Vừa qua, nhà báo Trần Đình Thanh Lam đã biên soạn một tập sách chuyên đề về mỹ thuật có tựa Nghệ thuật hậu hiện đại. Với mong muốn được phổ biến những tri thức và thông tin cần thiết về mỹ thuật đương đại, vừa qua ebook Nghệ thuật hậu hiện đại đã đưa trên mạng để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể đọc miễn phí.
Sau khi đọc bản thảo tập Nghệ thuật hậu hiện đại, nhà báo Trần Đức Tài đã giúp thiết kế sách dưới dạng ebook để hỗ trợ thiện ý của đồng nghiệp Trần Đình Thanh Lam. Đây là một sự kết hợp khá ngoạn mục giữa hai nhà báo sống xa nhau nửa vòng trái đất (sau nhiều năm hoạt động báo chí tại Việt Nam, đến tuổi nghỉ hưu nhà báo Trần Đình Thanh Lam đã sang Mỹ định cư, còn nhà báo Trần Đức Tài – cũng là dịch giả nhiều đầu sách về nghề báo, nhiếp ảnh báo chí hiện sống và làm việc tại Đà Lạt).
Mục đích của cuốn sách này, theo người biên soạn nhằm “giới thiệu nghệ thuật hậu hiện đại bằng cách so sánh nó với nghệ thuật hiện đại. Cả hai là những giai đoạn ngắn trong lịch sử nghệ thuật Âu – Mỹ. Mỗi giai đoạn lại gồm nhiều khuynh hướng làm nghệ thuật khác nhau, nhưng lại giống nhau vì đều nhắm tới một mục đích: làm mới lại nghệ thuật. Thế nên dù nghệ thuật hậu hiện đại tiếp nối nghệ thuật hiện đại, nó lại rẽ vào những nẻo đường khác, đôi khi tách xa hẳn cái nghệ thuật đang được vinh danh lúc bấy giờ”. Với mục đích đó, ebook được chia thành hai phần: Gia tài nghệ thuật hiện đại và Nghệ thuật hậu hiện đại.
Phần I điểm qua những quan niệm mới về nghệ thuật hiện đại cũng như thành quả từ các nghệ sĩ tiêu biểu và các trường phái như: Edvard Munch, Pablo Picasso, Marcel Duchamp, Salvador Dali… nhóm Dada, khuynh hướng Biểu hiện Trừu tượng cho tới Pop art với ông hoàng Andy Warhol. Phần II trình bày những khai phá của nghệ thuật hậu hiện đại qua nghệ thuật ý niệm, nghệ thuật lắp ghép, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… cho tới khuynh hướng Tân biểu hiện của Georg Baselitz, Julian Schnabel và đặc biệt là Jean Michel Basquiat. Khai phá của các nghệ sĩ hậu hiện đại là tìm “những con đường khác” với những gì mà các nghệ sĩ hiện đại đã tìm kiếm và đã đi nhiều năm về trước. Những con đường khác đó, theo người biên soạn, thể hiện qua “ba cái khác”: thứ nhất, với các nghệ sĩ hậu hiện đại, phong cách hay khuynh hướng sáng tác thoạt đầu chỉ là những tìm tòi cá nhân, sau đó được một số nghệ sĩ khác đồng tình và làm theo tạo thành một nhóm. Nhóm nghệ sĩ này không có nhu cầu giãi bày hay quảng bá cách sáng tác của mình; họ chỉ làm nghệ thuật, để mặc cho các nhà nghiên cứu đặt cho cách làm nghệ thuật của họ một cái tên. Thứ hai, khó mà dán “tên”, dán “mác” cho nghệ sĩ hậu hiện đại như đã làm cho nghệ sĩ hiện đại trước đó (Picasso, Braque là họa sĩ lập thể; Miró là siêu thực…), vì họ luôn tìm một phương cách thể hiện mới; lúc này có thể nghệ thuật sắp đặt, lúc khác thì nghệ thuật ý niệm. Chưa kể các nhà phê bình cũng không đồng ý với nhau về sự phân loại các khuynh hướng nghệ thuật hậu hiện đại. Và thứ ba là các nghệ sĩ hậu hiện đại sử dụng những chất liệu “lạ” trước đây chưa hề được dùng trong nghệ thuật cũng như những kỹ thuật mới, khiến cho biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, vũ đạo, âm nhạc, kịch nghệ, thi ca…) trở thành mờ nhạt…
Có thể nói, ebook Nghệ thuật hậu hiện đại sẽ là một cẩm nang có ích cho các bạn trẻ cũng như với bất kỳ ai quan tâm tới mỹ thuật hay nghệ thuật nói chung. Mời bạn download ebook từ hai link sau:
https://drive.google.com/…/0BwT28F7EFVQfYUhpajU4ZXdnTkk/view
http://www.mediafire.com/?jb4by6as46bswll
- Ngã Văn