Gặp Tổng giám đốc De Heus, ông Gabor Fluit trước ngày công ty chuẩn bị khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ bảy tại Việt Nam, trong niềm vui của một “thuyền trưởng” vừa dẫn dắt con tàu De Heus vượt qua khó khăn của những năm đầu có mặt tại thị trường Việt Nam để đến bến thành công, ông Gabor Fluit nói: “Thành quả của De Heus hôm nay chính là kết quả của sự kết hợp của chiến lược kinh doanh khác biệt cũng như văn hóa De Heus, đó cũng là động lực để thúc đẩy nhân viên làm việc và luôn mang trong mình tinh thần chiến thắng”.
Cụ thể văn hóa đó được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Tại De Heus, chúng tôi xây dựng văn hóa công ty dựa trên bốn tiêu chí: luôn luôn học hỏi, biết lắng nghe, giúp đỡ và chia sẻ. Môi trường làm việc tại De Heus được xây dựng như một gia đình lớn, nơi đó, chúng tôi thực sự quan tâm lẫn nhau trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt, luôn tạo cơ hội cho tất cả các nhân viên phát triển.
Hằng năm, chúng tôi có chương trình huấn luyện và đào tạo cho nhân viên để trang bị cho họ kiến thức cần thiết trong dinh dưỡng, sản xuất thức ăn và quản lý trang trại. Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ việc huấn luyện từ phía tập đoàn ở Hà Lan. Nhờ cách đào tạo này mà nhân viên của De Heus đóng góp thêm được giá trị gia tăng cho khách hàng, giúp De Heus có nhiều khách hàng hơn.
Bảy năm gắn bó với lĩnh vực Nông nghiệp, ông đánh giá thế nào về ngành Nông nghiệp của Việt Nam?
Ngành Nông nghiệp Việt Nam trong tám năm qua đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là ngành chăn nuôi đã được mở rộng quy mô, nhiều trang trại lớn ra đời và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại.
Nếu tám năm trước, nhiều trang trại chăn nuôi tại Việt Nam không bằng Thái Lan về quy mô chuồng trại, kỹ thuật, quy trình và chi phí chăn nuôi thì bây giờ nhiều trang trại lớn tại Việt Nam đã ngang bằng với trang trại lớn của Thái Lan.
Mặc dù công nghệ chăn nuôi tại Việt Nam còn chưa bằng nước ngoài nhưng lợi thế của người nông dân Việt Nam là am hiểu văn hóa bản địa, kinh nghiệm rất tốt. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của Việt Nam cũng nhanh hơn các nước nên không lâu, Việt Nam sẽ ngang bằng và vượt qua các nước bạn.
Tuy nhiên, ở lĩnh vực trồng trọt thì nhiều mô hình trồng rau, cây ăn trái còn quy mô nhỏ, chưa áp dụng quy trình, kỹ thuật mới, chất lượng và năng suất cây giống, cũng tương tự như đối với chăn nuôi, Việt Nam chưa thực sự có được con giống chất lượng cao do nguồn giống chưa được tuyển chọn tốt, điều này ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi nói riêng và tính cạnh tranh trên thị trường nói chung.
Việt Nam đang là thị trường tiềm năng của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, điều đó có nghĩa không ít cạnh tranh, vậy lợi thế cạnh tranh của De Heus là gì?
Hiện tại ở Việt Nam có hơn 300 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cả nội địa và nước ngoài. Đó là điểm lợi cho người chăn nuôi vì có nhiều chọn lựa nhưng cũng là cạnh tranh để các công ty liên tục cải tiến công nghệ, đó cũng là lý do chúng tôi khánh thành nhà máy thứ bảy tại Việt Nam và nâng công suất lên 250.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Với kinh nghiệm hơn 100 năm trong lĩnh vực này, De Heus có thế mạnh về quản lý, công nghệ, nguồn vốn… Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh, chúng tôi phải vận dụng hài hòa cách quản lý theo lối phù hợp với con người Việt Nam, nghĩa là tôn trọng văn hóa Việt, không ép đại lý, đối tác phải làm theo ý mình, luôn lắng nghe ý kiến khách hàng, đại lý trước khi triển khai các kế hoạch kinh doanh và sản phẩm mới.
Một triết lý kinh doanh và cũng là điểm mạnh của De Heus, đó là: Mình mạnh, đối tác cũng phải mạnh. Nghĩa là De Heus không chỉ là công ty bán thức ăn chăn nuôi mà cùng song hành với người nông dân, giúp họ tăng hiệu quả kinh doanh.
Hiện nay, nhiều tập đoàn đang đi theo mô hình: Vừa là nhà cung cấp thức ăn, vừa tự chăn nuôi, vô hình chung họ là đối thủ với các đối tác của mình nên khó tạo sợi dây gắn bó và cùng đồng hành. Đó chính là điểm khác biệt của De Heus.
Cụ thể, bên cạnh việc cung cấp thức ăn, con giống, kỹ thuật nuôi, hỗ trợ người chăn nuôi cách quản lý để giảm chi phí chăn nuôi, hướng dẫn họ cách phòng chống dịch bệnh, De Heus còn liên kết với các công ty giết mổ, giúp các trang trại đảm bảo đầu ra. Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng nhiều dịch vụ hỗ trợ phát triển chăn nuôi như có hẳn một đội thiết kế xây dựng chuồng trại.
