Ngày 24-10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế Việt Nam”. Nhiều tham luận, ý kiến trao đổi tại diễn đàn đã xoay quanh vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn, mở ra tiền đề để Việt Nam hướng đến tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế theo xu hướng chung của cả thế giới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh với 12 nhóm hành động theo bốn nhóm chủ đề là: (1) Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh ở địa phương; (2) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính; (3) Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và (4) Thực hiện xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh dù đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, nổi bật là nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh chưa sâu và chưa đầy đủ, thường chú trọng vào lợi ích trước mắt mà thiếu ưu tiên cho phát triển dài hạn. Để hiện thực hóa ý đồ tăng trưởng xanh, cần du nhập công nghệ cao nhưng khả năng tài chính của quốc gia lại có hạn. Bên cạnh đó, khu vực FDI tuy đóng góp khá quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhưng ít tương tác với khu vực doanh nghiệp trong nước, vì vậy việc chuyển giao công nghệ không đáng kể…
Tăng trưởng xanh đòi hỏi nhu cầu lớn về vốn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 nhưng năng lực của đất nước đang bị hạn chế, trong khi đó không dễ thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ vốn du nhập công nghệ xanh. Một số tham luận cho rằng trước mắt phải mạnh mẽ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để tạo bước chuyển về mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn thông qua việc đổi mới cơ chế phân bố và quản lý nguồn lực theo hướng minh bạch, theo đúng mục tiêu, tránh dàn trải, xin – cho…
Xác định được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt mà một cột mốc quan trọng là vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020”. Các giải pháp đã được nêu ra bao gồm nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương, doanh nghiệp và đổi mới công nghệ… Theo dự kiến, nguồn vốn dành cho kế hoạch tăng trưởng dự kiến lên đến hàng chục tỉ USD, trong đó 70% huy động từ nguồn vốn tư nhân, 30% đến từ nguồn vốn Nhà nước. Để huy động được nguồn vốn tư nhân, Chính phủ đã và sẽ đề ra những giải pháp khuyến khích mọi doanh nghiệp tích cực hơn với công nghệ xanh.
Nguyễn Thắng