Cuốn sách Thành Chương, hội họa và cuộc đời (NXB Hội Nhà văn – tháng 12-2018) là một công trình khá bề thế trong lĩnh vực sách mỹ thuật, giới thiệu thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của một nghệ sĩ tạo hình tiêu biểu trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Với gần 440 trang khổ 21 x 27cm, Thành Chương, hội họa và cuộc đời được chia thành bảy chương, với bài viết dài Họa sĩ Thành Chương: Một con đường, một thế giới của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, mô tả hành trình đến với nghệ thuật của Thành Chương khi còn là một chú bé cho đến tuổi bảy mươi của ông.
- Xem thêm: Xem tranh ở Việt phủ Thành Chương
Dõi theo những trang viết đầy cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều, người đọc dù chưa biết nhiều về một danh họa Việt Nam đương thời cũng có thể hình dung được sức sáng tạo, sức làm việc gần như phi thường của ông, đặc biệt là vào dịp Tết Ất Dậu 2017 với loạt tranh gà hàng trăm con, đã trở thành ý tưởng thai nghén cho cuốn sách này.
Bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn giúp cho người đọc biết rõ về một cuộc đời nghệ sĩ trải qua bao biến cố dữ đội và sức mạnh tinh thần kỳ diệu giúp ông vượt qua để tự khẳng định mình, để được lưu danh trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Về mặt đánh giá nghệ thuật của Thành Chương, trong sách có bài viết của các nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, Bùi Như Hương và Ian Findlay-Brown, đặc biệt là những đánh giá nghiêm cẩn của Nguyễn Quân về một đồng nghiệp cùng thời với mình: “Với cá tính sáng tạo và phong cách riêng biệt, Thành Chương có một vị trí độc đáo vững chãi trong hội họa Việt Nam, đóng góp vào sự đổi mới mà ông mong mỏi: một trường phái hội họa Việt Nam riêng biệt!”. Những nhận định của Bùi Như Hương và Ian Findlay-Brown còn cho thấy tài năng và sự sáng tạo bền bỉ của Thành Chương.
Chủ biên cuốn sách này là nhà báo Nguyễn Trọng Chức, người đã có quá trình lâu năm gắn bó với đời sống, sinh hoạt mỹ thuật trong cả nước. Trong lời đầu sách, ông viết: “Khoảng tháng 5-1978, lần đầu tiên tôi gặp Thành Chương khi anh vào TP. Hồ Chí Minh để tổ chức một cuộc triển lãm lớn nhân kỷ niệm 30 năm thành lập tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) mà anh là người chịu trách nhiệm về mặt mỹ thuật của tờ báo. Kể từ ngày ấy chúng tôi trở nên thân thiết với nhau.
- Xem thêm: Phạm Công Luận: Vẻ hấp dẫn của ký ức
Những năm về sau, mỗi khi có dịp ra Hà Nội tôi thường gặp Thành Chương và ngày càng biết được nhiều hơn về một họa sĩ tài năng, được xem nhiều hơn những tác phẩm đặc sắc của anh… Không ngờ 40 năm sau tôi lại may mắn được mời làm chủ biên một cuốn sách quan trọng về cuộc đời và tác phẩm của người bạn thân – họa sĩ Thành Chương. Đã có nhiều ấn phẩm về hội họa của Thành Chương được xuất bản, còn các bài viết về con người, cuộc sống và tác phẩm của Thành Chương, về công trình Việt Phủ thì đếm không xuể.
Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không có một cuốn sách mang ý nghĩa tập đại thành tất cả những gì mà Thành Chương đã cống hiến cho mỹ thuật Việt, rộng hơn là cho văn hóa Việt suốt hơn nửa thế kỷ qua. Khi nhận lời làm công việc chủ biên cuốn sách này, tôi thật sự mong muốn đây sẽ là một tác phẩm thể hiện được điều ấy. Và hy vọng sách sẽ có ích cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt, cũng như cho các thế hệ trẻ đang trên hành trình sáng tạo nghệ thuật”.
Có một câu nói bất hủ của Pablo Picasso: “Mỗi đứa trẻ đều là nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao người nghệ sĩ ấy vẫn tồn tại khi đứa trẻ lớn lên” (Every child is an artist. The problem is how to remain an artist once he grows up) có lẽ rất thích hợp để nói về Thành Chương. Chú bé nghệ sĩ Thành Chương đã lớn lên và vẫn giữ được phẩm chất nghệ sĩ của tuổi thơ ấu đó đến tận hôm nay khi đã bước sang tuổi bảy mươi.