Kênh đào Kra – một dự án rút ngắn 1.200km hải trình từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương được thai nghén từ hơn 300 năm trước – sau một thời gian dài nằm yên, gần đây được khơi dậy với nhiều tranh cãi.
Lợi và bất lợi như thế nào và đến bao giờ dự án này mới thành hiện thực?
Trong một tuyên bố được đưa ra hai tháng trước đây, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Trung tướng Sansern Kaewkamnerd nói rõ dự án kênh đào Kra hiện không phải là một ưu tiên của nước này và Bangkok cho đến nay cũng không có chính sách cụ thể nào dành cho dự án trên.
Theo trang tin Mothership.sg của Singapore, đây cũng là lần đầu tiên trong một thời gian dài, chính phủ Thái Lan có các phát ngôn công khai chính thức về dự án kênh đào Kra.
Ông Sansern nói rằng chính phủ Thái Lan vẫn đang cân nhắc các mặt lợi và hại của dự án trên. Người phát ngôn chính phủ Thái Lan cho biết trong số nhiều vấn đề đang được chính phủ xem xét liên quan tới dự án kênh đào Kra, có vấn đề an ninh và vấn đề chi phí rót vào dự án.
Tướng Sansern cũng kêu gọi người dân ở miền Nam Thái Lan cẩn trọng khi đón nhận các thông tin kêu gọi ủng hộ dự án kênh đào Kra vì những thông tin này có thể sai lệch và tạo ra những hiểu lầm trong lòng công chúng.
Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha làm rõ quan điểm hơn khi nhấn mạnh rằng cuộc vận động ủng hộ dự án kênh đào Kra vẫn không được chính phủ tán thành và dự án này vẫn đang được nghiên cứu.
Điều này được cho nhằm phản ứng với cuộc vận động của Hiệp hội Nghiên cứu và phát triển kênh đào Thái (TCA) một tổ chức gồm toàn cựu chiến binh cao cấp thời gian qua liên tục kêu gọi sự ủng hộ dành cho dự án hàng tỉ USD xuyên qua miền Nam Thái Lan.
Theo đề xuất, siêu kênh đào hai chiều này sâu 25 mét, dài hơn 100km này sẽ cắt ngang vùng Kra Isthmus ở miền Nam Thái Lan, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, sẽ ngốn khoảng từ 20-30 tỉ USD tùy theo tuyến xây dựng và có thể mất 10 năm để hoàn thành. Thế nhưng siêu kênh đào này đang đứng trước sự lựa chọn lợi và bất lợi dù giúp tiết kiệm được 1.200km quãng đường di chuyển so với các lộ trình hàng hải hiện nay thông qua eo biển Malacca.
Eo biển này hiện là con đường “độc đạo” hướng tây kết nối giữa các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản với các mỏ dầu Trung Đông cũng như thị trường Âu – Mỹ khổng lồ. Vào năm ngoái, ít nhất 84.000 tàu đã qua eo biển Malacca.
Một báo cáo gần đây trên trang Nikkei Asian Review cho thấy rất nhiều tổ chức và cá nhân có tiếng đang ra sức thuyết phục thủ tướng Thái Lan về tính khả thi và lợi ích của kênh đào Kra.
Một cựu tướng quân đội Thái Lan và là thành viên của Hiệp hội kênh đào Thái cho hay: “Chúng tôi hy vọng sẽ đem được tiếng nói chung tới chính phủ và thúc đẩy họ nghiêm túc xem xét dự án này. Kênh đào Kra chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia, nhưng tiếc rằng hiện nay nó vẫn còn bị bỏ ngỏ”.
Vấn đề mà giới quan sát lo ngại là vị trí nhạy cảm của khu vực này. Trước hết, kênh đào sẽ xuyên qua miền Nam Thái Lan, nơi xảy ra các cuộc đối đầu liên miên giữa lực lượng chính phủ Thái và các nhóm ly khai người Hồi giáo trong hai thập niên qua, do đó có thể kích động thêm các cuộc nổi loạn.
Thứ hai, siêu dự án rõ ràng sẽ chia cắt vương quốc Thái ra làm hai theo đúng nghĩa đen, khiến một phần miền Nam Thái Lan bị cô lập. Trên thực tế, đã có những tranh cãi nảy lửa trong nước, chủ yếu do ý kiến của những người lo ngại về nguy cơ Thái Lan có thể bị mất các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat vào tay những người ly khai Hồi giáo.
