Syria có thể biến thành lò lửa chiến tranh khi mà những diễn biến gần đây cho thấy các bên ủng hộ hai phe trong cuộc nội chiến hiện nay ở Syria là phương Tây và Nga đã và đang có kế hoạch đổ vũ khí vào đất nước tang thương này. Trong phát biểu với các nhà báo mới đây, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama coi việc sử dụng vũ khí hóa học là một “lằn ranh đỏ” mà nếu bị vượt qua, sẽ buộc Hoa Kỳ phải can thiệp nhiều hơn vào cuộc tranh chấp tại Syria.
Tình hình cụ thể được mô tả là Washington đang xúc tiến một kế hoạch để cung cấp vũ khí và đạn dược cho phe nổi dậy Syria, một động thái đã lập tức nhận phản ứng tích cực từ các đồng minh của Hoa Kỳ tại Âu châu.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các giới chức Nhà Trắng nói rằng một báo cáo tình báo cho thấy đã tìm thấy bằng chứng chắc chắn Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học, kể cả khí độc chết người sarin, nhằm vào phe nổi dậy Syria trong năm qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague ngay lập tức cho biết London đồng ý với thẩm định của Hoa Kỳ đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phải phản ứng lại một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng hoan nghênh điều mà ông gọi là “phát biểu rõ ràng của Hoa Kỳ”, nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hóa học là điều “hoàn toàn không thể được chấp nhận” và kêu gọi Syria cho phép Liên Hiệp Quốc điều tra các bản tường trình về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, Nga lại cho rằng chứng cớ do Hoa Kỳ cung cấp “có vẻ không thuyết phục”. Ông Yuri Ushakov, phụ tá của Tổng thống Nga Vladimir Putin, còn nói rằng tăng viện trợ quân sự của Mỹ cho phe nổi dậy sẽ cản trở các nỗ lực nhằm triệu tập một hội nghị hòa bình về Syria.
Không hề thua kém, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 20-6 khẳng định Nga sẽ thực thi hợp đồng chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho chính quyền Syria.
Tên lửa phòng không S-300 của Nga sẽ chuyển giao cho Syria
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Rossiya 24, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga tôn trọng tất cả các hợp đồng giữa hai bên và đang thực thi những nghĩa vụ theo hợp đồng.
Quan chức này cũng một lần nữa nhắc lại lập trường phản đối của Nga đối với khả năng thiết lập một vùng cấm bay tại Syria, cũng như kế hoạch của phương Tây vũ trang cho phe đối lập nhằm chống lại chính quyền Syria.
Chỉ một ngày sau khi hội nghị thượng đỉnh G8 kết thúc, trong đó các nhà lãnh đạo phương Tây không thuyết phục được Nga ủng hộ giải pháp lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Moscow lập tức tuyên bố cử hai tàu chiến mang theo 600 lính thủy đánh bộ tới Syria. Phó tư lệnh Không quân Nga, thiếu tướng Gradusov, nói rằng việc Nga cử tàu là nhằm bảo vệ công dân Nga ở Syria.
Nguồn tin quân sự của Mạng thông tin tình báo DEBKAfile (Israel) nhận xét rằng các lý do Nga đưa ra khi cử tàu chiến và binh lính đến Syria chỉ nhằm thể hiện một cách khôn khéo sức mạnh quân sự của Nga, đáp lại việc phương Tây cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria.
Liên Hiệp Quốc cho rằng có bằng chứng Damascus sử dụng vũ khí hóa học
Các nguồn tin tình báo nhận định, sự hiện diện của Nga trong khu vực chiến sự cộng với khả năng phương Tây cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria là đủ để cấu thành ba chiều hướng nguy hiểm hơn trong cuộc xung đột Syria: (1) Việc gây tổn hại cho binh sĩ Nga sẽ là một cái cớ để Nga tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Syria, (2) Không lực Nga đang trên đường tới Syria trước khi phương Tây ra bất cứ quyết định nào về việc áp đặt một vùng cấm bay tại đây và (3) Sự hiện diện của nhân viên quân sự Nga ở Syria sẽ đổ thêm dầu vào lửa, làm gia tăng căng thẳng vốn đã rất nghiêm trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bác bỏ quan điểm cho rằng Washington đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Syria. Ông nói rằng vẫn ủng hộ quá trình chuyển đổi chính trị trong nước, lưu ý là Mỹ ủng hộ phe đối lập chính trị và vũ trang ở Syria nhằm theo đuổi một mục tiêu duy nhất là lập ra một phe đối lập mạnh mẽ và thống nhất, có khả năng cắt đứt các phần tử cực đoan để sau khi chính phủ của Tổng thống Assad từ chức sẽ có người lên nắm quyền.
