Một phòng tranh vừa vặn với những bức tranh hầu hết có kích thước nhỏ nhưng “Miên du” của họa sĩ Bùi Thanh Thủy (tại gallery Eight, số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, mở cửa đến 10-1-2016) đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng cho người thưởng ngoạn vào đầu năm mới 2016.
Có những triển lãm gây được tiếng vang nhờ sự hoành tráng của tác phẩm, của nội lực họa sĩ, của không gian trưng bày, của sự chuẩn bị công phu nơi nhà tổ chức và tác giả. Cũng có những triển lãm chẳng để lại chút dư vị nào vì sự nhạt nhẽo, tầm phào, vô duyên của tranh pháo, vì người vẽ quá nghiệp dư không tự lượng sức mình, hoặc vì tác giả chỉ nhăm nhăm vào chuyện bán mua nên vẽ theo thị hiếu nhất thời… “Miên du” không ở trong số đó. Tác giả là một phụ nữ từng học mỹ thuật công nghiệp ở Hà Nội, từng trải qua nhiều công việc có dính dáng đến mỹ thuật, lại xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ “thứ thiệt” nhưng số phận đẩy đưa khiến chị rời quê nhà sang định cư ở Mỹ vài năm gần đây.
Chính những năm tháng sống xa quê hương đã thôi thúc Bùi Thanh Thủy trở lại với bản năng hội họa nơi chị, bởi đây cũng là lần đầu tiên chị thật sự làm công việc của một họa sĩ. Chị vẽ những kỷ niệm, vẽ một miền nhớ nhung, vẽ những giấc mơ được trở về với ngày tháng tuổi thơ… Chính sự chân thật của cảm xúc nơi người vẽ là yếu tố đầu tiên đã mang lại những cảm xúc cho người xem, khơi gợi những cảm thông, chia sẻ rồi mới nói đến kỹ thuật, tay nghề của tác giả. Bùi Thanh Thủy cứ hồn hậu dẫn dắt người xem đi vào những góc thật riêng tư của chị mà dường như cũng là những nỗi niềm mà nhiều người đã từng trải qua. Ai mà không có những phút giây nhớ đến quay quắt một mảng đời nào đó đã sống qua, một nơi chốn nào đó đã găm giữ biết bao là kỷ niệm, một (hay vài) người nào đó đã đem lại cho mình bao nhiêu là hạnh phúc và niềm vui… Nên đứng trước những Mơ, Miền nhớ, Một mình, Sen, Tuổi thơ, Em bé, Đêm trăng… giản dị của chị mà không khỏi bồi hồi. Mà có gì là to tát, ghê gớm, lên gân đâu, chỉ là những khung cảnh thân thuộc với người vẽ từ tấm bé: những góc nhà tường gạch loang lổ, cầu thang dốc lên xuống mỗi ngày, cánh cổng khép hờ, ẩn giấu một khoảng trời ngoài kia… Ở những khung cảnh đó thường có một đứa bé một mình lặng lẽ, đơn côi… Và rất nhiều nhà thờ được ngắm nhìn từ nhiều góc khác nhau khi xa khi gần. Hóa ra, “Miên du” là sự trở về, là một chuyến hành hương về với đức tin và tuổi nhỏ. Ngôi nhà với những khoảng tường gạch trần, chiếc cầu thang dốc và những góc sống khác trong tranh – nơi chị đã sống suốt thời thơ ấu cùng gia đình – nằm trong khuôn viên một ngôi nhà thờ Tin lành ở Hà Nội. Nên hình ảnh giáo đường thật gần gũi với chị để rồi sau những biến động của cuộc đời, chính đức tin tôn giáo đã đem lại sự bình yên, tĩnh tại cho tâm hồn một phụ nữ ngoan đạo.
Trước khi được trưng bày tại gallery Eight, “Miên du” đã ra mắt người xem Hà Nội tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài và nhận được khá nhiều lời khen ngợi. Phải chăng vì phòng tranh đã khơi gợi những tình cảm tích cực giữa một thời buổi còn tồn tại nhiều nỗi bất an, như nhận định nhà báo Vũ Lâm: “Xem tranh của họa sĩ thấy vô cùng dễ chịu và hy vọng cuộc sống còn có nhiều điều để mà tin tưởng”.
Bùi Thanh Thủy là con của nhà văn Bùi Bình Thi và họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, là em của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
- Như Hoa