Có những cơn mơ, thường là ác mộng, vần ta đắm đuối quay cuồng trong lòng nó cho đến khi ta choàng tỉnh, vã mồ hôi mới nhận ra đó chỉ là mơ. Nhưng cũng có đôi khi ta mơ và biết là mình đang nằm mộng, mà vì một lý do nào đó ta tự nguyện để nó tiếp tục dẫn dắt ta đi theo một lộ trình hư ảo không đoán định được của nó.
Anh biết mình đang mơ. Không thể nào là thật. Thật sao được khi giờ đây anh đang đứng giữa tháp Rùa trong một đêm đầu tháng Ba se lạnh, và hai con phố Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng bao quanh hồ tịnh không một bóng người xe qua lại, chỉ có ánh đèn vàng quạch hắt xuống yên ả. Anh dân miền Nam thi thoảng một hai tháng ra Hà Nội công tác, vẫn hay thắc mắc không biết làm sao ra được tháp Rùa để xem có cái gì trong tòa tháp bé tí này, thậm chí còn không chắc người ta có cho phép đi ra đó không. Nhưng rõ ràng là lúc này anh đang đứng ngay dưới chân tháp, trong vùng ánh sáng chói lòa của mấy ngọn đèn dọi vào.
Hồi ban tối anh đi uống vài chai bia với mấy người bạn rồi quay về cái khách sạn nhỏ quen thuộc trên phố Bảo Khánh – nơi anh hay ở mỗi lần ra Hà Nội. Chả hiểu sao nằm trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, anh bèn trở dậy, khoác thêm áo rồi đi tản bộ ra bờ hồ. Đường sá vắng tanh đến lạ kỳ. Các cặp tình nhân hay ngồi tâm sự trên ghế đá ven hồ cũng biến đâu mất cả. Và rồi hấp, anh đứng ngay giữa tháp Rùa, giữa những triền cỏ xanh. Không thể lý giải được anh đã làm điều đó như thế nào. Vậy thì chỉ có mơ thôi chứ thật thế quái nào được!
Nhưng thật hay mơ đâu có thành vấn đề. Quan trọng là giờ đây anh đang đứng giữa tháp, thích thú nhấm nháp cái không khí se lạnh còn rớt lại tháng Ba. Anh ngồi bệt xuống cỏ như muốn hòa vào màu xanh ngăn ngắt của nước hồ. Chả trách ngày xưa người ta đặt tên hồ là Lục Thủy. Anh đưa mắt nhìn xung quanh. Phía xa xa, cầu Thê Húc nằm im lìm trong làn sương đêm mờ mịt không biết từ đâu cứ đùn ra mãi.
Ven bờ, mấy tàn phượng, liễu rủ thướt tha như những cô gái xõa tóc định chải rồi lại ngủ quên luôn trong nhịp thở phập phồng nhè nhẹ. Bốn bề tịnh không một tiếng động. Anh sướng quá, sướng đến nỗi muốn hét lên một tiếng thật to. Hà Nội trong mơ của anh là đây (thì mơ chứ còn gì nữa cha nội!), không phải cái Hà Nội gầm gào tiếng xe tiếng người bon chen hung tợn vào mỗi sáng tắc đường, bức bối và ngột ngạt hơn cả Sài Gòn vốn khét tiếng xô bồ hối hả của anh.
Và khi đang trong cảm giác lâng lâng đó, anh chợt thấy mặt nước khẽ xao động ở giữa lòng hồ. Rồi quầng nước tỏa ra mỗi lúc một rộng thêm. Anh sững sờ đến há hốc mồm không nói nên lời. Anh chợt thấy Cụ. Phải, chính là Cụ. Cụ nổi lên, thật nhẹ nhàng mà cũng thật kỳ vĩ, hoành tráng. Tấm mai cụ anh ước dễ rộng đến chừng ba thước và dài hơn năm thước, lớn hơn nhiều so với tiêu bản của cái xác hồi thập niên 60 hiện đang được lưu giữ trong đền Ngọc Sơn, và đương nhiên là hơn rất rất nhiều cái-được-gọi-là-cụ vốn được (bị) bắt lên chữa thương hồi năm ngoái làm tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới trong ngoài nước.
Và anh nhận ra cụ thuộc loài mai cứng. Mai cụ thẫm xanh một màu như nước hồ, dù có phủ một lớp rong rêu đượm chín thời gian vẫn thấy nổi rất rõ những đường nét hoa văn sắc sảo, vi diệu. Hốt nhiên anh quỳ xuống bưng mặt nghẹn ngào. Anh không kềm chế được cơn xúc động mãnh liệt đang trào dâng. Vì sao anh lại có được cái diễm phúc linh thiêng này? Vì sao không phải là ông giáo sư “Rùa học” đã bỏ ra hơn hai mươi năm lẩn thẩn bên bờ hồ để nghiên cứu nhất cử nhất động của cụ? Anh chợt nhớ có bài báo nói đúng vào dịp thành phố kỷ niệm một ngàn năm, khi trông thấy cái-được-gọi-là-cụ nổi lên một số người đã hạnh phúc đến rơi lệ. Thật tình lúc đó anh thấy hơi buồn cười, nhưng giờ thì anh có thể thấu cảm điều đó, thấu cảm đến từng chân tơ kẽ tóc.