Bên cạnh đó, Thái Lan sẽ chịu sức ép của ba cường quốc khu vực là Indonesia, Malaysia, Singapore, vốn không muốn thấy Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á nếu họ có kế hoạch xây dựng kênh đào với phần lớn nguồn tài trợ từ Trung Quốc. Kênh đào sẽ là một thách thức đối với sự đoàn kết của ASEAN.
Thời gian qua Trung Quốc đã tích cực vận động đề xuất xây kênh đào Kra như một phần của “Vành đai, con đường” – sáng kiến kết nối hạ tầng và thương mại qua một loạt quốc gia Á – Phi – Âu và nước này sẵn sàng tham gia vào dự án.
Mặt khác, dự án sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài của Thái Lan gia tăng, cùng với cái giá xã hội phải trả trong việc tái định cư những người mất đất, tùy theo phương án kênh đào đi qua.
Được biết, tàu sử dụng kênh đào Suez tiết kiệm được khoảng 6.400 dặm biển khi không phải đi vòng quanh châu Phi, trong khi tàu qua kênh đào Panama giảm được khoảng 7.800 dặm khi không phải vòng xuống Nam Mỹ. Chính vì thế, người ta đặt câu hỏi liệu có nên bỏ ra khoản tiền khổng lồ cho kênh đào Kra chỉ để rút ngắn 1.200 dặm biển hay không.
Những người phản đối còn nói rằng dự án này tốn kém, nó đòi hỏi phải xây dựng hàng loạt cầu đường bộ nối hai bờ kênh cùng với đường bộ, đường sắt và ống dẫn dầu, cũng như việc xây thêm các cảng mới tại Ấn Độ Dương và trên vịnh Thái Lan.
Lịch sử kênh đào Panama và Suez cho thấy bất kể lợi ích to lớn mà một kênh đào mang lại, việc một nước cung cấp vốn xây dựng kênh trên lãnh thổ của một nước khác thường dẫn đến việc mở rộng đáng kể ảnh hưởng của nước này đối với nước có kênh đào, giúp họ đạt được các mục tiêu chính trị và an ninh riêng, cũng như làm hạn chế chủ quyền của nước chủ nhà đối với kênh đào.
Tất cả các yếu tố này sớm hay muộn sẽ tạo ra căng thẳng về an ninh và chính trị cũng như tình trạng bất ổn gây chấn động trên phạm vi quốc tế và có nguy cơ đẩy các nước đến bờ vực chiến tranh.
Kênh đào Kra, còn gọi là Thai Canal hay Kra Isthmus Canal, là dự án xây dựng một kênh đào nối Biển Đông với biển Andaman ở Ấn Độ Dương, chạy qua eo đất hẹp ở miền Nam Thái Lan và bỏ qua Singapore.
Ý tưởng này được kỹ sư người Pháp Le Lamar đưa ra từ năm 1677, mà nơi hẹp nhất của con kênh thông hai biển Andaman và vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, với kỹ thuật lúc bấy giờ thì ý tưởng đó không thực hiện được.
Năm 1882, ông Ferdinand de Lesseps, người đã chỉ huy đào kênh Suez, tới thăm eo đất Kra và hứa sẽ giúp đào kênh này. Tuy nhiên, vào năm 1897, Anh không muốn cảng Singapore bị mất ưu thế, nên đã cùng với Thái Lan ký một hiệp ước quyết định không đào kênh qua eo đất Kra.
Sang thế kỷ XX năm 1973, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Thái Lan thỏa thuận sẽ dùng bom để đào kênh qua đây, nhưng kế hoạch cũng bị hủy bỏ.
Đến năm 2005 Trung Quốc ngỏ ý muốn hợp tác với Thái Lan tiến hành dự án đào kênh qua eo đất Kra. Kế hoạch này dự tính tốn 20-25 tỉ USD, sử dụng 30.000 nhân công và kéo dài 10 năm. Kênh đào Kra sẽ cung cấp một giao lộ mới thay thế con đường qua eo biển Malacca và rút ngắn khoảng 1.200km quãng đường vận chuyển dầu mỏ tới Nhật Bản và Trung Quốc.
Tiếp đó, theo một dự án mới đề xuất năm 2015, kênh đào này có chiều dài dao động từ 50 đến 100km, nằm ngang mực nước biển và không có các âu tàu. Kênh đào có chiều rộng 500m ở phần đáy và độ sâu 33m, có thể cho phép tàu trọng tải 500.000 tấn qua lại theo hai làn, với tốc độ 7 knot (tốc độ hành trình tiêu chuẩn quốc tế).