Miễn chu cấp, tự lo, sảy nhà ra thất nghiệp cho biết tay! Có đứa thành công nhưng có đứa không thể.
Trong một bộ phim của Ấn Độ có tựa Ba chàng ngốc, phim dành cho lứa tuổi học trò nhưng nhiều người lớn xem và nhận định là khá hay và vui nhộn, có tính giáo dục (cho cha mẹ). Ba chàng trai thành phần gia đình khác nhau cùng học tại Trường Đại học Cơ khí Hoàng Gia, một trường có phương pháp giáo dục khá khắt khe, coi trọng điểm số và luôn áp đặt sinh viên vào guồng.
- Xem thêm: Nghĩ cho 10 năm, năm năm hay một năm?
Một chàng trai có hoàn cảnh khó khăn, cha bị liệt, người chị chưa lấy chồng vì không có của hồi môn; một chàng trai khác là niềm kỳ vọng của gia đình khi anh được vào trường dù anh không hề yêu thích ngành cơ khí, đam mê của anh là nhiếp ảnh và anh đã có những tác phẩm được đánh giá cao. Kết quả học tập của hai chàng này khá trầy trật so với chàng thứ ba, nổi tiếng thông minh, học giỏi và có lối học hành tài tử.
Ba chàng chơi thân với nhau và chàng tài tử đã thuyết phục được hai bạn mình rằng, học tập chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích, học bằng chính trái tim chứ không vì điểm số, học để hoàn thiện chứ không phải học để giàu có.
Có thể thấy, bài học cuộc đời đầu tiên mà bất cứ người nào cũng phải qua đó là sự ganh đua. Bước chân vào nhà trẻ, cô giáo đã dạy cho trẻ nhìn bạn: bạn ăn nhanh phải cố gắng nhanh hơn bạn, chẳng hạn. Sự ganh đua từ ngày đầu đó khiến con người lao vào guồng, phải chuyển động về phía trước, nếu không sẽ bị tụt hậu!
Trong gia đình cũng vậy, cho dù hai vợ chồng cùng một xuất phát điểm, nhưng nếu một người không cố gắng cũng sẽ bị bỏ lại. Có vợ chồng nhà kia, cưới nhau một thời gian thì tình yêu ngày nào biến mất, chỉ còn hai chiếc bóng ở chung nhà. Anh theo đuổi công việc của anh, chị có việc riêng của chị.
Rốt cục thành hai hướng khác nhau, ngày càng đẩy xa nhau. Anh thấy vợ mình tẻ nhạt, không đủ “tầm” để nói chuyện với anh. Chị thấy chồng mình suốt ngày kể chuyện ăn nhậu, mánh mung, không hề nghe một bản nhạc, đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim. Lãng mạn thành hai từ xa xỉ trong đời sống hôn nhân mất rồi!
Trong bộ phim kể trên, ba chàng trai sau khi tốt nghiệp, mỗi người đi mỗi ngả, chàng trai say mê nhiếp ảnh đã chọn được ngành mình yêu thích. Không ai biết con đường mình sẽ đi tới.
- Xem thêm: Tại số…mạng cuộc đời!
Bài hát trong phim có tính triết lý sâu sắc để suy ngẫm về cuộc sống, về bạn đời và về con đường còn dài phía trước: “Khi cuộc sống nằm ngoài sự kiểm soát hãy để môi bạn hát và cất lên giai điệu. Mọi chuyện đều ổn. Con gà không hề biết số phận của quả trứng. Liệu nó có nở hoặc sẽ trở thành món trứng chiên? Không ai biết tương lai sẽ chờ đợi gì. Vì vậy hãy để môi bạn hát và cất lên giai điệu.
Nếu trái tim yếu đuối sợ hãi rồi sẽ phải chết. Vậy hãy đánh lừa nó với một lời nói dối đơn giản. Trái tim là một kẻ ngốc nó sẽ bị đánh lừa bởi câu nói đó. Chú cừu không biết vận mệnh của mình là gì? Liệu nó sẽ thành món thịt xiên hay thịt băm. Không ai biết tương lai chờ đợi gì. Hãy để môi bạn hát và cất lên giai điệu: “Mọi chuyện đều ổn””.
Phải chăng, nếu con cái không theo ý muốn của cha mẹ mà theo ý của mình thì cha mẹ cũng không có gì phải phiền muộn, bởi vì mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy, miễn là chúng ta sống vui vẻ với nhau, vợ chồng cũng thế!