Mới đây, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa ra lập luận eo biển Malacca có tính quyết định với nền kinh tế của Trung Quốc nên Bắc Kinh phải được tham gia quản lý trực tiếp để tăng cường an ninh, nhưng điều này không được các quốc gia trong vùng quan tâm.
Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc hiện nay phụ thuộc nhiều vào dầu, khí đốt và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác được nhập khẩu chủ yếu bằng đường biển, trong đó gần 80% được vận chuyển qua nút thắt cổ chai Malacca.
Trong tình hình tranh chấp trên biển và dự báo những bất trắc đe dọa tắc nghẽn eo biển Malacca, từ lâu Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm những tuyến đường vận chuyển dầu khác để thay thế.
Điển hình là Trung Quốc đã ký được thỏa thuận nhập dầu thô dài hạn từ Venezuela mà không qua eo Malacca, qua đó Trung Quốc cho quốc gia Nam Mỹ này vay 20 tỉ USD nhằm củng cố hệ thống tín dụng, tài trợ cho những nhà máy điện mới và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Con đường vận chuyển dầu qua eo biển Malacca
Nhưng quan trọng nhất là việc xây dựng một hệ thống đường ống dẫn mới từ Âu sang Á. Từ năm 2004, Trung Quốc ký với Kazakhstan để xây 1.000km đường ống trị giá 700 triệu USD nối Atasu ở Kazakhstan với Alashankou ở Tân Cương, Trung Quốc. Công trình này đi vào hoạt động từ tháng 12-2005, công suất vận chuyển ban đầu chỉ là 10 triệu tấn dầu/năm và dự kiến sẽ tăng gấp đôi sau khi đường ống được mở quy mô đến khoảng 3.000km.
Một nỗ lực khác là cuối tháng 12-2009, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc khởi công xây dựng hệ thống đường ống Trung Á dài 2.200km, bắt đầu từ Bagtyyarlyk ở miền Bắc Turkmenistan, băng qua Uzbekistan và miền Nam Kazakhstan, đến Horgos thuộc tỉnh Tân Cương và kết nối với hệ thống ống dẫn hiện có của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với Nga để phát triển hệ thống Đông Siberia – Thái Bình Dương (ESPO) dài 4.800km vận chuyển dầu thô sang Trung Quốc, khởi công vào năm 2009, dựa trên các khoản vay dài hạn lên đến 25 tỉ USD cho các công ty của Nga và đổi lại, Trung Quốc sẽ nhận được 300 triệu tấn dầu qua đường ống này trong thời gian từ 2011 đến 2030.
Trong khi tiến hành thực hiện hàng loạt biện pháp đối phó với nguy cơ lệ thuộc năng lượng nhập khẩu thì trước mắt, phương cách tối ưu nhất cho Trung Quốc vẫn là bảo vệ an ninh hàng hải, tăng cường tham gia kiểm soát eo biển Malacca.
Tuy khó có thể đòi quyền tham gia trực tiếp quản lý Malacca, nhưng Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục bằng cách tăng cường viện trợ kinh tế, cung cấp tàu tuần tra và nhân viên an ninh giúp các nước duyên hải sở tại điều tra, khảo sát.
Hiện nay vai trò quản lý của Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở việc thành lập Trung tâm chia sẻ thông tin ở Singapore.
Tình hình Biển Đông căng thẳng thì eo biển Malacca càng thêm quan trọng, vị trí chiến lược của nó đang là tâm điểm chú ý của các nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hải trình này.
Lê Viết Đỉnh