Theo FocusEconomics, một tổ chức chuyên cung cấp các phân tích và dự báo kinh tế cho nhiều nước châu Á, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2016 ước khoảng 2,5%, một con số khiêm tốn. Nguyên nhân của điều này trước tiên phải kể đến chương trình tái cơ cấu nền kinh tế ở một số nước để phù hợp với tình hình kinh tế thế giới, đối phó với những tác động của thay đổi khí hậu và khắc phục hậu quả của chiến tranh. Kế đến là những nỗ lực của nhiều vùng, nhiều nước, nhằm hạn chế mức dư thừa công suất và đương đầu với các biến động về chính trị. Việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một trong những sự kiện nổi bật có ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển của cả Anh lẫn EU. Cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ, nội chiến tiếp tục kéo dài tại Syria, cũng góp phần không nhỏ vào việc làm chậm đi đà phát triển của kinh tế thế giới. Tháng 11-2016, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với kết quả ngoài dự đoán, cùng với những quan điểm mạnh mẽ và không kém phần cực đoan, của ông Donald Trump đã tạo cú sốc trong dư luận, tác động lên nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế Đông Nam Á, với sự yểu mệnh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định là sự hồi phục kinh tế toàn cầu trong năm 2016 diễn ra khá chậm và cũng khá mong manh, với nguy cơ có thể làm tổn hại cơ cấu chính trị và xã hội của nhiều nước.
Mỹ: Thất nghiệp giảm, GDP tăng mạnh
Trong thế giới những nước giàu, nền kinh tế Mỹ đang ở vị trí hàng đầu, cho dù tỷ lệ tăng trưởng chỉ đạt mức 1,5% trong năm 2016. Dữ liệu kinh tế trong tháng 11 vừa qua cho thấy những dấu hiệu tích cực thông qua số người thất nghiệp giảm xuống còn 4,5%, số người có thêm việc làm ngoài nông nghiệp tăng thêm 178 ngàn người. Tăng trưởng GDP của Mỹ vào quý III-2016 đạt 3,2%, nhanh nhất trong vòng hai năm qua. Lợi tức chuyển nhượng được và chi tiêu về nhà ở tiếp tục ổn định cả năm 2016, niềm tin của người tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng chín năm qua. Bên cạnh đó, viễn cảnh tích cực về giá dầu thô sau quyết định cắt giảm mức sản xuất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC đã tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của Mỹ, thể hiện qua ISM (chỉ số về năng lực sản xuất của nền kinh tế) tiếp tục tăng trong ba tháng liên tiếp tính đến tháng 11-2016.
Trung Quốc: Tăng trưởng giảm sút
Năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6,9%, thấp nhất kể từ năm 1990. Năm 2016, Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 đến 7%. Tính đến quý III-2016, tỷ lệ tăng trưởng thực tế đạt được là 6,7%, nằm trong mức dự kiến. Như vậy, so với mức tăng trưởng bình quân từ năm 1989 đến nay là 9,79%/năm, thì mức tăng trưởng năm 2016 đã giảm sút khá nhiều. Các dữ liệu mới nhất cho thấy từ tháng 1 đến tháng 9-2016, chi tiêu chính phủ tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thu nhập chỉ tăng 5,9%. Tháng 9-2016, doanh số bán lẻ tăng 10,7%, so với 10,6% của tháng trước đó. Đầu tư tài sản cố định tăng 8,2%, phù hợp với dự kiến ban đầu; trong khi đầu tư tài sản cố định của các xí nghiệp quốc doanh tăng 21,1% thì phần đầu tư này thuộc khu vực tư nhân chỉ đạt 2,5%. Sản xuất công nghiệp tăng 6,1% so với năm 2015, sản lượng gia tăng nhiều nhất ở các lĩnh vực điện, khí đốt và nước sạch. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9-2016 đạt 184,51 tỉ USD, so với kim ngạch nhập khẩu 142,52 tỉ USD.
Châu Âu: Đương đầu nhiều thách thức
Brexit là một trong những sự kiện tác động mạnh vào nền kinh tế Anh nói riêng, kinh tế châu Âu nói chung. Năm 2016, châu Âu đương đầu với những thách thức về tương lai của Hy Lạp, cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn và nhập cư, những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng. Người dân ở châu lục này được hưởng lợi từ mức lạm phát thấp và thị trường lao động được cải tiến có hiệu quả. Trong khi đó, lĩnh vực ngoại thương và đầu tư đang là những điểm yếu. Giá trị đồng euro đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tiếp sau việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất đồng USD. Dù vậy, sự sụt giảm giá trị của đồng euro dự báo một chiều hướng lạc quan cho xuất khẩu đang bị ngưng trệ trên thị trường thế giới. Tháng 11-2016, đồng tiền chung châu Âu tăng thêm 0,1% điểm và tổ chức FocusEconomics dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP 1,5% trong năm 2017.
Tại Anh, sự chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng của thủ tướng David Cameron và các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương đã nâng cao niềm tin của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng lên một mức đáng kể. Nhưng sự mất giá của đồng bảng Anh, mức lạm phát tăng cao và đồng lương chưa thỏa đáng đã tác động đến khả năng tiêu thụ của các hộ gia đình. Sự bất ổn về chính trị cũng sẽ tiếp tục đe dọa đầu tư tại Anh. Dự kiến tăng trưởng GDP của Anh sẽ 1,1% trong năm 2017.
Nhật Bản: Ngân sách chịu nhiều áp lực
Hoạt động kinh tế của Nhật Bản trong quý IV-2016 diễn ra khá tốt. Đồng yen bị sụt giá kể từ sự thắng cử của ông Trump khiến giới thương mại kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa hơn, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Đầu tư tư nhân tại Nhật đang đứng trước thử thách, hàng tồn kho được tháo bán ồ ạt, ngân sách đang nằm dưới gánh nặng của chi phí an sinh xã hội, trong khi lực lượng lao động đang tăng cùng với sự gia tăng của lương bổng. Chính phủ Nhật đang phải dự chi bổ sung 1,7 tỉ USD cho việc tái thiết sau động đất và chi tiêu quân sự. Nhật Bản cũng đang đứng trước áp lực dân số lão hóa sẽ tác động tiêu cực vào nền kinh tế.
Các nền kinh tế đang lên: Không ổn định
Năm 2016 là một năm bất định của các nền kinh tế đang lên. Nhiều ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, các nhà đầu tư săn tìm những tài sản thu lợi cao, dòng vốn chảy vào các thị trường đang lên, các trái phiếu phát hành đạt mức cao kỷ lục. Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump dự định xét lại và điều chỉnh nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và các đối tác khác, đồng thời toan tính đưa ra quy định về nhập cư khắc nghiệt hơn đã có những tác động bất lợi lên các nền kinh tế đang lên. Mexico là nền kinh tế bị tổn thương nặng nhất sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng peso bị giảm giá 12%, buộc ngân hàng trung ương Mexico phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm cứu vãn tình thế.
- Lê Nguyễn tổng hợp