Hôm rồi theo bạn bè sang Chợ Mới (Long Xuyên) chơi, ghé nhà anh bạn ở Cựu Hội, cách chợ Cái Tàu khoảng cây số. Đang chạy trên đường bỗng ông bạn chạy trước ngừng lại. À, thì ra hắn ta đang chụp hình một chiếc xe cây nhỏ trên chất đầy ngựa gỗ đủ màu sắc sặc sỡ.
A! Ngựa gỗ kìa! Cả bọn cũng dừng lại, xuýt xoa. Ai nấy đều nhớ ra lâu lắm rồi không thấy loại đồ chơi trẻ em này. Rồi bàn qua tán lại để cùng nhận ra rằng món đồ chơi hết sức quen thuộc của tuổi nhỏ này hình như đã vắng bóng ở các thành phố, nơi những đồ chơi điện tử hiện đại lên ngôi. Những chú ngựa gỗ thủ công như vầy có lẽ đã ngày càng lùi xa, lùi xa vào những xóm quê, vào miệt vườn xa ngái rồi chăng?
Nhưng mà… mấy chú ngựa gỗ mới dễ thương làm sao! Đẹp đẽ làm sao! Xanh, đỏ, tím vàng… đủ cả màu sắc. Cứ như một bình bông lớn đang ngự trên xe vậy! Cả bọn chúng tôi cứ bồi hồi nhớ lại một tuổi thơ trên mình ngựa gỗ, nhớ lại mình đã nhún nhảy ra sao, vui thú biết mấy khi xích đu không biết mệt trên chú ngựa gỗ nhỏ nhắn, thân thiết của mình, một thuở nào xa lắc xa lơ. Và, chiếc xe chở đầy ngựa gỗ bất chợt gặp trên đường đã làm sống lại một thời…
Còn nhớ, khi con gái tôi ra đời, con ngựa gỗ này đây đã là món quà sinh nhật lần thứ ba của cháu. Con bé từ sự sợ hãi lúc đầu đã vui sướng cười như nắc nẻ khi biết ngồi vững trên mình ngựa, xích tới xích lui liên tục. Chú ngựa gỗ càng phi nhanh, càng bật lên cao, niềm vui càng vỡ òa, tiếng cười càng giòn giã. Con gái lớn hơn một chút, phải đến trường, chú ngựa gỗ được treo lên cẩn thận trong nhà bếp để rồi sau đó lại lấy xuống, chùi rửa cho thằng con trai tiếp tục xích đu, tiếp nối niềm vui, tiếng cười đầy ắp tuổi thơ.
Trải mấy năm qua, ngựa gỗ vẫn nguyên vẹn, chắc chắn không hề suy suyển, dù nước sơn có phai màu, đôi mắt đã mờ hết một bên… Phải nói cái món đồ chơi được làm thủ công này quả là vừa rẻ tiền, vừa chơi lâu. Hồi đó mỗi con ngựa gỗ là bao nhiêu? Năm ngàn hay mười ngàn đồng? Lâu quá rồi không ai còn nhớ. Bởi vậy mà cả bọn vây lấy anh Nguyễn Văn Thanh, tên người đẩy xe ngựa gỗ hỏi han tíu tít. Biết được nhà cửa, nơi sản xuất mấy con ngựa đồ chơi này, niềm hưng phấn và sự hiếu kỳ khiến chúng tôi quyết định xuống bến phà qua cù lao Giêng, vừa thăm thú những di tích bên đó, vừa tìm hiểu thêm về cái nghề làm ngựa gỗ.
Đường đi trên xứ cù lao mới ngoằn ngoèo, quanh co làm sao! Bỗng nhớ tới một cù lao khác rất nổi tiếng cũng của huyện Chợ Mới, nơi còn truyền tụng câu ca dao quen thuộc: Ba phen quạ nói với diều / Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.
Cá tôm hiện nay chắc đã giảm nhiều nhưng ba xã nằm trên cù lao Giêng này là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân thì ngày càng đông đúc, những cụm dân cư của người dân ấp, dân lân ngày xưa khẩn hoang, mở cõi đã ngày càng nở ra, làm thay đổi bộ mặt xứ cồn. Chưa kể theo lời một ông bạn địa phương thì xứ cù lao này đang ăn nên làm ra bởi một nghề mới. Đó là làm mấy bọc dưa xoài non bỏ mối cho các siêu thị bởi xoài ở đây nhiều vô số luôn.
Theo lời chỉ dẫn của dân địa phương, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thanh, người bán ngựa gỗ ở ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân ở cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cách nhà thờ Rạch Sâu vài trăm thước.
Bước vào nhà đã thấy mấy xe chất đầy ngựa gỗ. Cạnh đó cả chồng ngựa gỗ mới được lộng, còn nguyên cây tạp chưa sơn màu. Anh Thanh vẫn chưa về. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Mỉn, năm mươi mốt tuổi, nhỏ hơn chồng đến mười ba tuổi nhưng gương mặt có vẻ cằn cỗi, đen sạm vì nắng gió. Theo lời chị kể, cả hai vợ chồng theo nghề bán ngựa gỗ có trên hai mươi năm nay nhưng trước đây chỉ lấy của cơ sở sản xuất mang về bán, mới tách ra làm riêng từ hai năm nay, tự sản xuất hàng từ mẫu có sẵn. Hiện trong ấp chỉ có hai chủ làm nghề thủ công này thôi. Chị còn cho biết ngựa được làm thủ công từ gỗ xoài, mua tám trăm ngàn đồng một khối, ra được khoảng trăm con ngựa. Công việc cưa đẽo, chạm lộng đều do thằng em trai, hai anh chị chỉ tiếp sơn màu rồi đem bán. Thợ lộng chỉ được mười con/ngày, sơn thì mỗi ngày được khoảng hai chục con. Hai vợ chồng năm mươi, sáu mươi tuổi rồi mà không có mụn con nào, chỉ đi bán suốt đến tận Rạch Giá, Hà Tiên, Tân Châu… Cứ chất mỗi xe bảy tám chục con rồi đẩy đi. Toàn là đi bộ nên mỗi chuyến đi hơn nửa tháng mới về. Đúng là việc kiếm sống từ những chú ngựa gỗ này vất vả thật. Tính xem, mỗi con ngựa bán được bốn mươi ngàn đồng, lời trên mười ngàn đồng một chút so với cả nửa tháng trời ăn ngủ trên đường…
Vậy mà chị Mỉn vẫn cười rất tươi: “Buôn bán vậy thì hai vợ chồng không có con cái sống cũng tạm ổn”. Nghề làm miết cũng quen nên cố giữ thôi mà.
Chúng tôi xin chụp vài tấm hình rồi từ giã chị Mỉn, để lại sau lưng gian nhà nhỏ chất đầy những chú ngựa gỗ sặc sỡ màu sắc và người phụ nữ khằn đi trước tuổi vì những chuyến rong ruổi trên đường xa.
Ôi, những con ngựa gỗ của một thời trẻ thơ! Những con ngựa gỗ không còn nhảy nhót, tung tẩy trong chốn phồn hoa đô hội như ngày nào. Chúng đã thầm lặng lui về những vùng sâu, vùng xa, vào trong những nhà tranh vách lá thô sơ để tiếp tục đem niềm vui cho trẻ nhỏ.
Và khúc đồng dao xưa có còn được cất lên: Nhong nhong ngựa ông đã về / Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn.