Trong ba thập niên gần đây, MPK là cái tên “gã giang hồ” khá quen thuộc trong làng nhiếp ảnh, được nhiều người biết đến bởi một phong cách riêng “độc và lạ”. Đặc biệt với những ai yêu Đà Lạt đều dành cho anh tình cảm quý mến do biết anh là người cất giữ bằng hình ảnh một phần linh hồn vi tế nhất của miền đất mộng mơ này. Như một nghệ sĩ lang thang, có vẻ lập dị trong mắt nhiều người vì lớp bụi bặm, hầm hồ bên ngoài, MPK chẳng bận tâm điều ấy mà chỉ vui thú rong chơi cùng mây trời, cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên, vạn vật bằng một tình yêu hồn nhiên, bền bỉ, thủy chung nhất. Con người, nhiếp ảnh của MPK là thế: phóng túng, tự do, nhưng luôn yêu và trân quý cái đẹp như một báu vật của Trời.
Từ một gã tay ngang chuyên làm “thợ đụng” để kiếm sống, anh đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên để rồi gắn bó với nó thành nghiệp. Năm 27 tuổi, anh dành dụm mua máy ảnh, tự mày mò chụp chứ chẳng có học qua trường lớp nào. Người thầy lớn nhất của anh chính là đời sống. Ba mươi năm cầm máy, nếm trải mọi cung bậc cảm xúc vui, buồn, sướng, khổ nhưng chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ cuộc chơi nhiếp ảnh cả. Với anh, hành trình khám phá nghệ thuật nhiếp ảnh cũng là hành trình khám phá bản thân, luôn có nhiều bất ngờ, mới mẻ và thú vị khiến anh cứ mãi dấn thân theo đuổi. Nói về việc chụp ảnh, anh bày tỏ quan điểm: “Tôi chưa bao giờ muốn áp đặt ý tưởng nào của mình lên đời sống. Với mầm lá, với hạt sương… cũng thế. Tôi chỉ là người ghi dẫn lại chứ không bao giờ làm bất kỳ động tác nào áp đặt, mặc định nó để phục vụ cho mục đích của mình”. Thế nên từ tác phẩm đầu tay“Khát vọng” còn diễn ý, MPK đã cho thấy sự thay đổi khi chuyển sang phong cách thuần diễn hình trong suốt chặng đường sáng tác về sau.
“Khát vọng” với anh là một tác phẩm đặc biệt đánh dấu bước ngoặt anh đến với nhiếp ảnh nghệ thuật. Lúc đó anh còn là gã thợ đi chụp hình cho khách du lịch ở Thung lũng Tình yêu, vài giây ngơi nghỉ khi mệt mỏi, anh tự hỏi sao cuộc sống của mình đơn điệu thế, biết sẽ về đâu. Bất chợt anh nhìn lên trời và thấy trời xanh mây trắng sao mà đẹp, mà bình yên thế. Còn con người sao cứ mãi bon chen, vất vả áo cơm, bao giờ cho hết khổ. Tất cả đều do tâm con người mà ra. Thế là anh xòe bàn tay vươn lên như đón bắt bầu trời và bấm máy. Khoảnh khắc ấy đã làm thay đổi cuộc sống của anh… Nghệ danh “không đụng hàng” MPK (Michel Phước Khùng) chính là ghép từ những ký tự đầu tiên của tên thánh, tên thật và tên “giang hồ” của anh ra đời sau đó khi anh bắt đầu những tháng ngày rong ruổi mọi ngóc ngách để thực hiện cuộc dạo chơi cùng nhiếp ảnh. Anh kể: “Tôi bắt đầu thả lỏng người, ngoài tri ân Đà Lạt, tôi đi lang thang khắp nơi với chiếc máy ảnh cà khổ, bởi trong nghệ thuật không có giới hạn miền xứ. Tôi nghĩ “ở phải trời đãi”, nhờ thế mà tôi vẫn sống được dù trong túi có lúc không đủ tiền để uống ly cà phê cóc. Bù lại, tôi có được những “đứa con” mà tôi vô cùng tâm đắc và yêu quý, chẳng hạn bức chụp bóng đổ trên sông Hoài (Hội An) rất lạ, chính tôi cũng không thể chụp lại bức khác như thế. Bức chụp ánh trăng lưỡi liềm ở Hà Nội…”. Trên hành trình lang bạt ấy, MPK đã bắt gặp những khoảnh khắc mộng mơ, thi vị, vừa suy tư, triết lý… và ngộ ra rằng, một người nghệ sĩ làm đẹp cho đời thì tuyệt nhiên không cần đến danh, lợi, sắc. Những thứấy chẳng khác nào như độc dược giết chết tài năng và sáng tạo của người nghệ sĩ nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để nhận thấy và từ bỏ.
Gã lãng tử MPK tuy không chủ ý tổ chức nhưng gần như đều đặn mỗi năm, tác phẩm của anh đều được triển lãm, nhiều nhất vẫn là tại Đà Lạt. Có lẽ do bạn bè muốn được chia sẻ cùng anh niềm hân hoan, hạnh phúc khi thưởng lãm những “đứa con” tinh thần của anh. Năm nay cũng vậy, từ sự đốc thúc và cả đứng ra tổ chức của những người bạn mà cuộc triển lãm ngẫu hứng với tên gọi “30/30” của MPK đã diễn ra tại Sài Gòn trong một không gian mở tại quán cà phê sách Chiêu (214/19/37 Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM, từ 17 đến 21-12-2014).
MPK cho biết, tên gọi đơn giản “30/30” có ý nghĩa đánh dấu kỷ niệm 30 trong nghề bằng 30 tác phẩm tiêu biểu nhất của anh. Từ hàng ngàn bức ảnh đã chụp và từ khoảng 15 bộảnh nổi tiếng nhưHoa dại, Đà Lạt mơ, Mắt côn trùng, Tiến trình tâm thức, Mưa và trăng, Nhụy, Sương và nắng, Nhiêu Lộc, Mầm, Café… anh đã chọn ra 30 bức tiêu biểu nhất cho triển lãm. Với anh, đây là một việc làm khó khăn, bởi đã là “con” thì đứa nào và dù ra đời trong hoàn cảnh nào anh đều yêu chúng như nhau. Ngoài tính chất “lần đầu tiên”, “độc bản”, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lặp lại những tác phẩm, ngoại lệ của triển lãm lần này là MPK đồng ý để những người thực hiện tổ chức việc bán tác phẩm, điều anh chưa từng làm trong suốt 31 lần triển lãm trước đây. Ngay trong buổi khai mạc đã có 15 tác phẩm được về với chủ mới.Riêng tác phẩm Khát vọng được bán đấu giá và người sở hữu nó là một chính khách đã yêu mến MPK. Tuy nhiên, với MPK, gia tài lớn nhất có được sau 30 năm cầm máy không phải là những bức ảnh mà chính là sự thương mến của bạn bè, những-người-dưng-như-ruột-thịt đã luôn yêu thương một-con-người-kỳ-quặc như anh.
- Thu Ngân