Liên Hiệp Quốc cảnh báo lỗ hổng an ninh mạng đang tồn tại ở hàng loạt quốc gia trên thế giới, đồng thời cho rằng vẫn còn cách biệt giữa các nước về nhận thức và khả năng triển khai các chiến dịch và chương trình phù hợp để đảm bảo an ninh mạng. Đáng chú ý, có tới 50% nước trên thế giới vẫn chưa thông qua được một chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Theo báo cáo “Chỉ số an ninh mạng toàn cầu” của Liên minh Viễn thông quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, Singapore đứng vị trí đầu bảng về danh sách các nước có các biện pháp đảm bảo an ninh mạng tốt nhất hiện nay, tiếp sau là Mỹ. Úc, Pháp, Canada góp mặt trong Top 10.
Trong báo cáo này Việt Nam chỉ xếp hạng 100, ngang bằng Afghanistan và xếp sau cả Myanmar. Kết quả này không khiến giới chuyên môn bất ngờ, bởi với hơn 40% hệ thống website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng, sự cố an ninh mạng ở nước ta đang tăng theo cấp số nhân. Thực tế này đang đặt các tổ chức, cá nhân, thậm chí cả Chính phủ trước yêu cầu cần có cách nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề an ninh mạng.
Khảo sát của Liên minh Viễn thông quốc tế được tiến hành dựa trên luật pháp, những giải pháp kỹ thuật và giải pháp tổ chức, khả năng giáo dục và nghiên cứu cũng như sự phối hợp của quốc gia đó trong mạng lưới chia sẻ thông tin. Mức độ của liên thông mạng này phản ánh khả năng thông tin có thể bị lộ, thậm chí từ cơ sở hạ tầng quan trọng đến những quyền cơ bản của con người có thể bị tổn hại.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia mạng, bằng cách lợi dụng trình duyệt web, các hacker đã có trong tay nhiều thông tin tài khoản của nhiều cá nhân, tổ chức. Ước tính có khoảng 55.000 tài khoản Facebook, 6.000 tài khoản Google, 5.000 tài khoản Yahoo và đáng sợ nhất là hơn 5 triệu cookie các trang phổ biến như Facebook, Google Mail, Yahoo Mail, Hotmail hay cả PayPal đang bị tin tặc nắm giữ. Việc có trong tay các dữ liệu cookie là cực kỳ nguy hiểm, vì tin tặc vẫn có thể thâm nhập được vào tài khoản của người dùng, cho dù tài khoản có sử dụng cơ chế bảo mật hai lớp hay không.
Môi trường mạng còn là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm tội phạm ẩn náu. Báo cáo thường niên của Trung tâm châu Âu chống buôn người di cư (EMSC) thuộc Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết đã nhận được thông tin về 1.150 tài khoản đáng ngờ trên các mạng xã hội trong năm 2016 so với 148 tài khoản vào năm 2015. Chuyên gia của Europol cho biết hiện tượng những kẻ buôn người sử dụng các mạng xã hội đang là một trong những ưu tiên điều tra của cảnh sát châu Âu trong năm 2017, bao gồm một loạt dịch vụ được quảng bá trên phương tiện truyền thông xã hội, từ nhà ở đến vận chuyển, thông qua việc làm giả các loại giấy tờ tùy thân, thị thực hay những cuộc hôn nhân giả mạo.
- T.C