Anh cứ quỳ như thế, không dám ngẩng lên nhìn. Chính vì vậy anh mới lỡ mất cơ hội quý báu được chiêm ngưỡng dung mạo của cụ, vì chỉ trong tích tắc anh lại nghe tiếng nước sủi oàm oạp và cụ lại nhẹ nhàng hòa lẫn vào làn nước xanh ngắt. Anh bàng hoàng tiếc rẻ đến ngẩn ngơ. Bóng cụ đã mất tăm nhưng bỗng anh nghe tiếng cụ bay về thoảng bên tai, chậm và rõ. Và ngay trong đêm anh đã có một cuộc đối thoại rất kỳ lạ với cụ. Anh nghĩ, giả sử lúc đó có ai bắt gặp chắc sẽ tưởng anh là một gã điên, giữa đêm hôm lạnh lẽo đứng dưới chân tháp Rùa lảm nhảm độc thoại một mình. Mà cuộc trò chuyện ấy có thực không nhỉ, khi mà việc bản thân anh có mặt ở chỗ này đã dường như là một giấc mộng rồi? Hay đó chính là mộng trong mộng?
Mơ mơ thực thực mặc lòng! Anh quyết định buông lỏng để xem cơn mộng mị này dẫn dắt anh đi tiếp đến tận những đâu.
Anh:
– Ha ha ha, thì ra bọn họ trật, trật lất hết cụ ạ, kể cả mấy ông giáo sư dày công nghiên cứu về cụ. Tất thảy bọn họ đều kết luận rằng cụ thuộc giống rùa nước ngọt mai mềm da trơn theo như hình dong của con ba ba bị thương hồi năm ngoái. Và chắc là họ không thể nào tưởng tượng ra được kích thước vĩ đại của cụ như con vừa may mắn được nhìn thấy khi nãy…
Tiếng Cụ thở dài:
– Thật tội nghiệp cho giống người các con, cứ tưởng mình thông minh nhưng thực ra suy nghĩ luôn bị bó buộc trong những hữu hạn. Vì ta vốn dĩ là tương đối, là vô cùng. Con giải dài một thước sáu ấy là ta. Cái hình bóng lớn gấp mười lần con vừa thấy cũng là ta, mà thậm chí lớn gấp trăm lần như thế cũng vẫn là ta.
– Nhưng rất tiếc cái hồ Hoàn Kiếm này lại hữu hạn cụ ạ. Con nghe các nhà khoa học nói mực nước hồ chỉ trên dưới một thước. Con thực sự hơi sốc khi biết điều đó. Nói phải tội bất kính, con e là nó không đủ lớn để cái hiện thân to gấp trăm lần như cụ nói khi nãy sinh sống.
– Lại một lần nữa con cố tỏ ra thông minh logic, và vì thế, con lại bị giam cầm trong cái hữu hạn do chính mình đặt ra, cả không gian và thời gian. Nói cho con biết, ta không gọi nơi này là hồ Hoàn Kiếm. Nó là hồ Lục Thủy. Nước xanh là bản chất, mà bản chất thì trường tồn từ vô tận. Còn Hoàn Kiếm xét cho cùng chỉ là sự kiện, tính đến giờ chỉ mới sáu trăm năm. Sáu trăm năm là rất ngắn so với sự vĩnh cửu của thời gian. Thậm chí khi ta tặng cho An Dương Vương cái móng để làm lẫy nỏ cách nay hơn hai nghìn hai trăm năm đó cũng không phải là khoảng thời gian quá dài…
Hừm, cụ đang chơi chiến thuật xà quần với khái niệm và chữ nghĩa đó ư ? – một ý nghĩ tinh quái chợt thoáng qua đầu anh.
– Nhưng cái con đang thắc mắc là sự hữu hạn về không gian cụ ạ…
– Không gian cũng chỉ là tương đối mà thôi. Nó vận động biến ảo theo thời gian. Hồ Lục Thủy nơi ta và con đang đứng đây há chẳng phải chỉ là hồ Tả Vọng? Thậm chí khi gom với cái hồ Hữu Vọng vốn đã bị san lấp lại thì cũng vẫn chỉ là một đoạn phình ra từ một phân lưu của sông Hồng, mà sông thì luôn thông ra biển lớn. Ta đến từ biển lớn, từ vô tận mà loài người các con chỉ thích đo đếm trên những khái niệm chật hẹp…
– Con xin lĩnh ý cụ – Anh dè dặt nói, dù vẫn chưa tiêu hóa hoàn toàn cái ý tứ thâm sâu kia – À cụ này, cụ có biết người ta gán tên khoa học cho cụ là rùa Lê Lợi hay Rafetus leloii gì gì đó không? Hôm nay được nghe lời cụ dạy con mới chợt nhận ra cái tên này cũng “chật hẹp” lắm thay (!)
