Gọi điện rủ thằng em chạy bộ, nó nói tuần này em nghỉ, ở nhà làm hang đá cho tụi nhỏ! Sắp Noel rồi? Vậy mà anh quên mất. Mấy hôm nay đi làm về trễ, khi phố đã lên đèn, dường như phố cũng đổi màu, rực rỡ, nhộn nhịp hơn. Nhưng những lo toan bận rộn mùa cuối năm cuốn lấy anh nên cái mơ hồ “dường như” ấy cũng chỉ lướt qua, cho đến khi thằng em trong xóm tình cờ khơi dậy cảm xúc và hình ảnh xưa cũ trong cái lý do rất chính đáng: ở nhà làm hang đá cho tụi nhỏ.
Ừ, thì cho tụi nhỏ là chính, chứ như anh thì đã qua cái thời hân hoan chạy khắp xóm để nhìn ngó rồi so sánh xem hang đá nhà đứa nào to nhất, đẹp nhất rồi. Anh lớn lên trong một xóm toàn Công giáo. Nhà nào cũng có đạo nên việc làm hang đá vào dịp Noel như là một thông lệ. Tầm cuối tháng 11 đầu tháng 12 là đã bắt đầu rục rịch làm hang đá. Cứ thấy ba anh, bỗng một chiều đi làm về, tắm rửa xong, bắc cái thang tre leo lên gác, lôi xuống đống đồ nghề của ông là anh biết sắp đến Noel rồi. Cùng với các bức tượng thánh gia như Đức mẹ, thánh Giuse, Chúa hài đồng và chiên, cừu… thì đồ nghề của ba anh chỉ toàn bao xi măng bằng giấy, được bồi đi bồi lại nhiều lớp và phết qua lớp nhọ nồi màu đen. Cứ sau mỗi mùa Noel, lại được ba anh dọn dẹp gọn và cất trên gác. Chỉ vậy thôi nhưng cái hang đá nhà anh không năm nào giống năm nào. Là nhờ mỗi năm ba anh đều nghĩ ra một cách tạo khối cho cái hang theo nhiều cách khác nhau, giấy bồi được gấp thành nhiều hình thù, tạo hình những khối đá giả, xếp lên nhau các kiểu, khoảng trống ở giữa lót rơm, bày biện các bức tượng lên đó. Có năm, chán với motif núi đá và ổ rơm, ông dẫn anh đi dọc bờ sông cắt từng ôm bông lau trắng về, biến cái hang đá thông thường thành một mái nhà lợp hoàn toàn bằng bông lau… Đó là năm anh tự hào hân hoan khoe với tụi bạn trong xóm rằng cái “hang đá” nhà mình độc nhất, có tuyết trắng! Nhưng niềm vui ấy cũng chẳng được bao lâu. Chỉ vài ngày sau, khi cái hang đá nhà chú Tư ở xóm kế bên hoàn thành, toàn bộ trẻ con đều tập trung về sân bên đó. Lý do là cái hang đá bên ấy có điện chớp nhấp nháy. Hồi đó, quê anh chưa có điện nên việc cái hang đá có điện chớp nháy là một sự kiện chưa từng có. Ấy là vì chú Tư đi Sài Gòn về, mua được mấy chùm bóng đèn quả nhót. Chú câu vào cái bình ắc quy máy cày, dù rằng chỉ thắp sáng được vài buổi tối rồi ngưng vì bình hết điện, nhưng cũng qua một mùa Noel và cái hang đá ấy còn được bọn trẻ tụi anh nhắc cho đến… tết.
Mà giờ lớn tuổi rồi, nghĩ lại anh bỗng thấy có gì đó sai sai trong cái cách so sánh, tự hào về sự “to nhất”, “đẹp nhất” của bọn trẻ tụi anh hồi nhỏ. Và nếu như nó không sai đi nữa, anh ước gì cái tâm lý so sánh ấy chỉ là thuộc tính của trẻ con thôi thì đỡ biết mấy. Nhưng không, trong thế giới của người lớn, cái khát khao ham muốn về sự to lớn, đẹp đẽ nhất ấy còn mãnh liệt hơn, không hề vô tư và chóng quên như trẻ con. Thì cứ thỉnh thoảng lại nghe truyền thông đề cập đến những kỷ lục chẳng hạn như tách cà phê lớn nhất, bánh chưng lớn nhất… trong các dịp lễ hội là đủ biết. Dân tình ủng hộ cũng có, phê phán cũng nhiều, nhưng người ta vẫn có đủ những lý do để hướng tới những kỷ lục kiểu như vậy và anh vẫn nghĩ rằng sẽ còn tiếp tục được nghe về những cái “nhất” như thế, trong tương lai.
Chuyện làm hang đá của người lớn cũng thế. Anh nhớ vài năm trước, ghé thăm ông cậu trong một xóm đạo dưới Gò Vấp vào dịp Noel, bàn về chuyện hang đá, ông cũng chép miệng than, tốn kém lắm cháu ạ. Đấy là cậu anh đang nói về làm hang đá ở các nhà thờ. Giáo xứ nơi cậu anh ở thì cứ giao nhiệm vụ luân phiên cho các giáo khu, Noel năm này giáo khu này làm hang đá thì năm sau tới giáo khu khác… Và các giáo khu cứ “nhìn nhau” để làm, sao cho năm nay phải hơn năm ngoái! Hang đá mà to lớn như cái nhà, chiếm cả một góc sân nhà thờ, có thác nước, xe nai chớp nháy chạy từ trên đỉnh tháp chuông xuống… Riết rồi việc làm hang đá trở thành một cuộc đua ngấm ngầm giữa các giáo khu, tốn kém không ít. Sao không tiết kiệm lại, để dành tiền cho người nghèo? Có người giải thích rằng vẫn có quà cho người nghèo đó thôi, còn đây là nguồn tiền của các mạnh thường quân đóng góp, chủ yếu là mang niềm vui chung cho cộng đồng, vì dịp này nhà thờ là điểm đến của bà con các bên lương, giáo… Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng cái lý ấy cũng giống như khi người ta giải thích cho việc đốt pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán vào một năm vừa trải qua thiên tai lũ lụt nặng nề, mùa màng thất bát.
Hay anh già rồi, khó tính? Anh vẫn cứ nghĩ rằng cái hang đá phải được làm và phải đơn sơ như nó vốn có, vậy mới đúng tinh thần Giáng sinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Chúa lại hạ sinh trong một gia đình nghèo và nơi cất tiếng khóc đầu tiên là trong một cái hang, giữa đám chiên, cừu. Là do ngài chọn! Để chia sẻ, đồng cảm và trải nghiệm tất cả những gì khó khăn nhất của con người. Anh vẫn nghĩ rằng cho đến bây giờ, tỷ lệ người nghèo vẫn chiếm đại đa số trong sáu, bảy tỉ người trên trái đất. Vậy thì cớ gì để kỷ niệm ngày Giáng sinh, người ta lại phải trang hoàng cái hang đá cho nó lộng lẫy và xa lạ so với tinh thần vốn có? Hay việc trang hoàng ấy là thể hiện ước mơ, thể hiện điều mong mỏi của con người?
Dường như, lòng se lạnh không chỉ vì tiết trời mùa Giáng sinh…