Ông Obama không nói rõ Mỹ sẽ cung cấp loại viện trợ quân sự nào và khẳng định Mỹ không có kế hoạch chiến đấu ở đất nước này. Còn Thủ tướng Angela Merkel thì cho biết Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria.
Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-6 đã lên tiếng bảo vệ các hợp đồng vũ khí của Nga với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại quốc gia Trung Đông này, trong đó có cả các nhóm khủng bố.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi nhóm đối lập quân đội Syria Tự do (FSA) xác nhận mới đây đã nhận được các vũ khí mới có thể “làm thay đổi cục diện cuộc chiến” chống chính quyền hiện nay ở Syria. Nhóm vũ trang này cũng thông báo lô vũ khí tiếp theo dự kiến được vận chuyển đến trong vài ngày tới.
Moscow cũng đã quyết định bán tên lửa S-300 cho Syria nhằm thay đổi cán cân sức mạnh ở phía đông Địa Trung Hải theo hướng có lợi cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad và có thể gây khó khăn rất lớn cho bất cứ chiến dịch quân sự nào nhằm chống lại các lực lượng của ông Asaad trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, việc cung cấp các tên lửa trên cho Syria là để ngăn chặn hành động can thiệp trên không của nước ngoài hoặc việc áp đặt một khu vực cấm bay dưới danh nghĩa nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu hiện nay. Khi các kế hoạch cung cấp tên lửa được thực hiện, các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga có thể tấn công và tiêu diệt những tàu chiến của NATO ở cự ly cách xa bờ biển Syria khoảng 300km và bắn rơi các loại máy bay trong phạm vi bán kính tới 200km, kể cả trên không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iraq, Jordan và Địa Trung Hải.
Tàu khu trục Kulakov của Nga trên đường đến bờ biển Syria
Quan điểm thân Syria của chính phủ Nga không có gì lạ, bởi vì chính quyền Assad là đồng minh Ả Rập cuối cùng của Nga. Cho đến nay, Moscow vẫn không chịu tăng sức ép đối với chế độ Assad bất chấp mọi đề nghị của Mỹ và các nước phương Tây. Do từ lâu vẫn mơước hiện diện hải quân thường trực ở Địa Trung Hải, Nga cũng rất chú ý đến giá trị chiến lược của căn cứ hải quân nhỏ bé của họở thành phố cảng Tartus của Syria nằm trên bờ biển Địa Trung Hải. Hạm đội Biển Đen cũng có một số tàu chiến neo đậu tại thành phố cảng lớn Latakiya của Syria.
Tháng 1-2013, lực lượng từ tất cả các hạm đội của Nga đã tập trung ở phía đông Địa Trung Hải để khẳng định rằng Nga đã quay trở lại tại khu vực Cận Đông.
Sắp tới, Mỹ và các nước đồng minh sẽ áp dụng một số biện pháp để lôi kéo Nga tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến Syria, cụ thể là:
– Tạo điều kiện cho việc tổ chức hội nghị hòa bình tại Geneve – Thụy Sĩ nhằm bãi bỏ các nguồn cung cấp tên lửa cho Damascus.
– Phát triển một chế độ cấm vận chống các công ty và ngân hàng của Nga liên quan đến việc cung cấp vũ khí và công nghệ lưỡng dụng cho cả Iran lẫn Syria.
– Khuyến khích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ các dự án xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân theo kế hoạch của các công ty Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vài ngày qua, đã có 27 chuyến bay chở vũ khí từ Libya đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ đây sẽ chuyển giao cho lực lượng nổi dậy ở miền Nam Syria
– Tăng cường hiện diện của hải quân NATO ở phía đông Địa Trung Hải để sẵn sàng đối phó với lực lượng tàu chiến của hải quân Nga thường trực ở đây.
– Phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất và hệ thống cảm biến giữa Hạm đội 6 của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel để có khả năng bảo vệ các lực lượng của các quốc gia này cũng như của Mỹ khỏi các cuộc tấn công tên lửa của Syria và Hezbollah.
– Chia sẻ thông tin với các nước đồng minh về chiến tranh điện tử nhằm đạt được khả năng phòng thủ chống lại các loại tên lửa S-300 và P-800 của Nga.
Cuộc chạy đua đổ vũ khí vào Syria nếu cứ tiếp tục như hiện nay sẽ có khả năng biến đất nước này trở thành một chảo lửa lớn ở Trung Đông.
L.V.Đ tổng hợp