt hái lượm, đưa họ về định cư dưới thung lũng.
Trong hang đá cổ xưa này, cả nhóm của Tuấn được tận mắt biết thế nào là cuộc sống trong hang đá của người Rục năm xưa. Già Đoàn gom củi, nhóm một bếp lửa lớn ngay trước cửa hang, chỉ cho họ vị trí nhóm người tộc Rục hồi đó từng ngủ và sinh hoạt mỗi ngày.
Một bữa ăn đượm phần hoang dã của người Rục đã được già Đoàn chuẩn bị. Mớ củ mài vùi vào lớp than đỏ rực giữa đống lửa. Già Đoàn nói, cùng với cây đoác, củ mài là thức ăn chủ lực của cộng đồng người Rục trong những năm tháng sống trong hang đá.
- Xem thêm: Tiếng ai rao bánh trên sông
Bữa ăn còn có ốc lèn, một loại ốc sống trên vách núi đá vôi, vốn là thực phẩm gần gũi và gắn bó với đời sống của người Rục xưa. Trước cửa hang đá, lớp lá chuối rừng được trải ra, bữa ăn gồm củ mài, thân cây đoác và ốc lèn mang lại cho cả nhóm niềm vui bất ngờ.
Khi mặt trời sắp xuống núi, họ quay xuống, vào bản Ón. Đây là nơi cộng đồng người Rục được bộ đội đưa về định cư sau khi rời hang đá hơn 60 năm trước.
Cuộc sống của người Rục nay đã khác, họ làm nhà ở như người miền xuôi. Những đứa trẻ, thế hệ tương lai của người Rục, đã được đến trường. Chuyến đi của họ tới vùng đất này, vì thế, khép lại trong ngập tràn hi vọng.
Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Công ty TNHH Oxalis, nói ý tưởng của ông về một cuộc trải nghiệm mùa lũ ở xứ sở người Rục xuất hiện khi những bức ảnh đẹp như tranh về vùng ngập này xuất hiện trên mạng xã hội một năm trước
. Bởi đây là một thung lũng, nên Hung Trâu sẽ bị ngập lũ trong khoảng một tháng, vừa đủ để tạo ra một hành trình thú vị và hấp dẫn cho du khách.
Ông Á về nói chuyện với người dân và chính quyền địa phương, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ họ. Cộng đồng người Rục lâu nay cũng rất muốn phát triển du lịch vì họ cần có việc làm ổn định hơn, thay cho nương rẫy và nguồn hỗ trợ từ chính quyền.
“Trước mắt chúng tôi thử nghiệm trong một tháng ngập nước để huy động nguồn tiền tour xây dựng 3 trạm cấp nước sạch cho 3 bản Ón, Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp, vì mùa hè dân bản không có nước. Sau này, chúng tôi muốn phát triển du lịch ở đây để tạo thêm sản phẩm mới, và tạo công ăn việc làm cho đồng bào Rục”, ông Á nói.
Tham quan Hội An mùa lũ
Trong đợt mưa lũ miền Trung vừa qua, nhiều người bất ngờ khi thấy ghe thuyền của người dân chạy về phía đường Lê Lợi, Trần Phú, Bạch Đằng (Hội An, Quảng Nam) để chở khách. Khách Việt, khách nước ngoài sinh sống tại Hội An và Đà Nẵng đã thuê những chiếc ghe (đò) với giá 50.000 – 100.000 đồng/người để ngắm không gian phố cổ.
Những tuyến phố cổ kính, bị mưa lũ bủa vây bỗng đẹp một cách lạ lùng, khiến du khách thích thú. “Năm 2017 trận lũ lớn làm ngập sâu phố cổ, nhiều bạn tôi lên ghe đi chụp được ảnh những bức ảnh rất ấn tượng, nên dịp này khi biết Hội An có lũ, chúng tôi rủ nhau thuê ghe ngắm phố cổ”, một cô gái trẻ từ Đà Nẵng đến, giải thích.
Nhiều người dân ở phường An Hội, Minh An, Cẩm Kim…cho biết ban đầu bà con chỉ chèo ghe đi qua sông Hoài mua đồ đạc, chở người nhà về, nhưng họ được một số khách du lịch đề nghị thuê ghe bơi vào các tuyến phố tham quan.
Những người dân Hội An có ghe có thêm một công việc mới, chèo ghe đưa khách ra phố cổ trong nước lũ, kiếm thêm thu nhập. “Tôi chỉ chở tối đa 6-8 người mỗi chuyến, khách bắt buộc phải mặc áo phao. Ghe cũng chỉ được chèo loanh quanh mấy tuyến phố ngập không sâu, không đưa ra giữa sông hoặc nơi có nước xiết” – bà Nguyễn Thị Cả, người chèo ghe đưa khách tham quan, nói.
Người dân phố cổ từ lâu đã duy trì dịch vụ chèo ghe trên sông Hoài để khách chụp ảnh, ngắm phố cổ từ phía sông – một tour rất được khách du lịch yêu thích.
T.B.Dũng