Lãnh đạo phe ly khai ở vùng Donetsk thuộc miền Đông Ukraina tuần qua đã chính thức đề nghị được trở thành một phần của nước Nga. Trước đó, phe ly khai công bố chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần và Moscow tuyên bố tôn trọng kết quả này.
Theo tờWall Street Journal, động thái trên của phe ly khai đã vượt quá vấn đề độc lập được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời đẩy đất nước Ukraina tới nguy cơ bị chia rẽ và rơi vào một cuộc nội chiến. Những diễn biến mới này gợi nhớ lại những gì diễn ra trên bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014. Sau một cuộc trưng cầu dân ý với chiến thắng thuộc về phe thân Nga, bán đảo này đã sáp nhập vào Nga.
Công nhân của Công ty Metinvest dọn dẹp đống đổ nát sau khi giành được quyền kiểm soát Mariupol
Tuy vậy, một cách phản ứng khác của nước Nga bắt đầu xuất hiện. Mặc dù tuyên bố tôn trọng kết quả các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk và Luhansk, Moscow hiện vẫn im lặng trước lời đề nghị xin gia nhập Nga của phe ly khai. Ngoài ra, kênh truyền hình quốc gia không đưa nhiều thông tin về vấn đề này, trái ngược với việc đưa tin rầm rộ về Crimea trước kia.
Mỹ và phương Tây xem cuộc trưng cầu dân ý ở miền Đông Ukraina là bất hợp pháp, đồng thời phê phán ông Putin không dùng ảnh hưởng của Nga để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói rằng cuộc trưng cầu dân ý ở miền Đông Ukraina là “điềm báo không lành” cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25-5 ở nước này.
Giới phân tích tin rằng, trong ngắn hạn, Moscow sẽ không sáp nhập vùng Đông Nam của Ukraina, khu vực thiếu tầm quan trọng chiến lược về quân sự như bán đảo Crimea, mà thay vào đó sẽ gây sức ép buộc Kiev phải từ bỏ các tham vọng ở châu Âu.
Nga đã kêu gọi Ukraina thay đổi hiến pháp, cho phép nước này trở thành một liên bang với các khu vực được trao quyền tự quyết lớn hơn. Các quan chức Nga cho rằng, cấu trúc như vậy sẽ trao nhiều quyền hơn cho người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraina. Trong khi đó, Kiev và phương Tây xem mô hình liên bang là nỗ lực của Moscow nhằm củng cố sự kiểm soát đối với Ukraina thông qua các nước cộng hòa nằm bên trong biên giới Ukraina. Như vậy, việc Ukraina hội nhập sâu hơn vào châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Ukraina cuối tuần qua, hàng ngàn công nhân xưởng thép và thợ mỏ đã tràn xuống đường phố nhằm giành lại quyền kiểm soát từ các tay súng thân Nga và có thể làm đảo chiều cục diện hiện tại ở miền Đông Ukraina. Công nhân xưởng thép và thợ mỏ đã kiểm soát ít nhất năm thành phố, bao gồm thủ phủ của vùng là Donetsk. Tuy vậy, họ vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát các thành phố này như đang kiểm soát Mariupol. Mariupol là thành phố lớn thứ hai trong khu vực và là nơi đã diễn ra trận phục kích đẫm máu giữa quân đội Ukraina và các tay súng thân Nga tuần trước.
Đây là một đòn giáng mạnh vào lực lượng đòi ly khai đang giành quyền kiểm soát khu vực trong những tuần gần đây cũng như tại hàng chục thành phố khác đã tổ chức trưng cầu ý dân về quyền độc lập hồi cuối tuần qua.
Các công nhân xuống đường nằm trong số 280.000 công nhân làm việc trong các xưởng thép và hầm mỏ thuộc Công ty Metinvest & DTEK của doanh nhân giàu nhất Ukraina là Rinat Akhmetov tại khu vực miền Đông. Ông Akhmetov ủng hộ việc thống nhất Ukraina và tuyên bố từ chối ly khai.
Nhiều người chỉ trích tỉ phú này khi cho rằng việc không thể hiện lập trường sớm hơn đã dẫn đến bạo lực đẫm máu tại khu vực miền Đông. Tuy nhiên, phụ tá của ông Akhmetov cho biết rằng ông Akhmetov quyết định đối đầu với lực lượng ly khai với một niềm tin sâu sắc rằng nền độc lập hay thậm chí là bán tự trị sẽ là thảm họa cho miền Đông. Ông Akhmetov kêu gọi công nhân của ông, những người có nguy cơ mất việc, chiếm lại các thành phố.
Công nhân với quần áo và mũ bảo hộ, tay không tấc sắt, cho biết họ “đứng ngoài chính trị” và chỉ cố gắng để vãn hồi trật tự. Công nhân dùng máy xúc đất và xe ben để phá bỏ các rào chắn do lực lượng đòi ly khai dựng lên.
T.H