Đặc biệt, trong khi thị trường vẫn cung cấp thức ăn bằng bao bì 20kg, 40kg thì De Heus đã mạnh dạn đầu tư dự án Xe bồn nhằm cung cấp thức ăn bằng cách bơm trực tiếp thức ăn vào các silo được lắp đặt tại các trang trại, giúp giảm chi phí, bảo quản tốt hơn, nâng khả năng cạnh tranh đầu ra sản phẩm chăn nuôi.
So với các công ty cùng ngành, De Heus mới chỉ gia nhập thị trường Việt Nam tám năm, trong khi các công ty khác có đến 20 năm, liệu đây có là điểm yếu?
Tất nhiên cũng có khó khăn, do mình đến sau nên trong thời gian ngắn, chúng tôi không thể làm nhanh những điều mình muốn. Song người đến sau cũng có nhiều lợi thế khác, đó là tránh được những điểm yếu mà công ty khác đang làm và chọn cho mình hướng đi riêng, khác biệt, đặc biệt chú trọng việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm.
Nhờ chiến lược phát triển thị trường khác biệt, chúng tôi mới có bước đi nhanh. Hiện tại, De Heus đang liên kết với các trường đại học, đầu tư một trại thực nghiệm thủy sản, gia cầm để cải thiện chất lượng sản phẩm từ những trang trại mẫu này.
Việt Nam đang gia nhập các Hiệp định kinh tế thương mại TPP, AEC, theo ông, thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào?
Hai mặt hàng cá và thủy sản sẽ có lợi thế khi vào TPP nhưng cũng sẽ gặp khó khăn vì các nước yêu cầu sản phẩm không bị ô nhiễm và đây là việc ngành thủy sản cần phải khắc phục.
Riêng mảng thức ăn gia súc cũng sẽ gặp khó vì gia nhập TPP, thức ăn gia súc, gia cầm nhập khẩu sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Tuy nhiên, De Heus vẫn tự tin vì chúng tôi đã đầu tư nhiều trang trại lớn, áp dụng công nghệ hiện đại nhất nên chi phí sẽ rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Hiện nay chúng tôi đang giúp các trang trại nhỏ nâng cấp mô hình chăn nuôi để tăng giá trị bằng cách cho họ đi học hỏi các trang trại chăn nuôi, giết mổ ở Hà Lan để họ mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ, cập nhật kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi mới.
Với những nỗ lực đã làm cho nông dân, ông có tự tin De Heus gây được dấu ấn trong nhận thức của người nông dân Việt Nam?
Tôi hoàn toàn tự tin vì hiện nay chúng tôi là công ty có số lượng đại lý khá đông, khoảng 2.000 đại lý và điều đáng tự hào là số đại lý “bỏ” De Heus để chuyển sang công ty khác rất ít. Bởi họ tín nhiệm chất lượng sản phẩm của chúng tôi luôn đứng đầu cùng với dịch vụ luôn song hành, hỗ trợ họ.
Kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, ông lo ngại nhất điều gì?
Chúng tôi rất cần Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan kiên quyết thực thi nghiêm ngặt việc cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Bởi lĩnh vực nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế, khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu, chúng tôi không sợ cạnh tranh về giá mà sợ về chất lượng. Bởi một khi sản phẩm trong nước kém chất lượng, gây hoang mang, lo lắng cho người dùng, dẫn đến việc họ không an tâm và quay mặt với hàng sản xuất trong nước. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng cho cả ngành chăn nuôi và nền nông nghiệp Việt Nam.
Vậy De Heus có kế hoạch gì để giải quyết nỗi lo này?
Việt Nam là thị trường tốt, trong lĩnh vực chăn nuôi có nhiều người giỏi để có thể phát triển thành những lãnh đạo điều hành nên chúng tôi chọn Việt Nam làm văn phòng để điều hành khu vực châu Á.
Chúng tôi đang xây dựng nhà máy ở Myanmar và đang xuất khẩu sản phẩm sang các nước như Campuchia, Bangladesh. Vì vậy, chúng tôi rất cần nhân tài để điều hành thị trường các nước và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng. Đó cũng là lý do hiện nay tại Việt Nam, 100% nhân viên De Heus là người Việt, chỉ duy nhất có ba nhân sự là người nước ngoài.
Những năm trước, chúng tôi chỉ tập trung chi phí cho việc cùng nông dân xây dựng trang trại. Năm 2016 và tiếp theo, chúng tôi sẽ tập trung vào chất lượng để người Việt Nam tự hào về sản phẩm sản xuất made in Việt Nam, cụ thể, De Heus sẽ tiếp tục xây dựng chuỗi hợp tác để xây dựng dự án gà sạch, heo sạch, có truy xuất nguồn gốc, hướng tới điều cam kết quan trọng của chúng tôi là góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thị trường nhằm đạt mục tiêu sản lượng năm 2016 là 1.000.000 tấn. Năm 2015, sản lượng của chúng tôi đạt 730.000 tấn.
Xin cảm ơn ông về chia sẻ này.