Cùng gánh chịu nhiều áp lực do nền kinh tế năm nay gặp khó khăn, lại thêm các khoản thuế, phí có khả năng tiếp tục tăng cao, đối với không ít nhà đầu tư, niềm tin vào sự hồi phục của thị trường ôtô Việt Nam đang bắt đầu lung lay. Thế nhưng, “tại Mercedes thì không”, ông Micheal Behrens – TGĐ Mercedes-Benz Việt Nam khẳng định.
Từ một quyết định có phần mạo hiểm…
Sự vững tin đó có cơ sở nếu xem xét những gì nhà sản xuất xe hơi hàng đầu nước Đức đã trải qua ở Việt Nam – một thị trường tiềm năng nhưng vô cùng nhạy cảm với những bước thăng, giáng khó lường.
S500 – phiên bản đỉnh cao trong 22 mẫu xe Mercedes-Benz giới thiệu tại thị trường Việt Nam
Ông Đặng Hoài Nam, một chuyên gia lâu năm của bộ phận sản xuất nhà máy Mercedes-Benz Việt Nam, vẫn không quên một ngày đầu tháng 2-2006. Lúc đó, không khí tết đang tràn ngập thành phố, nhưng 400 công nhân viên của công ty này lại đang lo nghĩ về việc làm của họ. Một số xe mới chuẩn bị ra mắt thị trường và Hội đồng Quản trị đang họp để đưa ra quyết định quan trọng: sẽ sản xuất nội địa hay nhập khẩu nguyên chiếc. Tất nhiên, cần thêm nhiều vốn đầu tư nếu tiếp tục sản xuất, còn nếu chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu nguyên chiếc thì rủi ro sẽ giảm nhiều và điều đó cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm lực lượng lao động. Tại thời điểm đó, do chính sách thuế thay đổi đột ngột (tăng thuế nhập khẩu linh kiện, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế xe nhập khẩu) nên lượng xe tồn kho khá cao. Doanh số bán hàng trên cả nước trong năm 2005 của Mercedes-Benz Việt Nam chỉ đạt 35.264 xe các loại, giảm 13% so với năm 2004.
C-Class mẫu xe bán chạy nhất của Mercedes-Benz tại Việt Nam
Sau cuộc thảo luận kéo dài hai ngày, Hội đồng Quản trị công ty quyết định… tăng thêm vốn! Sự kiện ấy khiến bao nhân viên thở phào nhẹ nhõm. “Nếu lúc đó lãnh đạo công ty không mạnh dạn quyết định như vậy thì Mercedes-Benz Việt Nam không thể lớn mạnh như ngày hôm nay. Bản thân tôi có lẽ cũng không còn ở lại đây để chứng kiến điều đó nếu những dây chuyền sản xuất mới không được đầu tư” – ông Nam nhớ lại.
Việt Nam là thị trường thứ 3 giới thiệu mẫu xe GLK, chỉ sau Đức và Mỹ, đây là mẫu xe được lắp ráp trong nước và cũng là dòng xe chiến lược của Mercedes-Benz
Niềm tin ấy đã trở thành nền tảng cho một thời kỳ phát triển mới. Cùng với những chiến lược giá và tiếp thị đúng đắn, Mercedes-Benz Việt Nam có những bước tăng trưởng khó tin trong năm năm tiếp theo, đạt số mức bán ra 3.000 xe/năm trong giai đoạn 2009-2011, chiếm hơn 60% thị phần trong phân khúc xe hạng sang – một kỷ lục đối với hãng xe ôtô cao cấp tại Việt Nam. Theo ông Udo Loersch – Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam thời kỳ ấy, sự tăng trưởng của Mercedes-Benz tại Việt Nam còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng của thương hiệu này tại Trung Quốc.