– Hừm, ta là Kim Quy. Ta là một mà cũng là tất cả. Hiện thân của ta ở khắp nơi. Cái tên của ta vượt trên mọi hữu hạn!
Anh thừ người, băn khoăn suy nghĩ. Hiện thân của cụ ở khắp nơi. Vậy hà cớ gì cái hiện thân gần đây nhất lại là một con giải thương tật và mệt lử, thường xuyên ngoi lên mặt nước như cầu cứu trong tuyệt vọng? Dẫu rằng người dân nơi đây vẫn một lòng dành cho hiện thân ấy sự thành kính thủy chung, nhưng anh vẫn thấy thật xót xa, khi mà cái bức màn thần thoại huyền bí lung linh kia bị vén xoẹt để lộ hiện thực tênh hênh một cách phũ phàng. Đâu rồi thần Kim Quy tặng lẫy nỏ cho An Dương Vương? Đâu rồi Rùa Vàng đòi vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu Thuận Thiên sau khi đã dẹp tan giặc giã? Những câu chuyện lịch sử đẹp như mơ ấy đã nuôi dưỡng tuổi thơ anh ngày xưa, để rồi bây giờ anh lên báo mạng thấy người ta xúm nhau luận xem cụ là đực hay cái, bủa lưới giăng dây vây bắt cụ để đem đi chữa thương như thế nào, lên kế hoạch tìm bạn tình và phối giống cho cụ ra làm sao, toàn những công việc rất thực tế và tỉnh táo đến rợn người.
– Con vẫn nghĩ mỗi hiện thân của cụ, vào lúc này hay lúc khác, ắt phải có một lý do gì đó?
– Phải. Ta gắn bó với con dân nước Việt từ bấy đến nay. Ta vui buồn với sự thăng trầm đổi thay của các con. Mỗi hiện thân của ta đều là một thông điệp.
– Vậy thì con băn khoăn quá, vì cái cách cụ xuất hiện gần đây. Mà cái giống rùa tai đỏ bé tí đó liệu cũng là một dạng hiện thân của cụ?
– Hừm… Làm thế nào mà cái giống ngoại lai hung bạo ấy lại là một hiện thân của ta? Há con chẳng thấy chúng trèo lên đầu lên cổ và gây cho ta bao nhiêu thương tích?
Anh lại càng băn khoăn. Cái giống rùa tai đỏ ấy, hèn mọn, nhỏ bé nhưng đông đúc và táo tợn. Chúng liều lĩnh tấn công vào cả cái được xem là kỳ vĩ linh thiêng, quốc hồn quốc túy này. Như Hà Nội ngàn năm văn vật mà anh hết sức yêu mến giờ đây đang rên xiết vì từng ngày bị xâm thực bởi những xô bồ của thứ văn hóa tiểu nông, ngoại lai từ bên ngoài tràn vào. Rùa tai đỏ! Khi nam thanh nữ tú hè nhau bẻ hoa bứt cành trong một cái lễ hội rất văn hóa là hội hoa. Khi lớp trí thức tiềm năng của nước nhà giẫm đạp lên nhau trong Văn Miếu để sờ cho bằng được đầu rùa đội bia tiến sĩ và rải tiền tung tóe nhằm cầu lấy chút may mắn cho kỳ thi đại học. Khi từng đoàn xe từ sang đến siêu sang vênh váo nghênh ngang vào phố rước dâu về tỉnh lẻ…
– Rùa tai đỏ nhan nhản khắp mọi nơi! – Anh buồn bã thốt lên.
– Phải, rùa tai đỏ ở khắp mọi nơi. Ta hy vọng là con sẽ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
– Dạ… nhưng cụ ơi, cái hiện thân của cụ mà con vừa có diễm phúc được chiêm ngưỡng đêm nay, dù chưa trọn vẹn, là một lời nhắn gửi gì nữa đây?
– Trí thức trẻ EQ cao, đi làm thuê cho nước ngoài lĩnh kha khá đôla như con chắc hiểu.
Tiếng cụ thoảng về nửa đùa nửa thật. Và mặt hồ Lục Thủy lại sủi tăm lần nữa. Một vệt nước dài chạy ra phía xa về hướng đền Ngọc Sơn. Rồi nhanh chóng mất hút trong lớp sương đêm mờ mịt.
Tháng 3-2012