Ở Mỹ, Luật về tham nhũng ngoài nước có những điều khoản rất chặt chẽ, tiêu biểu là việc cấm các công ty Mỹ hối lộ các viên chức chính quyền nước ngoài để có được những cơ hội kinh doanh tốt. Hành vi “hối lộ” không nhất thiết thể hiện bằng tiền bạc, mà bằng cả việc tạo điều kiện thuận lợi cho các viên chức nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau. Mới đây, ngân hàng Mỹ JP Morgan Chase đã vướng vào một vụ như thế và họ phải trả giá bằng số tiền phạt lên đến 264 triệu USD. Cuộc điều tra được Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) tiến hành từ năm 2013, kết quả cho thấy Ngân hàng JP Morgan đã thực hiện kế hoạch tuyển dụng những ứng viên không đủ tiêu chuẩn vào làm, chỉ vì những người này được giới thiệu bởi những quan chức Trung Quốc có thể cho ngân hàng có được điều kiện hoạt động kinh doanh tốt. Căn cứ vào quyết định của hai tổ chức trên, JP Morgan sẽ phải trả cho SEC 130 triệu USD vì đã vi phạm Luật tham nhũng ngoài nước; dự kiến phải trả cho Bộ Tư pháp Mỹ 72 triệu USD và cho Hội đồng các Thống đốc quỹ dự trữ liên bang 61,9 triệu USD.
Kết quả điều tra của SEC và DoJ cũng cho biết JP Morgan không đưa tiền trực tiếp cho các quan chức Trung Quốc, nhưng hành động thu dụng người thiếu năng lực do các quan chức này tiến cử để đổi lại sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh được xem là một hình thức hối lộ. Đề cập đến vụ việc trên, một quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ là William Sweeney đã phát biểu: “Khi các viên chức nước ngoài dính líu đến những vụ hối lộ, hệ thống thị trường tự do của thế giới và nền an ninh quốc gia của chúng ta sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa trầm trọng”. Tuy vướng scandal này, trị giá cổ phiếu của JP Morgan tại thị trường chứng khoán New York vẫn tăng, hiện ở mức 78,25 USD, tăng gần 20% tính cho cả năm 2016.
- LHCT theo BBC, IPS